"Thỏa thuận có thể đạt được với Trung Quốc và tất cả các nước. Tuy nhiên, các lãnh đạo ở Trung Quốc chưa hiểu rõ phải thực hiện như thế nào", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại Nhà Trắng ngày 9/4, nhấn mạnh ông chỉ muốn "thỏa thuận công bằng".
Khoảng nửa ngày sau khi mức thuế đối ứng mà ông Trump khởi xướng có hiệu lực với 180 đối tác thương mại và khoảng 6 giờ sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế với hàng hóa Mỹ lên 84% để đáp trả, Tổng thống Mỹ thông báo hoãn tăng thuế đối ứng trong 90 ngày với hầu hết nền kinh tế, giữ nguyên mức thuế chung 10%. Tuy nhiên, ông thông báo nâng mức thuế với Trung Quốc lên 125% ngay lập tức bởi "sự thiếu tôn trọng của nước này với thị trường toàn cầu".

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), căng thẳng thuế quan Mỹ - Trung có thể khiến khối lượng thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế giảm tới 80%.
"Cách tiếp cận ăn miếng trả miếng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 3% thương mại toàn cầu, dẫn đến những tác động rộng hơn, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế toàn cầu", WTO cho hay, thêm rằng việc chia nền kinh tế toàn cầu thành hai khối theo cách này có thể dẫn đến GDP thực tế toàn cầu giảm gần 7% trong dài hạn.
Thuế đối ứng áp dụng với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, theo công bố ban đầu của ông Trump, có hiệu lực từ 9/4 với thuế suất 11-84%. Chính sách này khiến thế giới chao đảo một tuần qua. Hàng loạt lãnh đạo thế giới lên tiếng phản đối, cho rằng mức thuế này vô lý.
Jake Colvin, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia của Mỹ, đánh giá việc tạm hoãn thuế là bước đi đúng đắn, phần nào giảm tác động ngay lập tức. Tuy nhiên, ông cho rằng "đừng vội ăn mừng" bởi mức thuế 10% với hầu hết quốc gia vẫn được giữ nguyên, cùng mức thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, các mặt hàng thép, nhôm, ôtô và sẽ còn những thuế cao hơn nữa trong tương lai.
Theo AFP, Reuters