50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất

Quê hương xứ sở trong văn học Hà Tĩnh giai đoạn 1975-2025

(Baohatinh.vn) - Hướng về nguồn cội với tất cả nghĩa tình sâu nặng là một trong những nội dung nổi bật của văn học Hà Tĩnh 50 năm qua.

Ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, lòng yêu nước cũng là một trong những nguồn cảm hứng sâu đậm nhất của văn học, nghệ thuật. Cảm hứng yêu nước biểu hiện trong muôn vàn cung bậc, sắc thái khác nhau, tùy thuộc vào sự tác động của thực tế đời sống cũng như cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

Cảm hứng yêu nước trong văn học nghệ thuật Hà Tĩnh giai đoạn 1975-2025 biểu hiện trước tiên ở tình cảm của người cầm bút với quê hương, xứ sở. Tình cảm thiêng liêng máu thịt ấy được hình thành tự nhiên trong mối quan hệ giữa nhà văn và môi trường sống cùng ý thức về bổn phận đối với nơi chôn nhau cắt rốn, với cội nguồn.

Hình ảnh quê hương xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật của các tác giả Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Hình ảnh quê hương xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật của các tác giả Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng

Mặt khác, những đặc trưng văn hóa làng xã cổ truyền miền đất Hà Tĩnh chi phối sâu sắc quan niệm sáng tạo của nhà văn. Họ có sự nhạy cảm đạo đức, cảm giác, cảm xúc và tư tưởng nghệ thuật riêng trong trải nghiệm, thấu hiểu con người và vùng đất quê mình. Đất quê mình, dù thơ mộng, hùng vĩ, “giang sơn tụ khí” hay đầy những tai ương của chiến tranh và thiên tai thì trong thẳm sâu cõi lòng, nhà văn Hà Tĩnh vẫn dành tình cảm chân thành, tha thiết nhất cho nơi chôn nhau cắt rốn.

Một Hà Tĩnh thường xuyên đối mặt với thiên tai khắc nghiệt: Bão xô nghiêng mảnh đất gầy/ Nắng hun đến cái diệp cày cũng cong (“Lục bát Tiên Điền” - Yến Thanh). Mỗi người viết là một góc nhìn, một cách cảm nhận nhưng trong rất nhiều tác phẩm viết về quê hương, hình ảnh “nắng lửa”, “gió hun”, “đồng bãi khô cằn”, “đất cày lên sỏi đá”, “cơn bão chưa qua hạn hán đã tới rồi” cứ trở đi trở lại như những điệp khúc xót xa trong thơ Phan Duy Thảo, Nguyễn Ngọc Phú, Bùi Quang Thanh, Bùi Minh Huệ, Nguyễn Ngọc Vượng, Phan Trọng Tảo, Nguyễn Văn Hoan, Trần Nam Phong, Quỳnh Như…; trong văn xuôi Đức Ban, Phan Thế Cải, Võ Minh Châu, Nguyễn Xuân Diệu, Lê Văn Vỵ, Hà Lê, Nguyễn Trung Tuyến, Trần Quỳnh Nga… Và trong các loại hình nghệ thuật: âm nhạc (Ngọc Thịnh, Quốc Nam, Trịnh Ngọc Châu, Mạnh Chiến…); ảnh nghệ thuật (Phan Thoan, Trần Hướng, Sỹ Ngọ, Đình Thông, Huy Tuấn, Hữu Vơn…); hội họa (Phạm Lê Khang, Lê Anh Tuấn, Lê Anh Ngọc, Trần Lê Khả…); sân khấu kịch nói (Nguyễn Ban, Sỹ Thiện); kịch hát dân ca (Phan Lương Hảo, Trương Quang Bốn, Đặng Duy Hải, Hoàng Vinh…); trong múa (Nguyễn Thị Cẩm, Nguyễn Thị Thanh Mai, Hoài Thu)...

Viết về quê hương, nhà văn giàu tâm huyết gửi cả hồn mình vào từng hình ảnh đơn sơ mà thân thuộc, vào mỗi nỗi buồn, niềm vui, những mong ước bình dị của con người...
Viết về quê hương, nhà văn giàu tâm huyết gửi cả hồn mình vào từng hình ảnh đơn sơ mà thân thuộc, vào mỗi nỗi buồn, niềm vui, những mong ước bình dị của con người...

Sau ngày đất nước thống nhất đến nay, các tác giả thuộc loại hình văn học xa dần tư tưởng nghệ thuật ngợi ca một chiều từng phổ cập văn chương một thời, để dấn thân vào đời sống, tìm tòi, khai thác, thấu hiểu những vấn đề sâu xa, lẩn khuất trong tâm hồn con người, trong ngổn ngang hiện thực cuộc sống. Đấy là lối ngõ để văn học, nghệ thuật đến với tâm hồn độc giả.

Hình ảnh quê hương lộ diện ra trong từng gương mặt người, in dấu trong từng bữa ăn ngày no, ngày đói. Viết về quê hương, nhà văn giàu tâm huyết gửi cả hồn mình vào từng hình ảnh đơn sơ mà thân thuộc, vào mỗi nỗi buồn, niềm vui, những mong ước bình dị của con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hình tượng mẹ với bao nỗi vất vả, nhọc nhằn được thể hiện trong văn học luôn da diết với những tình cảm thương mến quê nghèo. Qua mẹ, ta hiểu sâu sắc hơn về quê hương như trong các tác phẩm: “Mùa gặt” - Quỳnh Như, “Làng Diêm” - Nguyễn Ngọc Vượng, “Giấc mơ tuổi thơ” - Trần Nam Phong, “Cắt móng chân cho mẹ” - Lê Văn Vỵ, “Hạt đắng” - Bùi Quang Thanh, “Lối xưa” - Hoàng Văn Hóa, “Thưa với mẹ” - Nguyễn Văn Thanh…

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Nếu quê hương hiện lên trong thơ như những nét ký họa rưng rưng nỗi niềm, thì ở văn xuôi, với ưu thế của thể loại, hình ảnh quê hương được tái hiện một cách chi tiết, đầy đặn và sống động trong truyện ngắn của Đức Ban, Trần Đắc Túc, Nguyễn Thị Phước, Như Bình, Đặng Thanh Quê, Trần Hải Vân, Trần Tú Ngọc, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Trung Tuyến…; trong ký của Lê Trần Sửu, Chính Tâm, Võ Minh Châu, Phan Trung Hiếu, Phan Thế Cải, Nguyễn Xuân Diệu...

Người Hà Tĩnh có những nét đối nghịch rất đặc trưng: âm thầm nín nhịn và quyết liệt dữ dội; vị kỷ và vị tha; hẹp hòi và rộng lượng; lý sự và tình nghĩa; tự tôn và tự ti; nghiệt ngã và bao dung, cộc cằn; chân mộc và đa cảm, đa đoan…

Những nhân vật như chị Thảo - “Hoa bần”, ông Cự - “Ngôi sao hôm leo lét”, Nợi - “Đền thờ Thánh mẫu” của Đức Ban; bà Đậu - “Mùi cám mới”, Cúc - “Cầu vồng” của Nguyễn Thị Phước; ông Đảm - “Làng Vòng” của Trần Đắc Túc; bà Mão - “Dưới chân núi Mồ Côi”, o Thiu - “Hoa gạo”, lão Mốc - “Đêm nguyệt thực” của Như Bình; o Chắt - “Nhà thờ tướng công” của Đặng Thanh Quê… cho ta hình dung khá rõ khí chất, tính cách của con người Hà Tĩnh. Điều đáng nói là qua những thân phận riêng tư cá biệt ấy, các nhà văn muốn gửi gắm mối đồng cảm sâu sắc với người anh em quê hương mình.

Song, nếu văn học Hà Tĩnh chỉ đề cập đến một vài mặt như vừa trình bày trên đây thì chắc chắn vẫn còn phiến diện. Hà Tĩnh là một vùng đất giàu truyền thống quật cường cũng như có bề dày của một vùng văn hóa lâu đời. Quê hương của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Hoàng Ngọc Phách, Võ Liêm Sơn, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đổng Chi… nơi đã sản sinh những huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích, những câu chuyện trạng hấp dẫn, những làn điệu ví, giặm, ca trù, phường vải… đặc sắc thì không thể không gợi lên ở người thời nay những suy nghĩ, tự hào.

Văn hóa của quê hương đã trở thành một nguồn cảm hứng trong văn học Hà Tĩnh 50 năm qua. Trong ảnh: Tiết mục mở màn chương trình nghệ thuật "Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông" tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức. Ảnh: Đậu Hà
Văn hóa của quê hương đã trở thành một nguồn cảm hứng trong văn học Hà Tĩnh 50 năm qua. Trong ảnh: Tiết mục mở màn chương trình nghệ thuật "Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông" tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức. Ảnh: Đậu Hà

Văn hóa của quê hương đã trở thành một nguồn cảm hứng trong văn học Hà Tĩnh 50 năm qua. Viết về quê hương là tái hiện cái thực tại đang diễn ra, là khai thác những tầng vỉa văn hóa tinh thần trong lòng cuộc sống. Văn hóa dân gian, văn hóa đương đại sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn, khai phóng tư duy người hôm nay trong hành trình tới tương lai. Đấy cũng chính là tình cảm biết ơn, nhớ thương nguồn cội. Như cách mà Trần Đắc Túc đã đề cập trong “Làng xưa bạn cũ”: “Thế đất vòng cung của làng giống hình một con rùa nếu nhìn xa từ trên rú Hống, phía bến Nậy là đầu, mà đuôi là khúc bến Lò. Các cố trong làng hay gọi đó là thế đất hồi quy. Con rùa bò về. Về đâu nhỉ? Về hang hay về bến? Tôi hỏi Cố Chuyên, một cụ già giỏi chữ Nho hãy còn đang sống. Cụ giải thích: Không chỉ con rùa đâu, chỉ phận người làng đấy. Người làng kiếm ăn xa xứ, cuối cùng cũng dắt díu nhau về, chẳng cứ thân rùa... Mỗi người một cách trở về. Thế đất hồi quy các cụ nói vậy không sai. Đường đi của đời người như đã uốn theo vạch”.

Sông có nguồn, cây có cội, người có tổ tiên, quê hương. Hướng về nguồn cội với tất cả nghĩa tình sâu nặng là một trong những nội dung nổi bật của văn học Hà Tĩnh 50 năm qua. Những tác phẩm như vậy chắc chắn sẽ còn có chỗ đứng xứng đáng trong lòng người đọc.

Chủ đề 50 năm văn học nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất

Đọc thêm

Thành Sen - "dấu son" trong lòng người Hà Tĩnh

Thành Sen - "dấu son" trong lòng người Hà Tĩnh

Từ một câu chuyện trong sử sách, tên gọi Thành Sen (Hà Tĩnh) đã ra đời và theo suốt dặm dài lịch sử của vùng đất này. Tên gọi ấy đã ăn sâu vào ký ức, trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ.
 Niềm vui tháng Bảy của nhiều gia đình liệt sỹ

Niềm vui tháng Bảy của nhiều gia đình liệt sỹ

Tháng 7 này trở nên đặc biệt hơn với nhiều gia đình liệt sỹ ở Hà Tĩnh khi phần mộ người thân được đưa về yên nghỉ nơi đất mẹ, khi tấm bằng “Tổ quốc ghi công” được trao tặng trang nghiêm, trọng thể.
Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Những ngày tháng Bảy, đất nước lại lặng mình trong những ký ức thiêng liêng về những năm tháng khói lửa. Trong dòng chảy lịch sử ấy, lực lượng TNXP Hà Tĩnh để lại nhiều dấu ấn hào hùng, góp phần viết nên bản hùng ca bất tử bằng sức trẻ và lòng yêu nước cháy bỏng.
Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt trong văn học Việt Nam, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân. Dù gần 100 tuổi, cụ Trần Thị Tám ở xã Hồng Lộc (Hà Tĩnh) vẫn thuộc và say sưa luận giải Kiều.
Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Giữa một vùng quê ven sông La - nơi được biết đến là xã nhỏ nhất của tỉnh Hà Tĩnh lại tồn tại một góc phố mang dáng dấp cổ kính, phảng phất hồn xưa như một “phố cổ Hà Nội” thu nhỏ.
Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Về thôn Phú Quý, xã Đông Kinh, tỉnh Hà Tĩnh. Dạo bước trên những tuyến đường bê tông nhựa rộng rãi, không chỉ cảm nhận được sự bình yên, trù phú mà còn thấy rõ sức sống mới của miền quê trù phú, xanh tươi 
Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Bằng nhiều cách tiếp cận và truyền tải linh hoạt, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh đang nỗ lực làm mới công tác gia đình, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa trong cộng đồng.
Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.