Phát hiện đấu trường La Mã 1.700 năm

Đấu trường hình bầu dục tồn tại từ thế kỷ 4, được xây trong một mỏ đá bỏ hoang với chiều dài khoảng 50 m, chiều rộng 40m.

Phát hiện đấu trường La Mã 1.700 năm

Khoảng 1/4 bức tường hình bầu dục của đấu trường đã được khai quật. Ảnh: Kantonsarchäologie Aargau

Các nhà khảo cổ Thụy Sĩ phát hiện tàn tích của một đấu trường thời La Mã, nơi khán giả có thể theo dõi những trận chiến của đấu sĩ và các cuộc săn thú, Live Science hôm 26/1 đưa tin. Công trình cổ lộ ra trong lúc họ giám sát quá trình xây nhà thuyền mới trên sông Rhine, Kaiseraugst, bang Aargau, tháng 12/2021.

Đấu trường hình bầu dục nằm trong một mỏ đá La Mã từng được sử dụng đến thời hậu kỳ cổ đại, sau đó bỏ hoang. Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng phát hiện một đồng xu có niên đại từ năm 337 đến năm 341 tại đây. Những yếu tố này cho thấy đấu trường tồn tại từ thế kỷ thứ 4. Như vậy, đây là đấu trường được xây muộn nhất ở đế quốc La Mã từng phát hiện, theo nhà khảo cổ Jakob Baerlocher, trưởng nhóm khai quật ở Kaiseraugst, Thụy Sĩ.

Một số bằng chứng khác cũng cho thấy đấu trường có niên đại từ thế kỷ 4, trong đó có thành phần vật liệu xây dựng, ví dụ như các khối đá và vữa gợi nhớ đến tường thành hậu kỳ cổ đại, Baerlocher cho biết.

Các chuyên gia tại cơ quan Khảo cổ Bang Aargau đã biết đến sự tồn tại của mỏ đá La Mã cổ xưa nhưng không nghĩ sẽ tìm thấy một đấu trường ở đó. Đấu trường dài khoảng 50 m và rộng 40 m, nằm trong thung lũng của mỏ đá. Gần đó là Castrum Rauracense, một pháo đài ở biên giới phía bắc của đế quốc La Mã vào năm 300.

Nhóm chuyên gia khai quật được một cánh cổng lớn ở phía nam đấu trường, hai bên là hai lối vào. Phía tây, họ tìm thấy những khối đá sa thạch gần một lối vào khác. Các bức tường bên trong đấu trường được trát thạch cao. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện dấu vết của một chiếc cọc trên khu vực khán đài bằng gỗ.

“Tất cả các bằng chứng - hình dáng bầu dục, các lối vào và vị trí cọc khán đài - cho thấy đây là một đấu trường”, đại diện từ Sở Giáo dục, Văn hóa và Thể thao bang Aargau viết trong thông báo.

Đây không phải đấu trường La Mã cổ đại duy nhất được tìm thấy trong những năm qua. Ví dụ, mùa xuân năm 2021, các nhà khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo phát hiện đấu trường La Mã có thể chứa tới 20.000 khán giả. Tuy nhiên, các đấu trường mới phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ nhỏ hơn Colosseum - đấu trường La Mã ở Rome. Kỳ quan kiến trúc này được xây khoảng năm 70, có sức chứa 50.000 người và khu vực đấu trường trung tâm rộng tới 87 m x 55m.

Theo VNE

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.