Liệt sĩ Trần Thọ Thuyết và trận đánh sinh tử của tàu 235

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và đoàn tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam được xem như một huyền thoại. Trong đó, sự hi sinh quả cảm của những "cảm tử quân" trên Tàu 235 trên bến Hòn Hèo (Nha Trang) là một trong những bản hùng ca bất tử. Trong số 14 cán bộ chiến sĩ hi sinh trong trận đánh thư hùng đó có người con của quê hương Quang Lộc (Can Lộc , đó là liệt sĩ Trần Thọ Thuyết.

Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Liệt sĩ Trần Thọ Thuyết sinh ngày 25 tháng 5 năm 1944 tại xóm Hương Đình - xã Quang Lộc - huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh là một trong 95 liệt sĩ của Lữ đoàn 125 tính đến 30/4/1975. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 7 anh chị em. Trần Thọ Thuyết là con thứ hai của gia đình ông Trần Công Lệ và bà Nguyễn Thị Duệ

Liệt sĩ Trần Thọ Thuyết
Liệt sĩ Trần Thọ Thuyết

Thưở nhỏ, Trần Thọ Thuyết học giỏi, có khuôn mặt thư sinh và điển trai. Cứ mỗi chiều về, thường cùng anh, chị em và bạn bè ra hói sông Hàn Giang cạnh nhà tắm nên bơi lội khá điêu luyện. Lên cấp 3 thi đậu vào trường Phan Đình Phùng, học đến lớp 8 (cũ) thì được trúng tuyển để đào tạo làm nhiệm vụ đặc biệt của Đoàn 759 tiền thân của Lữ đoàn 125 - Đoàn tàu không số có một không hai trong lịch sử (nhiệm vụ này sau này mới biết). Trúng tuyển là đi ngay, Trần Thọ Thuyết chỉ kịp viết lại vài dòng thông báo cho gia đình còn mọi chuyện về chuyến đi đã được tổ chức lo chu tất. Gia đình cũng chỉ biết là đứa con thân yêu của gia đình đang làm nhiệm vụ đặc biệt cho đất nước còn làm gì, ở đâu là một điều bí mật. Sau này, nghe các đồng đội kể lại, khoá học không chỉ huấn luyện ở trong nước mà còn được huấn luyện, đào tạo ở căn cứ bí mật A2, A3 trên đất nước bạn Trung Quốc. Trần Thọ thuyết được đào tạo về điện báo và ra đa và vinh dự được phục vụ trên tàu 235, con tàu hiện đại vào loại bậc nhất và cũng là con tàu với trận chiến đấu bất khuất, oai hùng để lại một bản hùng ca về tinh thần quả cảm của những chiến sĩ đoàn tàu không số.

Kể về anh, ông Nguyễn Đình Sin là người duy nhất còn sống trong 11 cán bộ chiến sĩ phục vụ chiến đấu trên đoàn tàu không số của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, hiện đang sống ở xóm Xuân Hùng - Hưng Lộc - Tp Vinh - Nghệ An cho biết: " Đồng chí Thuyết hiền lành, đẹp trai, rất giỏi về điện báo và ra đa. Không dĩ nhiên anh ấy được chọn để phục vụ trên tàu 235, việc đưa được tàu 235 vào đến bến Hòn Hèo không chỉ thể hiện sự tài giỏi của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mà còn sự đóng góp rất lớn của đồng chí ấy".

Từ ngày nhập ngũ đến ngày hi sinh chỉ duy nhất 1 lần Trần Thọ Thuyết được gặp người thân trong gia đình. Đó là vào khoảng tháng 7, 8/1965 khi tàu bị địch đánh hỏng phải vào bến Xuân Mĩ - Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sửa chữa. Ông Trần Thọ Thiều - em trai của liệt sĩ Trần Thọ Thuyết hiện sống ở thành phố Ninh Bình nhớ lại: "Sau khi được về thăm nhà 2 ngày, tôi được anh đưa ra Xuân Mĩ chơi gần 1 tuần, ra về anh mua cho một bộ đồ. Anh lên tàu còn tôi về nhà. Đó là lần gặp cuối cùng của anh tôi với gia đình".

Ngày 27/2/1968, đúng 11h 30 phút tại A3 (Trung Quốc) tàu 235 cùng 4 tàu khác xuất phát. Tàu 235 là tàu cao tốc, chạy 4 máy, có tốc độ trung bình 22 hải lí/giờ. Tàu có nhiệm vụ chở hơn 14 tấn vũ khí, vào bến Hòn Hèo ( Khánh Hoà). Hòn Hèo là khu vực hiểm trở, cách Nha Trang khoảng khoảng 12 km về phía Bắc thuộc 2 xã Ninh Vân và Ninh Phước ( Ninh Hoà). Đây là bến hết sức khó vào. Luồng hẹp.Nhiều đá ngầm. Tàu 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933, quê Điện Nam, Điện Bàn ( Quảng Nam - Đà Nẵng), liệt sĩ Trần Thọ Thuyết phụ trách ra đa. Thiết bị ra đa trên tàu 235 được trang bị khá hiện đại. Chuyến đi đó, tàu có 20 cán bộ chiến sĩ.

Sau 2 ngày 2 đêm đi trên vùng biển quốc tế, đến ngày 29/2/1968, tàu ở ngang vùng biển Nha Trang, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định vào bến nhưng không nhận được tín hiệu trên bờ. Ngày 1.3.1968, dù bị lộ từ trước Với nhiều thủ đoạn xảo quyệt của địch nhằm thực hiện ý đồ bắt sống nhưng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn chỉ huy đưa được tàu không số ký hiệu 235 chở gần 14 tấn vũ khí vào sát bến Ninh Vân. Anh quyết định cho thả hàng chìm xuống nước để quân dân ở bến vớt sau. Khoảng 1 giờ 30, tàu 235 bị 7 chiến hạm của địch vây chặt từ phía sau, phía trước là núi Hòn Hèo. Thuyền trưởng Phan Vinh cho tàu rời khỏi vị trí thả hàng để bảo vệ số vũ khí đã thả. Tàu địch và máy bay tiếp viện đuổi theo, bắn dữ dội. Thủy thủ trên tàu 235 bắn trả quyết liệt làm một tàu địch bốc cháy và nhiều tàu bị thương. Yếu tố bất ngờ khiến địch không thể ngờ tới là tàu có trang bị vũ khí hoả lực mạnh có cả tầm xa, tầm trung, tầm gần và vũ khí cá nhân gồm súng ngắn, AK và lựu đạn.

5 chiến sĩ tàu 235 sống sót trở về. Từ trái qua: Nguyễn Duy Phong,Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thập.
5 chiến sĩ tàu 235 sống sót trở về. Từ trái qua: Nguyễn Duy Phong,Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thập.

Về phía ta, có 5 người hy sinh tại chỗ, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Phan Vinh dù máu chảy đầy mặt do đạn sượt qua đầu nhưng vẫn chỉ huy phá vòng vây. Nhưng máy tàu bị địch bắn hỏng nặng. Tàu cách bờ 200mét, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định cho anh em bị thương rời tàu, trong đó có liệt sĩ Trần Thọ Thuyết. Số còn lại, anh quyết định: "Đánh bộc phá tại tàu". 20 phút sau, lúc 2h 40 phút, ngày 01 tháng 3, một cột lửa bùng lên, kế đó là một tiếng nổ giữ dội, chấn động tới tận Nha Trang. Sức công phá của thuốc nổ khiến con tàu 235 đứt làm đôi, một nửa chìm xuống biển, nửa còn lại văng lên lưng chừng núi Bà Nam, xã Ninh Vân (hiện xác tàu 235 trên núi Bà Nam vẫn còn đó. Nơi ấy, Lữ đoàn 125 đã cho xây dựng một bia tưởng niệm các đồng chí đã hi sinh). Số cán bộ chiến sĩ được lệnh rút xuống đợt đầu, nhiều đồng chí trong đó có đồng chí Trần Thọ Thuyết đã không thoát khỏi sự truy kích của địch và đã anh dũng hi sinh. 6 đồng chí còn lại trong đó có thuyền phó Đoàn Văn Nhi cố gắng dìu nhau vượt qua vòng vây của địch.

Sau 12 ngày đi vòng vo ở khu vực Hòn Hèo, không lương thực, không nước uống, một số đồng chí bị địch bắt sống hoặc bị hi sinh. Bà Nguyễn Thị Hường (65 tuổi) hiện sống tại Ninh Thuỷ - Ninh Hoà - Khánh Hoà cho biết: “Riêng những thủy thủ hy sinh trong trận đó, thi thể hầu như không còn nguyên vẹn do địch gom lại đổ xăng đốt. Bà con Ninh Vân đã đưa họ về làng chôn cất…”.

Tại vị trí tàu nổ, lúc gần sáng, địch đổ quân xuống, lùng sục. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ chốt ở đó, kiên cường chống trả. Các anh đánh lui nhiều đợt tấn công của chúng và cuối cùng, lực kiệt, vết thương ngày một nặng, súng hết đạn, nên đã hi sinh không lâu sau đó. Các anh hi sinh trong tư thế nằm sấp, người vươn về phía trước - Tư tế của chiến đấu. Ngày 25 tháng 8 năm 1970, đồng chí Nguyễn Phan Vinh được tuyên dương là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Toàn bộ cán bộ chiến sĩ tàu, 20 anh em chỉ còn lại 5 người. Họ đã vượt núi băng đại ngàn Trường Sơn và 6 tháng sau trở lại được miền Bắc còn 14 đồng chí của tàu 235 đã mãi mãi yên nghỉ ở Hòn Hèo (Ninh Vân - Ninh Hoà - Khánh Hoà). Riêng đồng chí Khung sau này mới biết là bị địch bắt.

Các chiến sĩ tàu 235 sống sót trở về, từ trái qua: Nguyễn Duy Phong,Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thập.

Như vậy, bốn con tàu xuất phát ở A3 thì có duy nhất tàu 56 trở lại. Cuộc chiến đấu của tàu 43, tàu 165 và tàu 235 nói trên đã nói lên sự khốc liệt, khó khăn của công tác vận tải chi viện cho chiến trường trên tuyến đường biển. Song các con tàu của Đoàn 125 đã hành động vượt qua ngoài sức tưởng tượng bình thường, đã chiến đấu xuất sắc và đã giành thắng lợi. Điều đó nói lên ý chí quyết tâm của những người lính vận tải biển, dù hoàn cảnh nào cũng gắng sức chi viện cho chiến trường. Đó là ý thức tất cả Miền Nam ruột thịt, ý thức thống nhất nước nhà.

Lữ đoàn 125 , tiền thân là Đoàn 759 được thành lập ngày 23 tháng 10 năm 1961. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lữ đoàn 125 đã lập nên chiến tích vẻ vang ngoài sức tưởng tượng góp phần rất lớn vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, lữ đoàn tiếp tục vận chuyển, làm chiếc cầu nối giữa đảo và đất liền, giữa các vùng biển…góp phần cùng quân chủng Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên biển và các hải đảo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast