Giáo sư Phan Huy Lê - Một đời duyên nợ với Thăng Long

Dù không hẹn trước nhưng qua điện thoại, biết tôi từ Hà Tĩnh ra, bằng giọng nói nằng nặng thấm đẫm nắng mưa quê nhà, ông cho tôi một cuộc hẹn ngắn ngủi.Thế là cũng đã quá nhiều đối với một giáo sư Sử học mà danh tiếng vươn ra ngoài phạm vi quốc gia còn thời gian thì luôn eo hẹp. Trong căn phòng khiêm nhường ở ngôi nhà số 7 phố Vọng Đức-Hà Nội, với gương mặt rạng rỡ, phong thái vừa cao sang vừa gần gũi, hoà quyện giữa nét mộc mạc Hà Tĩnh với thanh lịch Hà Nội và những câu chuyện đầy đam mê, ông đã để lại những xúc cảm đẹp đẽ trong tôi.

Trở thành nhà nghiên cứu Lịch sử - Lối rẽ bất ngờ và may mắn

Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23-2-1934 tại xã Thạch Châu huyện Lộc Hà. Ông là hậu duệ đời thứ 9

Giáo sư Phan Huy Lê
Giáo sư Phan Huy Lê

của Thượng Thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, hậu duệ đời thứ 10 của nhà bác học Phan Huy Chú. Thân sinh ông là Tiến sĩ Hán học Phan Huy Tùng. Mẹ ông là bà Cao Thị Sâm thuộc dòng họ Cao Xuân. Dù thời gian sống ở quê không nhiều nhưng mảnh đất cát bạc màu giàu truyền thống văn hóa ở vùng biển cửa Hà Tĩnh đã cho ông tình yêu cuộc sống, niềm say mê đèn sách và nghị lực không biết mệt mỏi.

Điều khá bất ngờ với chúng tôi là câu chuyện đến với ngành khoa học Lịch sử mà ông “bật mí”: “Hết PTTH, tôi không hề chọn cho mình môn Sử mà chỉ ao ước được vào học môn Toán- Lý. Lúc đó là năm 1952, cả miền Trung chỉ duy nhất Thanh Hóa có trường Dự bị đại học, Đại học Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm. Tôi và mấy bạn phải đi bộ ra xứ Thanh trong suốt một tuần để tựu trường. Dọc Quốc lộ I, máy bay quần đảo ghê gớm nên phải trú bom, ngày nghỉ, đêm đi. Đến nơi thì đã muộn 5 ngày nên dù làm đơn vào Ban Toán –Lý nhưng Giam đốc nhà trường lúc ấy là Giáo sư Trần Văn Giàu vẫn bắt nhóm ra chậm vào Ban Văn- Sử. Thế hệ chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn. Chính vì vậy mà dù học bên Văn-Sử, thỉnh thoảng tôi lại bí mật dự giờ, nghe giảng bên Ban Toán-Lý cho đến khi bị kiểm điểm mới thôi. Nhưng chuyện dở lại hoá hay khi chúng tôi được học các giáo sư nổi tiếng uyên thâm và đầy tâm huyết như: GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, GS Cao Xuân Huy, GS Nguyễn Mạnh Tường... Các GS có người được đào tạo từ Paris, phần lớn tự nghiên cứu trở thành học giả nổi tiếng. Dần dần, niềm hứng thú và say mê môn Sử đến với tôi một cách lặng lẽ mà tự tôi cũng không biết”

Theo dòng ký ức của người trí thức sống trong những năm tháng đầy gian nan và thử thách, chúng tôi hiểu thêm tuổi trẻ đầy đam mê của người con đất học. Không chấp nhận chương trình học đơn sơ, thư viện không có, chàng sinh viên Phan Huy Lê cùng các bạn trong lớp tìm đến các thầy mượn sách tự học để nâng cao hiểu biết, rồi chia nhau ghi chép bài giảng của thày, tổ chức mài đá, in li-tô thành tài liệu học tập. Năm 1954 là thời điểm đánh dấu sự lựa chọn của chính bản thân anh: học xong dự bị Đại học cũng là lúc ta tiếp quản thủ đô, anh ra Hà Nội học năm thứ hai ngành Sử- Địa trường Đại học sư phạm. Năm học dự bị Đại học đã gieo mầm yêu thích ngành học nghiên cứu về những trang sử của quá khứ với ước vọng tìm về nguồn cội tổ tiên, khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc trong anh. Năm 1956, vừa tốt nghiệp Đại học sư phạm, trường Đại học Tổng hợp thành lập, anh cùng với anh Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm là những người đỗ xuất sắc nhất được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Khoa Sử (sau trở thành GS trong “tứ trụ” Lâm, Lê, Tấn (GS Hà Văn Tấn-TG), Vượng). Với sự tin tưởng, dìu dắt của người những thầy uyên bác như GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, bằng nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân, anh đã đặt được những viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà khoa học của mình. Năm 1958, bộ giáo trình có tính chất khai mở gồm 3 tập do anh và các đồng nghiệp viết: “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” đánh dấu một bước phát triển quan trọng trên con đường nghiên cứu Lịch sử. Lúc đó anh 24 tuổi, được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử cổ-trung đại VN thay GS Đào Duy Anh được chuyển sang Viện sử học. Cũng từ đây, cuộc đời anh gắn bó với Thăng Long-Hà Nội, với lịch sử đất nước.

“Trong đầu tôi lúc đó không có gì khác ngoài khoa học-GS Phan Huy Lê nhớ lại- Suốt ngày chỉ ở trường, đi thư viện và viết. Sự đòi hỏi cấp bách của chương trình giảng dạy buộc chúng tôi phải lao động cật lực. Tôi tự học thêm chữ Hán và Thư viện Quốc gia, Viện Viễn Đông bác cổ đầy những công trình nghiên cứu có giá trị bằng chữ Hán và tiếng Pháp, chúng tôi suốt ngày vùi đầu vào đó. Vừa giảng dạy vừa tự học, vừa liên tục viết giáo trình và sách. Nhà trường bố trí cho một căn phòng nhỏ, cấp cho một chiếc giường, một bộ bàn ghế và một chiếc xe đạp. Thế là đã quá đủ đối với những người làm khoa học thời ấy. Cuốn “ Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ” xuất bản năm 1959 là tác phẩm đầu tay của tôi được hoàn thành trong thời điểm ấy”

Tôn trọng sự thật lịch sử - nguyên tắc tối thượng

Giờ đây, khi đã là một Giáo sư Sử học danh tiếng với hơn 400 công trình nghiên cứu lớn nhỏ về lịch sử, văn hóa Việt Nam và quan hệ giữa Việt Nam với thế giới, GS Phan Huy Lê vẫn luôn tự nhắc nhở mình và các sử gia nguyên tắc tối thượng của người viết sử : Tôn trọng sự thật lịch sử, cố gắng đến mức cao nhất đảm bảo tính khách quan trong nghiên cứu và biên soạn lịch sử.: “Một số sự thật có thể chưa nói được, nhưng đã nói, đã viết là phải tôn trọng sự thật. Đó là nguyên tắc tối thượng của Sử học xưa nay, nhưng thực hiện được đến đâu còn tùy vào trình độ, khả năng của nhà Sử học, vào cơ sở sử liệu được thu thập và giám định, đặc biệt là trách nhiệm và nhân cách của người viết Sử. Tất nhiên từ sự thật lịch sử được xác minh, nhà Sử học còn phải đặt trong từng bối cảnh không gian và thời gian cụ thể để phân tích, đánh giá, đưa ra nhận thức Lịch sử sâu sắc.”

Tôi đã được đọc nhiều bài phát biểu, đề dẫn hội thảo khoa học của GS trên mạng và thực sự hứng thú với những lời ông vừa nói. Đó là một loạt bài viết của ông nhằm nhận thức lại một số giai đoạn lịch sử, một số vương triều như nhà Hồ, nhà Mạc, chúa Nguyễn, nhà Nguyễn, về một số nhân vật và sự kiện lịch sử, trong đó có những nhân vật mang tính đa diện, tư tưởng và hoạt động chứa đựng những mâu thuẫn cực kỳ phức tạp, rất khó đánh giá như trường hợp Phan Thanh Giản, hay nhân vật mang tính nhảy cảm như biểu tượng Lê Văn Tám chẳng hạn…Câu chuyện cứ thế cuốn hút cả ông lẫn chúng tôi, quên cả bên ngoài trời đang tối dần.

GS Phan Huy Lê và các chuyên gia khảo sát di tích Hoàng thành Thăng Long
GS Phan Huy Lê và các chuyên gia khảo sát di tích Hoàng thành

Thăng Long

Những năm 1980, GS Phan Huy Lê đã chủ biên bộ Giáo trình Lịch sử Việt Nam, Tập 1 từ nguồn gốc đến thế kỷ X. Tập II từ thế kỷ X đến XV đã gần xong bản thảo nhưng thiếu 2 chương của một thành viên Ban biên soạn nên chưa xuất bản. Hiện nay ông và Khoa lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội tập đang gấp rút hoàn thiện bộ giáo trình Việt Nam thế hệ thứ ba, gồm 4 tập, ông chủ biên tập I và II từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX. Toàn bộ bản thảo đã xong và đang chuẩn bị xuất bản trong năm nay. Giáo trình đại học dĩ nhiên, như ông nói, bao giờ cũng phải tổng hợp được những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở trong nước và trên thế giới. Đó là tính cập nhật, tính hiện đại của công trình khoa học. Nhưng ông nhấn mạnh: Bộ giáo trình này có một số đổi mới quan trọng trong nhận thức về tính toàn bộ và toàn diện về lịch sử Việt Nam. Trước đây, trong các bộ lịch sử Việt Nam, cách trình bày phổ biến là sau thời tiền sử được trình bày trên toàn bộ lãnh thổ VN hiện nay, rồi tiếp theo thời dựng nước Văn Lang-Âu Lạc cho đến nước Đại Việt, Đại Nam..., còn miền nam Trung Bộ, Nam Bộ chỉ băt đầu từ thế kỷ XVII khi người Việt vào khai phá. Như thế là để lại một khoáng trống lớn trong nhận thức lịch sử vùng đất phương nam này từ sau thời tiền sử đến trước thế kỷ XVII.

Cũng chính sự hẫng hụt về nhận thức lịch sử như thế mà không ít người không đủ hiểu biết để phê phán những luận điệu xuyên tạc của những phần tử chống đối về tính toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia lâu đời của VN. Ông cùng các đồng nghiệp đã xây dựng một quan điểm nhận thức về tính toàn bộ và toàn diện của lịch sử VN. Theo quan điểm này, xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam hiện nay, tất cả những gì từng diễn ra trên không gian địa lý này đều thuộc về chủ quyền Việt Nam, đều thuộc về lịch sử và văn hóa VN. Như vậy là từ thời cổ đại, lịch sử VN đã tồn tại ba trung tâm văn hóa lớn gắn với sự xuất hiện ba nhà nước đầu tiên là: Văn hoá Đông Sơn ở miền bắc của người Việt cổ với nhà nước Văn Lang - Âu Lạc là cái nôi sớm nhất, giữ vai trò dòng chủ lưu; văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và nam Trung Bộ với nhà nước Lâm Ấp (Chămpa) và văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ với nhà nước Phù Nam, trải qua quá trình lịch sử đã hội nhập vào lịch sử, văn hóa VN. Nước VN từ các vương quốc cổ đại cho đến nay là một quốc gia gồm nhiều tộc người mà ta quen gọi là dân tộc.

Giáo sư Lê tại nhà riêng

Giáo sư Lê tại nhà riêng

Hiện nay nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó người Việt là dân tộc đa số giữ vai trò trung tâm đoàn kết, tập hợp các dân tộc thiểu số. Trên quan điểm toàn diện và bình đẳng dân tộc, lịch sử VN phải làm rõ vai trò của dân tộc đa số và cống hiến của tất cả các thành phần dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Văn hóa VN là một nền văn hóa dân tộc thống nhất trong tính đa dạng về nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là tính đa tộc người. Lịch sử VN cũng cần được nhận thức tính toàn diện trên tất cả các phương diện xây dựng và bảo vệ đất nước, về các mặt chính trị, chống ngoại xâm, kinh tế, văn hóa, xã hội và luôn luôn gắn chặt với con người, với cộng đồng cư dân, dân tộc. Tất nhiên việc thực hiện những quan điểm đó không dễ và đòi hỏi sự nỗ lực của người viết Sử và cũng có mặt tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu, khả năng tư liệu.

Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao trong căn phòng làm việc của ông lại lại có mấy chiếc trống đồng nhỏ, một bức tranh khá lớn vẽ cảnh núi non ôm ấp làng mạc và dòng sông chảy mờ mờ phía xa, vài nét phác thảo hình ảnh cuộc sống dân dã. Nơi trang trọng nhất của bức tường là một tấm bản đồ Hà Nội khá lớn mà ông đang đánh dấu đỏ tìm lại dấu tích của các cửa ô. Ông đã dành cả cuộc đời để tìm tòi, tôn vinh những gì mà ông cha, tổ tiên ta đã sáng tạo nên bằng máu và mồ hôi, bằng bàn tay và khối óc, bằng tình yêu và cả tâm hồn.

Với nhiều cống hiến to lớn cho ngành khoa học Lịch sử, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980) và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994), Giải thưởng Nhà nước (năm 2000), là người đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế Văn hóa châu Á Fukuoka (1996); Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn Lâm (2000) Ông hiện là Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo quốc gia Đại lễ 1000 năm Thăng Long

Hà Nội ơi! Xin dâng một trái tim hồng

Thời gian với ông luôn thiếu, ông luôn phải chạy đua với nó từng giờ từng phút, đặc biệt là trong dịp 1000 năm Thăng Long. Như mọi con dân nước Việt, ông yêu Thủ Đô bằng cả trái tim, ông khao khát tiếng nói của lịch sử, của cha ông ngàn đời sẽ luôn đồng vọng cùng con cháu hôm nay. “Chưa bao giờ tôi ngủ trước 12 h đêm, từ nay đến Đại lễ còn hơn 1 tháng mà riêng Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội đảm nhiệm, dự kiến 100 cuốn mà tôi là thành viên của Hội đồng tư vấn, trực tiếp làm Trưởng ban lịch sử, chúng tôi mới hoàn thành đựợc hơn 60 cuốn. Rồi bộ Lịch sử Thăng long - Hà Nội do tôi chủ biên gồm hai tập khoảng 1.500 trang cũng đáng gấp rút hoàn thiện bản thảo..."

Tôi biết GS vừa được UBND Thành phố Hà Nội vinh danh một trong 11 công dân ưu tú của Thủ Đô. Hà Nội-Thăng Long với ông không chỉ là cơ duyên gắn bó máu thịt mà còn là niềm yêu mến, tự hào và cả trọng trách lớn lao.

Trong câu chuyện sôi nổi và đầy hứng thú, GS Phan Huy Lê chợt dừng lại một khoảnh khắc sâu lắng và đầy xúc động. Đó là ngày đầu tiên nhìn thấy Thủ Đô vào năm 1954, khi ông và các bạn sinh viên từ Thanh Hóa chuyển về Hà Nội học. “ Sau 5 ngày đi bộ từ miền núi Thanh Hóa ra, theo chuyến tàu điện từ Hà Đông, 9 h đêm chúng tôi mới đặt chân đến Thủ Đô rồng bay. Hà Nội sau ngày giải phóng sáng bừng ánh điện. Vui qúa! Đẹp quá! Chúng tôi dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, ăn một bát phở Hà Nội. Cảm giác hương vị của Hà Nội thấm vào tận từng tế bào.Và từ ngày ấy đến nay, tôi sống ở Hà Nội”

Chúng tôi cùng vui lây với cảm xúc còn lưu giữ sau mấy chục năm trời của Giáo sư. Dù ông không nói ra nhưng tôi biết trái tim ông đã dành trọn cho Hà Nội từ phút giây đầu tiên ấy. Những ngày này, giấc ngủ, bữa ăn của ông cũng dành cho Thăng Long 1000 tuổi. Tôi được biết Giáo sư đã góp phần rất quan trọng trong nghiên cứu và xây dựng hồ sơ đăng ký di sản văn hóa thế giới cho Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội (HTTL). Ông còn tư vấn xây dựng hồ sơ Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám. Bia Tiến sĩ nay cũng đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Qua cuộc gặp, tôi biết thêm những vất vả nhọc nhằn và sự nỗ lực hết mình của ông để cùng các chuyên

gia VN và quốc tế xây dưng hồ sơ đề cử di sản HTTL, bắt đầu từ năm 2006 và tập trung trong năm 2008 để kịp nộp hồ sơ cho UNESCO trước ngày 30-9-2008 rồi hoàn chỉnh phần phụ lục trước 1-2009. Hồ sơ được đánh giá có chất lượng cao và đợt làm việc với chuyên gia thẩm định vào tháng 10-2009 cũng đạt kết quả tốt. Tất cả đều thuận lợi và việc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới coi như nắm chắc trong tay. Nhưng khó khăn lớn nhất và hết sức bất ngờ là đầu tháng 6-2010 khi nhận được báo cáo của ICOMOS (Trung tâm quốc tế về di tích và di chỉ của UNESCO) đưa ra một số lý do để đề nghị hoãn việc công nhận vào những năm sau. Lần này, ông được giao là Tổ trưởng tổ chuyên gia, cùng các cộng sự nghiên cứu rất kỹ bản báo cáo của ICOMOS để trả lời tất cả lý do họ đưa ra nhằm hoãn việc công nhận, giải trình một cách khoa học và thuyết phục để bảo vệ hồ sơ đề cử HTTL. Kết quả như chúng ta biết trong kỳ họp 34 của Ủy ban di sản thế giới tại Brasilia (thủ đô Brasil), trên cơ sở các luận chứng vững vàng của hồ sơ kết hợp với sự vận động ngoại giao được chuẩn bị rất chu đáo trước và trong kỳ họp, Đoàn VN đã dành được thắng lợi rực rỡ. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội đã được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới với sự thông qua của 21/21 thành viên của Ủy ban di sản thế giới vào sáng ngày 1-8-2010 theo giờ VN. Di sản HTTL được ghi vào danh sách di sản thế giới với con số rất đẹp: số 900. Ông tâm sự “Đêm 30-7, hầu như tôi không ngủ được để chờ tin tức từ Brasil. Thật là một món quà vô giá để dâng lên lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long.”

Khi tiễn chúng tôi ra cửa, ông trầm ngâm nhắc lại một câu trong bài ca Hà Tĩnh "Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh...". Dù sống trên nửa thế kỷ ở Thủ đô, nhưng nơi quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn với biết bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ với gia đình, với quê hương vẫn là hành trang khởi đầu của ông và theo ông trong suốt cuộc đời...

Chia tay Giáo sư khi Hà Nội vừa lên đèn. Trong muôn ngàn ánh mắt lấp lánh của người Hà Nội trong đêm thu phản chiếu ánh sáng Hồ Gươm, tôi vẫn nhận ra ánh mắt thao thức và mừng vui của một người con Hà Tĩnh suốt cuộc đời dành cho Hà Nội văn hiến và anh hùng, cho lịch sủ và văn hoá Việt Nam luôn đậm dấu ấn Rồng Bay.

Hà Nội –Hà Tĩnh, tháng 9-2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast