Đăng ký biển số cho xe máy điện: Còn nhiều vướng mắc...!

(Baohatinh.vn) - Triển khai Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 1/6/2014, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký mới được lưu thông. Tuy nhiên, hơn 1 tháng triển khai, trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chưa có bất kỳ người dân nào đến làm thủ tục đăng ký. Trong khi đó, tình trạng xe máy điện không có biển số vẫn chạy... nhan nhản trên các tuyến đường!

Với đặc tính không cần bằng lái, không tốn tiền xăng, gọn nhẹ mà vẫn có thể chạy với tốc độ như xe máy nên xe máy điện rất được các học sinh, sinh viên ưa chuộng. Tuy nhiên, loại xe này cũng có nhiều điểm yếu như: bánh nhỏ, đèn chiếu sáng yếu, không đèn xi nhan, tốc độ xe có thể đạt 50 km/h, lại không phát ra tiếng động cơ như xe gắn máy nên rất dễ gây nguy hiểm cho người khi lưu thông.

Với ưu điểm gọn nhẹ, tiết kiệm, xe máy điện thường được các bậc phụ huynh lựa chọn cho con em mình
Với ưu điểm gọn nhẹ, tiết kiệm, xe máy điện thường được các bậc phụ huynh lựa chọn cho con em mình

Để siết chặt hoạt động và tăng cường giám sát, quản lý phương tiện này, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe, trong đó có đề cập đến việc bắt buộc xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông từ ngày 1/6/2014. Nếu xe máy điện không đăng ký biển số thì sẽ bị phạt từ 300.000-400.000 đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai đăng ký cho xe máy điện lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề giấy tờ để làm thủ tục. Thông tư 15 quy định để đăng ký biển số cho xe máy điện, phải có các loại giấy tờ như: phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước) hoặc giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu); hóa đơn bán hàng; chứng từ nộp lệ phí trước bạ. Bên cạnh đó, thông tư này còn tạo điều kiện cho những xe đã sử dụng trước ngày 1/7/2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không đảm bảo quy định chỉ cần chủ xe cam kết, kèm theo xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều không có đủ các loại giấy tờ theo quy định nên không thể đăng ký. Anh Nguyễn Hoàng Nam (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi mua xe máy điện cho con đi học được hơn 1 năm. Khi mua xe có thấy mấy giấy tờ như vậy đâu, giờ biết lấy đâu ra mà làm thủ tục đăng ký”.

Một số người khi ra cửa hàng xe máy điện xin bổ sung giấy tờ để đăng ký biển số thì các chủ cửa hàng đều khước từ với lý do là không có giấy tờ cho từng xe riêng lẻ mà chỉ có chung cho cả lô.

Trao đổi với PV, Trung tá Lê Xuân Quý - Phó đội trưởng Đội Đăng ký xe, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Việc đăng ký xe máy điện Phòng CSGT đã triển khai từ năm 2010, khi Thông tư 36/2010/TT-BCA ra đời. Tuy nhiên, đến nay, khi Thông tư 15 ra đời thay thế Thông tư 36 thì vẫn chưa có bất kỳ một xe máy điện nào đến đăng ký vì hầu hết không có đủ giấy tờ để làm thủ tục theo quy định…

Ngoài khó khăn trong thủ tục đăng ký thì việc phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện cũng còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong xử phạt cũng như quản lý loại phương tiện này.

Theo Trung tá Lê Xuân Quý thì cách đơn giản để phân biệt xe đạp điện và xe máy điện là ngoại hình. Xe máy điện thường có thiết kế cầu kỳ, tương tự như những mẫu xe tay ga, kích thước lớn, còn xe đạp điện thiết kế thô sơ, có vận tốc thiết kế không quá 25 km/h, trọng lượng xe (bao gồm cả ắc-quy) dưới 40 kg, công suất không quá 250W và có cơ cấu trợ lực bằng bàn đạp khi hết điện. Trong khi đó, xe máy điện có động cơ điện công suất không lớn hơn 4 KW, vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h và không có bàn đạp.

Từ thực trạng trên, việc cho ra đời các hướng dẫn cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó là vô cùng cần thiết, để Thông tư 15 được triển khai đồng bộ, hiệu quả cao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast