Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Khi thấy đàn chim trời tìm về vườn nhà trú ngụ, hai chị em dâu ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã cùng với các thành viên trong nhà chung tay bảo vệ, “cưu mang” để chúng yên tâm làm tổ, sinh sản.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Về thôn Đinh Phùng, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, hỏi thăm về gia đình bà Bùi Thị Miện (SN 1942) và bà Đinh Thị Trí (SN 1944) không khó, bởi từ người già tới trẻ nhỏ trong vùng, ai ai cũng biết tới hai chị em dâu ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” này đã bảo vệ chim trời suốt hàng chục năm qua.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Đường vào thôn Đinh Phùng, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên.

Hai ngôi nhà nhỏ của chị em dâu Bùi Thị Miện và Đinh Thị Trí kế bên nhau, “lọt thỏm” giữa một màu xanh mát rượi của đủ các loài cây.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Khu vườn rậm rạp cây cối của gia đình bà Miện và bà Trí.

Thời điểm chúng tôi tìm tới cũng là lúc hai bà Miện và Trí đang cùng nhau thu dọn đống lúa phơi giữa sân. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên trán, bà Trí nhoẻn miệng cười: “Tôi già rồi nên không làm ruộng. Số lúa này là mua lúa tươi của người dân trong thôn rồi về phơi. Thấy tôi làm một mình vất vả nên bà Miện sang phụ. Tí nữa tôi lại qua nhà bà ấy để giúp hái chè cho phiên chợ sáng mai”.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Hai chị em bà Trí giúp đỡ nhau thu dọn lúa.

Qua trò chuyện mới biết, bà Trí và bà Miện lập gia đình với 2 anh em ruột, bà Trí lấy người anh, còn bà Miện lấy người em trai. Hai vợ chồng bà Miện có với nhau 5 người con, vợ chồng bà Trí sinh được 4 người con.

Bà Trí hiện sống với người con trai út, còn bà Miện ở một mình. Hai bà thường xuyên qua lại nhà nhau để trò chuyện cũng như đỡ đần công việc cho nhau.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Từ trái sang, bà Đinh Thị Trí và bà Bùi Thị Miện.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đàn chim trời trú ngụ ở vườn nhà, hai bà vui vẻ dẫn ra và không quên dặn nhớ đội mũ, không thì... “phân chim rơi xuống đầu” !

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Khu vườn của hai gia đình rộng chừng 2.000 m2 với nhiều cây cổ thụ hàng chục năm tuổi, cao chót vót. Đây chính là nơi trú ngụ của các loài chim hoang dã như: cò, cói, vạc... suốt hàng chục năm qua.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Hai chị em dâu bảo vệ đàn chim trời suốt hàng chục năm qua.

Vừa bước chân ra tới khu vườn, đã nghe tiếng chim ríu rít trên các cành cây. Thời gian này đang là mùa sinh sản của các loài chim hoang dã.

“Bắt đầu từ tháng 2 âm lịch, chúng sẽ bay về đây làm tổ và cho tới tháng 8 âm lịch – khi chim con đủ lông đủ cánh thì sẽ rời đi. Năm sau, cứ vào tầm thời gian ấy, chúng sẽ trở lại. Mỗi năm, bình quân lúc đông nhất cũng có tới vài nghìn con về trú ngụ, lúc ít nhất cũng hơn khoảng 1.000 con”, bà Miện cho hay.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Thời điểm này, các đàn chim đang tìm về khu vườn để trú ngụ, sinh sản.

“Mỗi mùa chim đến – đi, mang theo biết bao tâm trạng của hai chị em tôi. Cũng bịn rịn chia tay, háo hức mong chờ như với người thân. Khi có việc lo nghĩ, tôi đi ra khu vườn ngắm đàn chim chao liệng, ríu rít gọi nhau thì bao ưu phiền trong lòng tan biến...”, bà Đinh Thị Trí tâm sự.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm
Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Nhiều chú chim con ra đời từ mảnh vườn của hai chị em bà Bùi Thị Miện.

Theo lời bà Bùi Thị Miện thì các loài chim hoang dã tìm về trú ngụ, sinh sản trong vườn nhà đã được ít nhất 60 năm. “Tôi về làm dâu vào năm 1960, khi ấy đã thấy chim tới trong vườn rồi. Ban đầu, các đàn chim về chưa nhiều nhưng trải qua thời gian, thấy an toàn, chúng trở lại với số lượng tăng dần” - bà Miện chia sẻ.

Với suy nghĩ “đất lành chim đậu” nên khi thấy các đàn chim trời trú ngụ, sinh sản trong vườn, các thành viên trong 2 gia đình đã cùng nhau bảo vệ chúng. Để chim thấy an toàn, hai gia đình thống nhất giữ nguyên cây cối trong vườn.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Khu vườn của hai gia đình trở thành “mái nhà” che chở cho đàn chim trời.

“Các cây xanh trong vườn, dù ít nhiều có giá trị kinh tế nhưng vì đây là nơi ở của chim, nên chúng tôi quyết định giữ lại hết. Hồi trước cây còn khá nhỏ nhưng nay thì đã cao hàng chục mét. Cây trong vườn được giữ nguyên gần như suốt hàng chục năm qua. Hai gia đình cũng thống nhất không xây dựng hàng rào bê tông vì nghĩ rằng chim trời thích môi trường hoang sơ, chỉ cần thay đổi nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng tới đàn chim”, bà Miện kể.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Phân chim rơi trắng các cành cây, lá cây phía dưới vườn.

Theo bà Miện và bà Trí, vào năm 2013, cơn bão số 10 với sức gió mạnh, đã khiến nhiều cây cối trong khu vườn hai gia đình bị gãy, đổ. Vì thế, năm đó, số lượng các đàn chim về ít hơn hẳn khiến mọi người trong hai gia đình thấy hụt hẫng.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Gia đình bà Đinh Thị Trí nuôi thêm chó để có thể phát hiện người lạ xâm nhập vào vườn săn bắt chim.

“Chúng tôi quyết định thu dọn lại các cành cây gãy đổ trong vườn rồi trồng thêm một số cây mới. Nghĩ rằng sẽ mất một thời gian dài thì cây mới xanh tốt lại được, nhưng như có sự “cộng sinh” – khi chim cò đến ở, đất trong vườn cũng được “bón phân” thường xuyên nên cây cối phát triển rất nhanh. Và ai cũng mừng khi thấy từng đàn chim lại ríu rít trở về...”, bà Đinh Thị Trí cho hay.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Cách đây chừng 6 năm, xã Cẩm Lạc và thôn Đinh Phùng phát động phong trào xóa bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Ủng hộ chủ trương vì lợi ích cộng đồng nhưng nghĩ đến những cánh chim kia đang cần nơi trú ngụ, hai gia đình đã đề xuất với chính quyền địa phương việc giữ nguyên khu vườn nhằm có môi trường sinh thái tự nhiên cho đàn chim.

“Khi nghe hai gia đình bà Miện và bà Trí đề xuất, thôn đồng ý ngay. Việc giữ nguyên khu vườn là việc cần thiết, chính đáng để bảo vệ đàn chim trời sinh sôi nảy nở”, ông Đặng Văn Thức – Bí thư Chi bộ thôn Đinh Phùng cho biết.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Hai chị em bà Miện thường xuyên quét dọn lá cây, tạo môi trường sạch sẽ cho chim cư trú.

Những năm trước, thông tin về việc các đàn chim trời thường về vườn nhà của hai gia đình trú ngụ lan rộng, đã có một số người tìm tới, dùng súng để săn bắt. Họ thường tới vào ban đêm, soi đèn và dùng súng bắn.

“Biết rằng “chim trời, cá nước”, không phải là tài sản của riêng gia đình nhưng vì tình thân thiết hàng chục năm với đàn chim nên chúng tôi ra sức bảo vệ. Không những thế, hàng xóm cũng “chung tay” bảo vệ chim, nếu thấy có người lạ mặt, mọi người thường gọi điện thông báo với chúng tôi. Sau một thời gian, vấn nạn săn bắt chim cũng giảm dần đi”, bà Bùi Thị Miện chia sẻ.

Để bảo vệ các đàn chim tốt hơn, hai gia đình đã dựng thêm hàng rào thép gai, thép sắt B40 xung quanh vườn nhà nhằm ngăn chặn những người có ý định săn bắt chim trời.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Hàng rào thép B40 được hai gia đình dựng lên để ngăn chặn người lạ vào vườn săn bắt chim.

Vào mùa chim về trú ngụ, sinh sản, bà Miện và bà Trí thay phiên nhau dọn dẹp lá cây rơi rụng trong vườn để tạo môi trường sạch sẽ cho chim. Những lúc như thế, phân chim rơi đầy trên người nhưng hai bà lại thấy vui vì “chim vẫn chọn vườn của chúng tôi để về”.

“Cứ mỗi buổi chiều, từng đàn chim bay về làm tổ, sinh sôi nảy nở, tiếng chim lớn, chim con kêu ríu rít trên các cành cây là tôi cảm thấy rất vui. Chắc là chúng tôi có duyên với chim trời nên chúng mới tìm về đây” - bà Đinh Thị Trí vui vẻ nói.

Cũng không ít lần gió bão bất thường, chim non bị rơi ra khỏi tổ, hai bà lại nhẹ nhàng, cần mẫn chăm chút từng chú chim non để cho chúng đủ sức trước khi mang trả về tổ.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Chim về xây tổ, sinh sản trên các cây trong khu vườn.

Nói về số lượng đàn chim trời năm nay về vườn của hai gia đình, nét mặt của bà Đinh Thị Trí có chút đượm buồn. “Chừng này của mọi năm, các đàn chim đã về rất nhiều, nhưng năm nay, chim về chỉ mới bằng một nửa so với các năm 2019, 2020. Chắc là do vấn nạn săn bắt nên số lượng chim trời ngày càng giảm”, bà Miện tâm sự.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Các đàn chim trời thường bay về từ tháng 2 âm lịch và rời đi vào tháng 8 âm lịch.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lạc Nguyễn Văn Duẩn, việc “cưu mang” chim trời của 2 gia đình bà Bùi Thị Miện và bà Đinh Thị Trí là rất đáng ghi nhận. Chính từ việc làm của hai bà cũng đã giúp người dân địa phương ý thức hơn về việc chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

“Trước đây ở xã cũng có một vài hộ có chim trời tới trú ngụ nhưng sau đó chúng rời đi, duy chỉ còn khu vườn của hai gia đình bà Miện và bà Trí là chim vẫn tới cư trú, sinh sản mỗi năm. Thật hiếm có gia đình nào như gia đình bà Trí và bà Miện khi suốt hàng chục năm bảo vệ đàn chim hoang dã...”, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lạc Nguyễn Văn Duẩn chia sẻ.

Hai chị em dâu “cưu mang” chim trời suốt hàng chục năm

Thôn Đinh Phùng nằm dọc theo dòng sông Rác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast