Bộ CHQS Hà Tĩnh thường xuyện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ lái tàu xuồng ở các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh để sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Sáng sớm 26/8, lớp tập huấn kỹ thuật lái tàu xuồng và cứu hộ, cứu nạn (CHCN) do Bộ CHQS tỉnh tổ chức tại khu vực cảng Hộ Độ (TP Hà Tĩnh) rộn ràng tiếng khẩu lệnh và âm thanh của những chiếc xuồng máy.
Theo dõi các học viên lái xuồng thực hiện các bài tập, chúng tôi nhận thấy, họ không chỉ giỏi thực hành kỹ thuật lái xuồng, xử lý tình huống vượt chướng ngại vật, qua vòng cua hẹp, cắt sóng mà còn khá nhuần nhuyễn, thuần thục, chính xác các kỹ thuật vớt, cấp cứu người bị nạn.
Cơ quan chức năng Bộ CHQS tỉnh kiểm tra phương tiện chuẩn bị cho mùa mưa bão năm nay.
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Đình Đức (Ban CHQS huyện Vũ Quang) cho biết: “Qua đợt tập huấn này, chúng tôi được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng trong điều khiển xuồng cao tốc xử lý các tình huống trong nhiệm vụ CHCN. Đây là “cẩm nang” cần thiết giúp chúng tôi đủ khả năng làm chủ phương tiện tham gia ứng cứu, CHCN khi có tình huống bão lụt xẩy ra”.
Nhân viên, thợ lái tàu xuồng thuộc Ban CHQS huyện Kỳ Anh sửa chữa máy xuồng để phục vụ cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.
Thượng tá Dương Ngọc Tiệp - Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Để sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, năm nay, cùng với việc làm tốt công tác tập huấn phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, cơ quan đã tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là các địa bàn trọng điểm chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, vật chất theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng cơ động xử trí có hiệu quả khi có tình huống xẩy ra”.
Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên chỉ đạo kiểm tra phương tiện tàu xuồng sẵn sàng cơ động, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Chuẩn bị các phương án cho mùa mưa bão năm nay, về chỉ huy tại chỗ, khi có tình huống xẩy ra, Bộ CHQS tỉnh thành lập 1 sở chỉ huy cơ bản và 2 sở chỉ huy phía trước. Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào tình hình cụ thể tổ chức thành lập các sở chỉ huy tại chỗ. Về “lực lượng tại chỗ”, các đơn vị thường trực là Trung đoàn 841 và các đại đội: Công binh, Trinh sát, Quân y sẽ sử dụng các đơn vị làm nhiệm vụ trực chiến đi đầu khi xẩy ra mưa bão, lũ lụt.
Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã chọn các đơn vị dân quân cơ động, dự bị động viên; cấp xã chọn trung đội dân quân cơ động; mỗi xã, phường chọn từ 1 tổ đến 1 tiểu đội dân quân cơ động... làm nòng cốt. Lực lượng này được trang bị các phương tiện như: áo phao, phao cứu sinh, ống nhòm, đèn pin, xuồng máy...
Để tự ứng phó với mưa bão, lũ lụt năm 2020, bà con ở vùng trũng thấp của xã Hòa Hải, huyện Hương Khê đã trang bị “nhà nổi”.
Bên cạnh đó, ban CHQS các huyện chỉ đạo ban CHQS các xã, thị trấn phát huy vai trò của lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân chuẩn bị tốt vật chất, phương tiện và lương thực, thực phẩm sẵn sàng ứng phó với lũ lụt.
“Tại xã Hòa Hải (Hương Khê), với sự vận động, hỗ trợ của các lực lượng, mỗi gia đình ở vùng trũng thấp đều đã chuẩn bị “nhà nổi” để khi có tình huống xẩy ra có thể “sống chung” với bão, lũ lụt từ 5 - 7 ngày”, ông Nguyễn Đăng Phú - Chủ tịch UBND xã Hòa Hải chia sẻ.
Ban CHQS các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, phương tiện để đảm bảo ứng phó có hiệu quả trong mùa mưa lũ 2020.
Đại tá Nguyễn Hữu Thông, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Chủ động về phương án, thuần thục kỹ năng ứng cứu, cơ động nhanh, xử lý có hiệu quả khi có tình huống xẩy ra” là phương châm xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng vũ trang tỉnh. Ở đâu có thiên tai, thảm họa, lực lượng vũ trang luôn có mặt kịp thời và là nòng cốt đi đầu, trở thành chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân”.