Cà phê Trâm chỉ bán mang về và bán ship (giao hàng) từ ngày 4/11.
Từ ngày 4/11, khi xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn TP Hà Tĩnh, quán cà phê Trâm (đường Hồ Phi Chấn) đã tạm ngưng bán tại chỗ, chuyển qua hình thức ship hoặc bán mang về.
Chị Lê Huyền Trâm - chủ quán cà phê Trâm cho biết: “Khi xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, chúng tôi tạm thời không nhận khách ngồi tại quán. Đến ngày 6/11, UBND tỉnh quy định các dịch vụ tạm đóng cửa, dù dịch vụ kinh doanh nhà hàng, quán cà phê vẫn được bán tại chỗ, tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định chỉ bán mang về. Nhiều khách hàng đến muốn ngồi tại quán nhưng chúng tôi cũng đành từ chối và mong khách thông cảm. Nhờ có lượng khách quen nên số lượng đơn hàng ship của quán tương đối ổn định với khoảng 100 đơn/ngày”.
Trung bình mỗi ngày cà phê Trâm giao khoảng 100 đơn hàng cho khách.
Dọc tuyến đường Lê Duẩn - nơi tập trung nhiều dịch vụ ăn uống, những ngày vừa qua, nhiều quán, hàng đã tạm ngưng kinh doanh hoặc không nhận khách tại quán, chỉ bán mang về.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên - chủ nhà hàng Buffet lẩu nướng Koki (đường Lê Duẩn) cho biết: “Đặc điểm của quán lẩu, nướng là thường đông khách và khách gia đình, có các em nhỏ nên ngay khi biết có ca bệnh trong cộng đồng, nhà hàng đã tạm thời đóng cửa để đảm bảo phòng chống dịch. Những lần trước cũng vậy, khi có ca nhiễm trong cộng đồng, dù có quy định hay không, chúng tôi vẫn tạm thời đóng cửa.
Trong những ngày ngưng hoạt động, nhiều khách vẫn gọi điện, nhắn tin đặt bàn, dù “tiếc khách” nhưng chúng tôi cũng mong khách thông cảm vì xác định phòng dịch là trên hết. Chúng tôi không muốn nếu như không may có 1 trường hợp F0 hay F1 tại quán sẽ làm ảnh hưởng đến những khách hàng khác”.
Theo chị Liên, việc tạm ngưng hoạt động tuy là khó khăn nhưng quán chỉ mong dịch sớm được kiểm soát để việc kinh doanh ổn định hơn còn như hiện nay, nếu mở quán cũng vừa bán vừa lo vì diễn biến dịch khó lường.
Nhà hàng Buffet lẩu nướng Koki tạm thời đóng cửa để phòng dịch.
Theo khảo sát, nhiều hàng, quán tại TP Hà Tĩnh như: Nhất nướng, Kkum Kkum BBQ, Đèn Lồng đỏ… đều tạm nghỉ bán hoặc chỉ bán mang về. Đa số các cơ sở tự nguyện đóng cửa đều lo ngại trước tình hình dịch bệnh phức tạp nên chấp nhận không có doanh thu để đảm bảo an toàn cho khách hàng và gia đình, nhân viên.
Một số chủ kinh doanh cho rằng, khi khách hàng vào ăn uống, sẽ khó có thể đáp ứng điều kiện theo quy định là dưới 30 người tại quán trong một thời điểm. Với những quán hàng lâu nay đông khách cũng khó để từ chối khách khi mở quán. Vì vậy, việc đóng cửa và có thông báo đến khách hàng sẽ là phương án phù hợp hơn cả.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, khi người dân hạn chế đi đến chỗ đông người, việc duy trì quán hoạt động sẽ tốn chi phí khá lớn, trong khi với những quán vắng khách, doanh thu thấp thì khả năng thu không đủ bù chi.
Nhà hàng Kkum Kkum thông báo đóng cửa trên fanpage để thông tin đến khách hàng.
“Nhận thấy tình hình dịch phức tạp và ca nhiễm trong cộng đồng tại TP Hà Tĩnh xuất hiện ở dịch vụ ăn uống nên chúng tôi đã chủ động tạm ngừng kinh doanh từ sáng 5/11. Cùng đó, quán cũng đã test nhanh COVID-19 cho toàn bộ nhân viên (20 người) và người nhà.
Tạm thời đóng cửa đồng nghĩa với quán không có doanh thu, nhân viên phải tạm nghỉ việc, tuy nhiên, chúng tôi mong muốn có môi trường an toàn để khách hàng yên tâm khi ăn uống và cũng là để đảm bảo an toàn cho nhân viên của quán. Do vậy, chờ tình hình ổn định chúng tôi mới mở lại quán và sẽ chấp hành nghiêm túc quy định phòng dịch” - anh Nguyễn Nhật Minh, chủ nhà hàng lẩu nướng Kkum Kkum BBQ (đường Nguyễn Huy Tự) bày tỏ.
Theo quy định của UBND tỉnh về thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng vào ngày 4/11 tại TP Hà Tĩnh, từ 0h ngày 6/11, trung tâm hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đồ uống, giải khát được phép hoạt động nhưng chỉ cho phép quy mô tối đa 30 người, khuyến khích bán hàng mang về. Riêng quán/điểm ăn uống vỉa hè chỉ được phép bán mang về. Các dịch vụ: karaoke, massage, phòng tập gym, điểm truy cập internet công cộng, rạp chiếu phim tạm dừng hoạt động. |