Xe "tự chế" nghênh ngang chở keo ở Hương Lâm (ảnh chụp ngày 10/7/2018)
"Phạt 2 triệu đồng/xe là quá cao"
Theo trình bày của người dân thì ở Hương Lâm hiện còn khoảng hơn chục xe công nông đang được người dân giữ lại để sử dụng để chở lúa, rơm rạ vào ngày mùa; chở gỗ nguyên liệu khi thu hoạch; chở cát để xây lăng mộ mỗi khi có người qua đời (do nơi chôn cất thường có địa hình khó đi)…
Nhiều chủ xe công nông ở đây cho hay: Từ năm 2017 lại nay, mỗi năm họ bị xã phạt… 1 lần, với mức 2 triệu đồng/xe. Việc phải đóng mức phạt như thế khiến nhiều người than phiền là không hợp lý.
Biên lai thu tiền phạt của một số hộ dân
Anh N.T.T một người đang có xe công nông ở Hương Lâm cho biết: Cuộc sống của người dân rất khó khăn, chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống. Xe thì thường “đắp chiếu” để đấy, đến ngày mùa thì chở lúa, trong xóm có người mất thì đem ra chở cát lên xây mộ… chứ chẳng phải kinh doanh. Do đó, mức xử phạt 2 triệu đồng/xe là quá cao.
Khác với những gì mà người dân cung cấp thông tin, ông Lê Hữu Thức – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm lại một mực khẳng định: Xã không hề tiến hành xử phạt 2 triệu đồng/xe, không thu bất cứ khoản tiền nào từ các chủ xe công nông ở trên địa bàn (?!). Hàng năm xã chỉ tiến hành tuyên truyền, ký cam kết để người dân chấp hành không sử dụng xe công nông…
Điều đáng nói, trái ngược với câu trả lời của vị Phó Chủ tịch UBND xã, biên lai thu tiền được người dân cung cấp rành rành ra đó và sự việc xẩy ra suốt hai năm nay!.
Ông Lê Hữu Thức - Phó Chủ tịch xã Hương Lâm phủ nhận việc xã xử phạt xe công nông
“Lạm... phạt” !
Việc xử lý đối với xe công nông trên địa bàn Hương Lâm khiến người dân nghi ngờ là xã thu như "thu phí" hàng năm. Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Hương Lâm một mực khẳng định: Chúng tôi xử phạt chứ không phải “thu phí”, nếu phát hiện xe chạy ra đường là chúng tôi… lập biên bản xử phạt!
Điều này chứng tỏ, UBND xã Hương Lâm đã “lạm… phạt!”, bởi Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của chính phủ đã quy định rõ: Từ ngày 1 tháng 1 năm 2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3,4 bánh; trường hợp cố tính vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ.
“Khi phát hiện xe đang lưu hành thì xã phải đình chỉ, tịch thu, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý bán phế liệu, sung công quỹ chứ không có quyền xử phạt; bởi loại xe này đã cấm lưu hành từ năm 2008. Việc xã tự ý xử phạt là hoàn toàn sai quy định”, một cán bộ CSGT trao đổi.
Đề nghị cơ quan chức năng, UBND huyện Hương Khê sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng này.