Thôn vùng biên Hạ Vàng “thay da đổi thịt”, người dân giảm nghèo nhờ làm nông thôn mới.
Ngày đầu năm, chúng tôi ngược ngàn về với Hạ Vàng - thôn vùng biên giáp ranh với nước bạn Lào, nằm giữa những bao la núi rừng. Trên những đồi chè, cánh đồng ngô, không khí thi đua lao động sản xuất diễn ra nhộn nhịp.
Trong hành trình chuyển mình ở Hạ Vàng người dân địa phương vẫn luôn nhắc đến nữ "thủ lĩnh 3 vai” nhiệt huyết, tận tâm và dám nghĩ dám làm Hồ Thị Hoàn (SN 1968).
Gặp bà vào giờ nghỉ trưa nhưng nữ trưởng thôn vẫn còn tất bật với công việc. Chuông điện thoại bà reo liên tục, người dân gọi nhờ đặt giống lúa mới cho vụ xuân, nhờ lên danh sách tiêm phòng COVID-19.
Bà Hoàn lên danh sách đăng ký giống lúa mới cho bà con trong thôn để kịp sản xuất vụ xuân.
Bà Hoàn chia sẻ, bản thân từng có 10 năm làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, 5 năm làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn. Đến năm 2017, bà được người dân trong thôn bầu cùng lúc 3 chức vụ: Trưởng thôn, Chi hội trưởng Hội Nông dân, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ thôn Hạ Vàng.
Thời điểm đó Hạ Vàng gặp khủng hoảng nhân sự, các trưởng thôn đi trước chỉ làm một thời gian ngắn rồi nghỉ do công việc vất vả, đồng lương hạn chế. Được người dân tín nhiệm, bà Hoàn không từ chối nhưng bản thân cũng gặp nhiều áp lực, định kiến xã hội bởi chức trưởng thôn ở địa bàn của bà lâu nay do đàn ông đảm nhận. Vuợt qua tất cả bằng bản lĩnh và sự nhiệt huyết, nữ trưởng thôn quyết tâm đưa Hạ Vàng đi lên.
Đến nay sau 2 nhiệm kỳ, bà Hoàn đã góp phần đưa Hạ Vàng thành thôn khá của xã.
Hạ Vàng được sáp nhập từ 2 thôn cũ là Khe Cấy và Khe Chẹt vào năm 2012, có diện tích 36.55 ha nhưng chỉ có 180 hộ với 676 nhân khẩu, trong đó nhiều hộ là người di cư lên đây làm ăn.
Thời điểm bà Hoàn nhận chức, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 20 triệu đồng/năm, là thôn nghèo nhất xã. Cuộc sống gắn với núi rừng, nhận thức của người dân về giáo dục còn hạn chế, con em vẫn còn bỏ học giữa chừng. Các tuyến đường trong thôn vẫn là đường đất lầy lội, hệ thống đèn chiếu sáng chưa có.
Bắt tay xây dựng NTM, bà cùng cấp ủy và ban cán sự thôn bàn bạc, đến trực tiếp các hộ dân vận động bà con phá bỏ vườn tạp để trồng cây ăn quả, trồng chè, làm chuồng trại chăn nuôi; kêu gọi góp tiền mua xe đạp, sách vở giúp các em có thêm động lực đến trường.
Nữ trưởng thôn Hồ Thị Hoàn đến từng hộ dân hỗ trợ, động viên làm kinh tế.
Bà Hoàn kể: “Triển khai làm nông thôn mới ở Hạ Vàng rất vất vả bởi thôn thì đất rộng, nhà thưa, đi đâu cũng thấy vườn tạp. Đời sống nghèo khó, người dân chưa hiểu làm nông thôn mới được gì và luôn coi đó là trách nhiệm của chính quyền.
Để bà con hiểu, trước tiên phải tháo gỡ được “nút thắt” tư tưởng cho người dân. Tôi cùng cán bộ trong thôn ngày đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà để giải thích, tuyên truyền cho họ. Dần dần thấy cán bộ tâm huyết, hiểu được làm nông thôn mới là làm cho mình, người dân đồng ý hiến đất làm đường”.
Trưởng thôn Hạ Vàng - Hồ Thị Hoàn (bên trái) trao đổi kinh nghiệm với Trưởng thôn Quyết Thắng - Phạm Thị Hiên.
Để được dân tin và làm theo, bà Hoàn chủ động đi trước xóa bỏ vườn tạp, dỡ bỏ bờ rào của gia đình để mở rộng đường. Trong quá trình làm nông thôn mới không ít lần bà tự bỏ tiền túi cho các hộ gia đình khó khăn ứng trước để làm đường, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng.
Mỗi việc lớn nhỏ trong thôn bà đều thông qua trước Nhân dân để dân được biết, được bàn bạc, đồng thuận. Khi triển khai làm người dân cùng tham gia, giám sát.
Bà Hoàn bên khu vườn mẫu của gia đình bà Võ Thị Nga.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bà Hoàn cùng cán bộ trong thôn, Hạ Vàng giờ đây đã thay da đổi thịt. Đến nay, người dân đã tích cực đổi mới mô hình sản xuất, gây dựng vườn mẫu, phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Hiện thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt gần 40 triệu đồng/năm. Cả thôn có 8 mô hình kinh tế và 4 vườn mẫu cho thu nhập cao. Bà con chăn nuôi hơn 3.000 gia cầm, ngoài trâu bò còn nuôi thêm dê và hươu, trồng được 22ha chè xanh.
Từ thôn đứng cuối xã, nay Hạ Vàng đã vươn lên đứng thứ 5, hộ nghèo chỉ còn 3,65%.
Về Hạ Vàng những ngày này là những cánh đồng ngô xanh ngát, đồi chè trải dài.
Nữ trưởng thôn hào hứng kể: "Xây dựng nông thôn mới đã giúp Hạ Vàng khởi sắc. Toàn bộ các tuyến đường của thôn đã được bê tông hóa, mở rộng lên 5m, lắp đặt hệ thông đèn chiếu sáng, camera an ninh với số tiền gần 500 triệu đồng do dân tự đóng góp. Hệ thống kênh mương nội đồng được xây dựng, nhà văn hóa được sửa sang.
Để đạt được thành quả này là công sức của người dân, cán bộ trong thôn đồng lòng thực hiện. Mục tiêu của tôi cùng Nhân dân Hạ Vàng là sớm về đích khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, người dân vươn lên làm giàu”.
Bà Hoàn cùng người dân sửa sang khuôn viên nhà văn hóa thôn.
Tất bật với công việc thôn xóm, nhưng bà Hoàn vẫn làm tròn thiên chức trong gia đình. Tranh thủ những giờ rảnh bà lại xắn tay vào công việc đồng áng, cày cấy trỉa ngô, nuôi gà để tăng thu nhập.
Bà Võ Thị Nga (thôn Hạ Vàng) cho biết: “Bà Hoàn là người thẳng thắn, nhiệt huyết và rất tâm lí, thấu hiểu lòng dân. Vì thế, chúng tôi đã được bà ấy “truyền lửa” để cùng nhau gây dựng kinh tế, phát triển thôn xóm. Bà Hoàn đã giúp đỡ gia đình tôi làm vườn mẫu, phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương”.
Tranh thủ những khoảng thời gian rảnh bà lại ra đồng trỉa ngô, cày đất làm ruộng.
Ông Cao Kỷ Vị - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 chia sẻ: “Bà Hoàn nhận chức trưởng thôn vào thời điểm thôn rất khó khăn lại khủng hoảng nhân sự, những người đi trước làm thời gian ngắn lại nghỉ.
Là người có trách nhiệm, khâu vận động quần chúng rất tốt, lại được dân tín nhiệm nên sau hai nhiệm kỳ bà Hoàn đã giúp Hạ Vàng “thay da đổi thịt”. Hộ nghèo giảm, đời sống người dân nâng lên, gần 100% hộ đạt gia đình văn hóa, con em đi học đầy đủ. Chính quyền xã rất ghi nhận công sức của bà Hoàn”.
Với những đóng góp của mình, bà Hoàn nhiều năm được chính quyền địa phương khen thưởng
Về Hạ Vàng hôm nay là hình ảnh những đồi chè xanh mướt, những tuyến đường bê tông nông thôn sạch đẹp, vườn mẫu chỉn chu, nhà văn hóa thôn khang trang. Đó là minh chứng rõ nét cho chuyển biến mới ở thôn biên giới, trong đó có công sức, nhiệt huyết của nữ trưởng thôn Hồ Thị Hoàn.