Quyết định của tân Tổng thống Donald Trump về tạm thời cấm nhập cảnh đối với toàn bộ người tị nạn và công dân của 7 quốc gia Hồi giáo đã gây ra một phản ứng trái chiều trong nội bộ nước Mỹ.
Biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos thực hiện, công bố ngày 31/1, sắc lệnh của ông Trump nhận được sự ủng hộ nhiều hơn là phản đối của người Mỹ. Cuộc khảo sát tiến hành trong 2 ngày 30 và 31/1 cho thấy, 31% người Mỹ cảm thấy “an toàn hơn” nhờ lệnh cấm mà ông Trump đưa ra, trong khi 26% nói họ cảm thấy “kém an toàn hơn”. Khoảng 38% nói họ cảm thấy nước Mỹ đang đặt ra “một tấm gương tốt” về cách tốt nhất để chống chủ nghĩa khủng bố, trong khi 41% nói nước này đang đặt ra “một tấm gương xấu”.
Đó là kết quả khảo sát của người dân, còn trong chính giới, sự phản đối dành cho Tổng thống Trump ngày càng mạnh mẽ. Khoảng 900 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký vào một bản ghi nhớ nội bộ để phản đối sắc lệnh áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và người nhập cư tới từ 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số của ông Trump ký hồi tuấn trước. Ủy ban Tài chính Thượng viện Đảng Dân chủ hôm qua cũng đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu bầu chọn bộ trưởng Ngân khố và bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh để phản đối Tổng thống. Động thái tẩy chay nói trên của Đảng Dân chủ đã gặp phải sự chỉ trích của Đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Orrin Hatch, Chủ tịch tạm quyền Thượng viện Mỹ bình luận: “Tôi rất thất vọng khi những người bạn của tôi ở phe dân chủ đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu và họ thậm chí còn không xuất hiện trong cuộc bỏ phiếu này. Tôi cho rằng một trong những lí do tẩy chay là vì họ không thích Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông. Nhưng làm tê liệt hoạt động của chính phủ không phải là cách hay để họ bày tỏ sự phản đối”.
Bộ trưởng Bộ an ninh nội địa Mỹ John Kelly thì cho rằng, dư luận đang hiểu sai về sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump.
Ông Kelly nói: “Đây không phải là lệnh cấm mà chỉ là một lệnh dừng tạm thời cho phép chúng ta xem xét rà soát tốt hơn hệ thống visa tị nạn. Trong vòng 30 ngày tới chúng tôi sẽ phân tích và đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống di trú hiện tại, một hệ thống di trú mở hào phóng nhất thế giới. Sau đó chúng tôi sẽ có 60 ngày để làm việc với các đối tác nước ngoài để đưa ra các yêu cầu phù hợp với an ninh quốc gia Mỹ".
Ông Kelly nhắc lại rằng, sắc lệnh của Tổng thống Trump không phải nhằm vào người Hồi giáo mà là để đảm bảo an toàn cho người Mỹ, các giá trị Mỹ. Ông Kelly khẳng định tự do tôn giáo là một trong những giá trị cơ bản và đáng trân trọng nhất của nước Mỹ.
Tuy nhiên, bất chấp những lời giải thích của Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, hàng ngàn người Mỹ vẫn xuống đường biểu tình để phản đối Tổng thống.
Nhiều nghị sỹ, bao gồm cả một số nghị sỹ thuộc Đảng Cộng hòa của ông Trump, chỉ trích sắc lệnh này, coi sắc lệnh là một sự phân biệt đối xử và phản tác dụng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Hơn 10 tổng chưởng lý của các tiểu bang Mỹ đã tuyên bố sẽ cùng nhau chống lại sắc lệnh trên của ông Trump. Quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, bà Sally Yates, đã bị cách chức sau khi từ chối bảo vệ sắc lệnh này.
Nhiều công ty lớn cũng bày tỏ sự phản đối quyết định cấm người Hồi giáo nhập cảnh của ông Trump.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho rằng: “Các nước có quyền và nghĩa vụ quản lý biên giới để tránh sự xâm nhập của khủng bố. Nhưng điều này không thể dựa vào bất kỳ hình thức phân biệt đối xử liên quan đến tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch vì nó đi ngược lại các nguyên tắc và giá trị nền tảng cơ bản của xã hội. Liên Hợp Quốc quan ngại tới những quyết định có thể gây tổn hại đến các chế độ bảo vệ người tị nạn. Người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột và khủng bố có quyền nhận được đối xử theo luật tị nạn quốc tế."
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm qua (31/1) cũng đã ra một tuyên bố coi Tổng thống Mỹ Donald Trump là một "mối đe dọa" đối với Liên minh châu Âu (EU). Trong một lá thư viết cho các thành viên của khối, Chủ tịch Hội đồng châu Âu còn cảnh báo rằng "những hành động của chính quyền mới của Mỹ làm cho tương lai của châu Âu trở nên khó lường".
Một số chính trị gia châu Âu khác còn lo lắng trước chiến lược gia Stephen Bannon của ông Trump. Ông Bannon được biết đến với quan điểm chống EU và muốn mở rộng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc đến các nước EU.
Chính phủ Iraq, một trong số danh sách 7 quốc gia bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Mỹ đã tuyên bố sẽ không có các biện pháp trả đũa và hi vọng sẽ hợp tác với chính quyền của Tổng thống Donald Trump để giải quyết vấn đề này./.