"Phi thuyền không gian" đầu tiên của Việt Nam được phóng thành công

Lúc 4 giờ sáng 16/5, từ thị trấn Alice Spring (Australia) ’phi thuyền’ do nhóm kỹ sư Việt Nam chế tạo đã được phóng thành công và hoạt động ổn định ở trần bay 25km.

Mô hình phi thuyền không gian do nhóm kỹ sư của Việt Nam chế tạo. (Ảnh chụp màn hình)

Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng khoa học trong nước.

"Phi thuyền không gian" có tên gọi đầy đủ là khí cụ bay tầng bình lưu.

Theo Thạc sỹ Phạm Gia Vinh - trưởng nhóm thiết kế, chế tạo, "phi thuyền không gian" đầu tiên của Việt Nam đã được phóng vào môi trường cận vũ trụ ở và hoạt động ổn định ở độ cao 25km. Thiết bị này cũng được mô phỏng hoạt động như một vệ tinh viễn thông.

Như vậy sau hơn 2 năm (từ tháng 2/2014) nghiên cứu và thiết kế với nhiều lần thử nghiệm, sự kiện này đã mở ra triển vọng rất lớn trong việc ứng dụng thiết bị để nghiên cứu tầng khí quyển cao, nghiên cứu môi trường, tài nguyên, viễn thông và quốc phòng.

Ở độ cao khoảng 30 km, thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão.

Ưu điểm của thiết bị này có thể chuyển dữ liệu về nhanh hơn vệ tinh bằng cách gửi trực tiếp hình ảnh thu thập được về Trái Đất.

Trong lĩnh vực an ninh thông tin, khi vệ tinh hỏng có thể sử dụng khí cụ bay như một trạm thu, phát sóng trong thời gian một tuần để phục vụ sửa chữa.

Bên cạnh đó, khí cụ bay có thể làm các hệ thống radar phục vụ cho quốc phòng và nghiên cứu khoa học.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói