Hơn 3 năm qua, Đại úy Thiều Thị Phương Nhung (SN 1986) chưa một đêm có giấc ngủ êm đềm, một bữa cơm trọn vẹn. Trên nét mặt của nữ quân nhân còn đượm buồn sau khi Đại úy Trần Quốc Dũng đã mãi mãi ra đi khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nhưng chị luôn tự hào về người chồng đã trọn đời cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc và Nhân dân.
Đại úy Thiều Thị Phương Nhung (người đứng) luôn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể trong quân đội.
Dẫu phải chịu bao mất mát, hi sinh, tổn thương tinh thần, nhưng thẳm sâu trong ánh mắt của nữ quân nhân ấy vẫn ánh lên một ý chí kiên định, nghị lực phi thường, quyết tâm vượt qua nỗi đau để lo việc nước, chăm việc nhà, nuôi dạy con cái nên người theo tâm nguyện của liệt sĩ.
Ngược dòng thời gian, rạng sáng ngày 18/10/2020, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xảy ra sự cố sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng khiến 22 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) hi sinh, trong đó có Đại úy Trần Quốc Dũng và 5 liệt sĩ khác là người con quê hương Hà Tĩnh. Đầu tháng 12/2020, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 trao quyết định tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp cho chị Thiều Thị Phương Nhung với quân hàm Thượng úy chuyên nghiệp, làm nhân viên hành chính của Văn phòng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh.
Dù thay đổi công việc đột ngột, môi trường quân đội mang tính đặc thù, nghiệp vụ chưa tinh thông, tất cả mọi thứ đều bỡ ngỡ... nhưng chị đã vượt qua tất cả. Những ngày làm việc bên các đồng chí, đồng đội cũ của chồng, chị thấy bản thân được an ủi rất nhiều và luôn cảm nhận rằng anh đang dõi theo, chở che để giúp chị thích nghi nhanh chóng với môi trường mới, tiếp thêm sức mạnh để vợ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại...
Đại úy Phương Nhung luôn được đồng đội hỗ trợ hết mình trong từng thao tác huấn luyện.
Đại úy Thiều Thị Phương Nhung - nhân viên Văn phòng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh tâm sự: “Khi anh mới hi sinh, cuộc sống của tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chăm lo cho 2 cháu nhỏ. Ngày đó, tôi đang làm kế toán ở Trường Tiểu học xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) nên khá bận rộn, áp lực, con cái phải nhờ người chăm sóc. May mắn, tôi đã được gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội quan tâm, hỗ trợ kịp thời về mọi mặt. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, chiếu cố của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và Bộ CHQS tỉnh nên tôi đã có cơ hội được phục vụ lâu dài trong quân đội, được tiếp bước hành trình còn dang dở của chồng”.
Đại úy Thiều Thị Phương Nhung cùng đồng đội say sưa huấn luyện trên thao trường.
Trung tá Đậu Bá Thành - Phó Chánh Văn phòng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Đại úy Phương Nhung là một nữ quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt, do đó, trong quá trình công tác, chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất. Thời gian đầu tuy gặp một số khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng đội và sự quyết tâm, thích ứng nhanh của bản thân đã giúp đồng chí sớm thành thạo công việc, quen dần với tác phong, nếp sống, sinh hoạt trong quân ngũ. Giờ đây, Đại úy Phương Nhung đã trở thành một người lính "giỏi việc nước, đảm việc nhà”, một nữ quân nhân làm tròn hai vai”.
Đại úy Thiều Thị Phương Nhung chuẩn bị tốt cho các con nhỏ đến trường trước lúc vào đơn vị.
Làm vợ liệt sĩ giữa thời bình phải chịu đựng bao gian khổ, hi sinh, tủi cực, thiệt thòi, nhưng Đại úy Thiều Thị Phương Nhung phải tạm gác đi những giọt nước mắt, những suy nghĩ thiệt hơn và chị không cho phép mình yếu đuối hay gục ngã. Nữ quân nhân luôn xác định mình phải vững vàng, cứng cỏi để thay chồng nuôi dạy các con nên người, phụng dưỡng cha mẹ già và hoàn thành mọi nhiệm vụ đơn vị giao...
Ngoài công việc ở đơn vị, Đại úy Phương Nhung còn phải dành nhiều thời gian chăm lo việc nhà.
Đại úy Phương Nhung chia sẻ thêm: “Hằng ngày, tôi đều thức khuya, dậy sớm, chăm lo cho con học bài, phụ giúp bố mẹ việc nội trợ, vun vén các mối quan hệ xã hội, đảm bảo công tác tốt. Dù khó khăn, vất vả đến mấy, tôi cũng không bao giờ chùn bước, luôn tiến về phía trước để tròn “một gánh hai vai”, xứng đáng với người chồng đã hi sinh và không phụ tấm lòng của cấp trên, bạn bè, đồng nghiệp... Đặc biệt, tôi sẽ luôn ưu tiên nuôi dạy con trai (học lớp 5) và con gái (học lớp 1) nên người, làm điểm tựa để cùng đại gia đình vượt qua mất mát, đau thương”.