Mộc bản này mang số ký hiệu 15123, được khắc theo lối dương bản. Về kích thước, tấm bản đồ có chiều dài 33,2cm, chiều rộng 25,6cm, độ dày 3,8cm, kích thước khổ khuôn in 32,5cm x 25cm.
Bản gốc và bản dập Mộc bản khắc bản đồ tỉnh Hà Tĩnh
Theo sử sách, địa danh hành chính Hà Tĩnh xuất hiện vào năm Tân Mão niên hiệu Minh Mạng thứ 12 (1831). Trong hai năm 1831 và 1832, để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trên quy mô cả nước, vua Minh Mạng đã thực hiện cuộc cải cách hành chính, bỏ các tổng trấn, đổi các dinh trấn thành tỉnh.
Vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành hai tỉnh Nghệ An (phía Bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (phía Nam sông Lam). Như vậy, đến năm 1831, Hà Tĩnh chính thức được thành lập như một đơn vị hành chính cấp tỉnh bao gồm hai phủ: Hà Hoa (Kỳ Hoa, Thạch Hà) và Đức Thọ (Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn).
Năm Thiệu Trị thứ 17, bốn tổng của huyện Kỳ Hoa gồm: Lạc Xuyên, Vân Tán, Thổ Ngọa, Mỹ Duệ được tách ra thành lập một huyện mới là Hoa Xuyên.
Cũng phải nói thêm rằng, vùng đất Hà Tĩnh trong lịch sử đã tồn tại từ thời Hùng Vương dựng nước với nhiều tên gọi khác nhau. Thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ quốc gia Đại Việt, Hà Tĩnh từng là vùng đất “phiên trấn” hay “phên dậu” của Tổ quốc, bởi nơi đây từng giữ một vị trí trọng yếu về quân sự và kinh tế của Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Sách Lịch sử Việt Nam ghi: “Từ Hoan Châu (Nghệ Tĩnh) có đường bộ qua dãy Hoành Sơn vào Chăm Pa (Trung Trung bộ), có đường vượt đèo Vụ Ồn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) sang đất Lục Chân Lạp cho tới Viêng Chăn... Trên mặt biển thuyền bè buôn bán tấp nập...”. Từ vị trí trọng yếu này, vùng đất Hà Tĩnh xưa được xem là căn cứ địa vững chắc trong các cuộc kháng chiến chống lại các cuộc xâm lấn của bên ngoài để xây dựng và phát triển đất nước.
Qua nghiên cứu tấm bản đồ, có thể nhận thấy về cơ bản địa giới hành chính tỉnh Hà Tĩnh không thay đổi nhiều so với ngày nay. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp Sơn Man, phía Đông giáp biển. Về các địa danh khắc trên bản đồ gồm có: núi Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, núi Hoành Sơn…
Mặc dù chưa thể khẳng định tấm bản đồ tỉnh Hà Tĩnh trong khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn được khắc vào năm nào nhưng qua việc tìm hiểu tên các địa danh được khắc trên tấm bản đồ, chúng ta có thể xác định được tấm bản đồ này có thể được khắc sau năm 1841; bởi vì, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), do kỵ húy Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa, những địa danh có chữ Hoa đều được đổi lại. Theo đó, huyện Hoa Xuyên đổi thành huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Hoa đổi thành huyện Kỳ Anh, phủ Hà Hoa đổi thành phủ Hà Thanh. Như vậy, đến năm 1841, những địa danh Cẩm Xuyên, Kỳ Anh như được khắc trên bản đồ mới xuất hiện lần đầu tiên.
Bản đồ Hà Tĩnh khắc trên mộc bản triều Nguyễn là loại hình tài liệu có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu địa lý, lịch sử của từng quốc gia, từng địa phương. Việc được khắc trên Mộc bản Triều Nguyễn – khối tài liệu có giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc đã cho thấy vị trí trọng yếu cũng như tầm quan trọng của vùng đất Hà Tĩnh trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Việc công bố tấm bản đồ này nhằm cung cấp thêm một nguồn sử liệu giúp các nhà nghiên cứu, độc giả có cái nhìn đầy đủ hơn khi tìm hiểu về vùng đất Hà Tĩnh, đặc biệt về mặt địa giới hành chính qua các thời kỳ của vùng đất này.
Mộc bản Triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 31/7/2009. Đây là những bản gỗ khắc ngược chữ Hán – Nôm để in ra thành sách chính văn, chính sử của Vương triều Nguyễn. Một trong những yếu tố để khối tài liệu này được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới chính là tính độc đáo về hình thức. Ngoài việc khắc ngược văn tự, họa tiết hoa văn, hình thể..., trên Mộc bản Triều Nguyễn còn khắc ngược bản đồ. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên tính độc đáo của khối tài liệu này. |
_________
Tài liệu tham khảo:
Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Ngô Vũ Hải Bằng: “Hà Tĩnh: Những thay đổi địa danh hành chính qua các thời kỳ lịch sử”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 09/8/2011