Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (Ảnh: Reuters).
Theo thông báo của Tòa án Hiến pháp ngày 30/9, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha chưa vượt quá giới hạn 8 năm tại vị, do đó ông tiếp tục giữ chức vụ thủ tướng.
Ông Prayuth đã tạm bị đình chỉ chức vụ vào ngày 24/8 trong khi tòa án xem xét một kiến nghị của các đảng đối lập về việc ông Prayuth có thể vi phạm giới hạn ghi trong Hiến pháp năm 2017 rằng thủ tướng chỉ được nắm quyền tối đa 8 năm.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan đã giữ chức vụ thủ tướng của Thái Lan trong tháng qua.
Thực tế, ông Prayuth Chan-ocha chính thức trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8/2014 và được bổ nhiệm làm thủ tướng một lần nữa sau cuộc bầu cử năm 2019. Và nếu lấy năm 2014 là thời điểm bắt đầu, ông Prayuth đã chạm tới giới hạn pháp lý vào tháng trước.
Tuy nhiên, ông Prayuth và những người ủng hộ cho rằng, việc đếm ngược tới giới hạn nắm quyền nên bắt đầu khi Hiến pháp hiện thời có hiệu lực vào tháng 4/2017.
Và cũng theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp, nhiệm kỳ của ông Prayuth bắt đầu từ năm 2017, sau khi Hiến pháp hiện hành thay thế hiến chương lâm thời hậu đảo chính.
Như vậy, ông được phép làm Thủ tướng tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào giữa tháng 11 tới và có thể nắm quyền đến năm 2025 nếu được bầu lại sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 2023.
Trong ngày 30/9, an ninh được thắt chặt nghiêm ngặt xung quanh Tòa án Hiến pháp để đề phòng biểu tình có thể nổ ra sau khi phán quyết được công bố. Trước đó, một số nhóm tuyên bố sẽ phản đối nếu ông Prayut được phép tiếp tục tại vị.