Phát hiện gây choáng ở khe vực sâu nhất Trái đất

Phát hiện rất đáng lo ngại cho thấy khả năng tàn phá của con người ở khe vực sâu nhất thế giới, nơi cách mực nước biển tới 10.890 mét.

Dấu vết của nhựa trong bụng sinh vật sống tại khe vực sâu nhất Trái đất.

Theo Independent, phát hiện mới cho thấy không một khu vực nào ở đại dương là không bị con người làm ô nhiễm.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Newscastle phát hiện ra dấu vết của nhựa và chất thải khi nghiên cứu các sinh vật biển sinh sống ở rãnh Mariana (cụ thể là ở Vực thẳm Challenger, điểm sâu nhất lên tới 10.890 mét).

Điều đáng lo ngại là toàn bộ sinh vật sống ở khe vực đều ăn phải rác thải của con người, bao gồm Nylon, PVC và PVA.

Tiến sĩ Alan Jamieson, chuyên gia về sinh thái biển, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Kết quả khiến ai cũng giật mình".

"Chúng tôi thực hiện nghiên cứu nhằm chứng minh khả năng sinh sống tuyệt vời của sinh vật trên Trái đất. Vì điều kiện sống ở độ sâu hơn 10.000m dưới đáy đại dương, nơi không có ánh nắng Mặt trời, lạnh lẽo và thiếu dưỡng khí là vô cùng khắc nghiệt”.

“Có vẻ như, không còn nơi nào trên đại dương là không có rác thải của con người", Tiến sĩ Alan Jamieson nói thêm.

Tiến sĩ Alan Jamieson nói rằng, động vật biển sẽ ăn bất cứ thứ gì nếu lượng thức ăn khan hiếm. Các loại rác thải nhỏ mà con người thải ra ở đại dương sẽ bị sóng đánh ra xa rồi lâu ngày chìm xuống đáy biển, tích lũy theo thời gian.

Chất thải nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới.

"Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại. Chất thải nhân tạo lại có được tìm thấy ở khu vực sâu nhất trên hành tinh. Đây là vấn đề toàn cầu”.

Elena Polisano đến từ tổ chức Greenpeace UK (Anh) cho biết: "Chất thải nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chúng được tìm thấy ở Bắc Cực, giữa Thái Bình Dương, dưới đáy Mariana, trong dạ dày cá voi, rùa và đến 90% chim biển…”

Con người ngày càng sản xuất nhiều bao bì, nhựa, túi, chai hơn. “Con người nên nghĩ lại về cách sử dụng đồ dùng bằng nhựa”.

Hơn 8 triệu tấn nhựa thải ra các đại dương mỗi năm. Ước tính khoảng 300 triệu tấn nhựa thải đang trôi dạt lênh đênh ở tất cả các đại dương trên thế giới. Vào năm 2050, sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn số lượng cá sống trong đại dương.

Ô nhiễm môi trường biển đang đe dọa hơn 600 loài trên khắp thế giới. Đây là vấn nạn đáng lo ngại, có thể sớm đưa sinh vật đến với thời kỳ đại tuyệt chủng lần thứ 6.

Theo Dân Việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói