Ông Prayut tái đắc cử Thủ tướng Thái Lan

Ngày 5/6, lưỡng viện quốc hội Thái Lan đã họp bầu ông Prayut Chan-o-cha làm Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.

Lưỡng viện Quốc hội Thái Lan đã nhóm họp vào ngày 5/6 để bầu Thủ tướng với sự tham gia của 250 thượng nghị sĩ và 497/500 hạ nghị sĩ. Người đắc cử thủ tướng thứ 30 của Thái Lan phải hội đủ hơn 1/2 tổng số phiếu tại phiên họp này. Các đảng có ghế tại Hạ viện đã giới thiệu hai ứng viên tranh cử vị trí Thủ tướng là đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) lãnh đạo, và ông Thanathorn Juangroongruangkit thuộc liên minh do đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) lãnh đạo.

Ông Prayut tái đắc cử Thủ tướng Thái Lan

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Ảnh: Chiang Rai Times

Có 3 nghị sĩ không tham gia bỏ phiếu là Thủ lĩnh đảng Hướng tới Tương lai, ông Thanathorn Juangroongruangkit do bị Tòa án Hiến pháp tạm đình chỉ tư cách hạ nghị sĩ để chờ phán quyết về cáo buộc sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông khi vận động tranh cử, trong khi đó, một hạ nghị sĩ khác của đảng Hướng tới Tương lai là Jumpita Chantarakachorn bị ốm không thể tham dự cuộc họp và cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva mới tuyên bố từ chức Hạ nghị sĩ do Đảng Dân chủ của ông ủng hộ ông Prayut làm Thủ tướng.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra với hình thức công khai, kết thúc vào đêm ngày 5/6, mỗi thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ lần lượt đứng lên tuyên bố bằng lời nói về sự lựa chọn của họ đối với ứng viên Thủ tướng. Trước đó, phần lớn thời gian trong ngày được dành cho các cuộc tranh luận, nhiều ý kiến nhận xét được đưa ra về cả hai ứng cử viên Thủ tướng là ông Prayut và ông Thanathorn.

Kết quả, ông Prayut giành được 500 phiếu, ông Thanathorn giành được 244 phiếu và 3 phiếu trắng. Chủ tọa phiên họp đã tuyên bố ông Prayut đã được bầu làm Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.

Ông Prayut Chan-o-cha, sinh ngày 21/3/1954, nguyên là Đại tướng Quân đội Hoàng gia Thái Lan và là đương kim Thủ tướng Thái Lan từ năm 2014 tới nay. Ngày 22/5/2014, trên cương vị Tư lệnh Lục quân, ông đã chỉ huy cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ngày 23/5, ông Prayut tuyên bố nắm giữ vị trí thủ tướng tạm thời cho đến khi chọn được người nắm giữ vị trí này. Đến ngày 21/8/2014, ông chính thức được bầu làm Thủ tướng bởi Quốc hội tạm thời do quân đội kiểm soát.

Mặc dù giành chiến thắng, tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Prayut sẽ đối mặt với nhiệm vụ không mấy dễ dàng là duy trì sự ổn định của chính phủ liên minh gồm 19 chính đảng và đứng trước thách thức đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay, cũng như giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn là hai đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan. Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cũng nhận định chính phủ của ông Prayut dự báo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành và đệ trình thông qua các dự án luật, kế hoạch tài khóa tại Hạ viện do sự chống đối quyết liệt của phe đối lập do liên minh của đảng Vì nước Thái lãnh đạo, với 246 ghế tại Hạ viện.

Theo VOV

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.