Xuất khẩu lao động và mặt trái của những đồng ngoại tệ

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm nay, xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn là lựa chọn của nhiều người, trong đó có rất đông phụ nữ Hà Tĩnh. Không thể phủ nhận yếu tố tích cực mà XKLĐ mang lại, thế nhưng, phía sau những đồng ngoại tệ được gửi về là biết bao hệ lụy khi gia đình thiếu vắng người phụ nữ.

xuat khau lao dong va mat trai cua nhung dong ngoai te

Đồng ngoại tệ từ XKLĐ giúp nhiều vùng quê khang trang nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy xấu

Nước mắt… triệu đô

Chúng tôi tìm về ngôi làng nức tiếng giàu có nhờ XKLĐ Cương Gián (Nghi Xuân), địa phương có gần 2.700 người đi XKLĐ ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… thu hút lượng ngoại tệ gửi về trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trong số đó có gần 1.000 lao động nữ tại nước ngoài (chiếm 50% tổng số lao động xuất khẩu). Những ngôi nhà tầng kiểu cách, những chiếc xe máy đời mới lượn khắp thôn xóm, thế nhưng, ở vùng quê này hiện có tới 76 cặp vợ chồng ly hôn khi có người đi XKLĐ.

Những ngày qua, ít có đêm nào chị Lê Thị P. (Cương Gián) ngon giấc. Vợ chồng chị đi nước ngoài 12 năm, gửi tiền về chu cấp cho con. Xe sang, điện thoại xịn, tiền luôn được cung cấp đầy đủ nhưng thiếu sự kiểm soát của cha mẹ nên “cậu ấm” của gia đình sinh hư hỏng, bài bạc, rượu chè. Biết tin, chị P. tức tốc trở về nhưng con trai đã trượt tốt nghiệp THPT, ăn chơi vô lối, nợ nần.

Chị P. dằn vặt: “Vợ chồng tôi tu chí làm ăn xa cũng chỉ mong có cuộc sống ổn định, con cái ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn. Giờ con hư hỏng, chồng đổ lỗi cho vợ, vợ đổ lỗi cho chồng, ngày nào cũng sinh cãi lộn vì con”.

Không chỉ vùng quê nổi tiếng về XKLĐ Cương Gián đang gióng hồi chuông báo động về sự rạn nứt trong cuộc sống vợ chồng mà đây cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương. Cuộc sống khó khăn, năm 2006, chị Thái Thị H. (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) bán vườn sang Đức XKLĐ với hy vọng đổi đời. Chồng chị ở nhà chăm 2 đứa con gái. Ở nơi đất khách quê người, nhờ chăm chỉ, cần cù, chị H. kiếm được tiền, ổn định kinh tế, xây nhà cao cửa rộng.

Thế nhưng, hạnh phúc lại không trọn vẹn khi chồng chị ở nhà bắt đầu dính vào bài bạc, bồ bịch… Cuối năm 2009, chị H. trở về nước với mong muốn hàn gắn hạnh phúc gia đình nhưng mâu thuẫn ngày càng gay gắt. Vợ chồng chị quyết định ly hôn. Một thời gian ngắn sau, chị H. để con cho chị gái chăm sóc, tiếp tục sang Angola kiếm kế mưu sinh.

Nhiều trường hợp cười ra nước mắt khi vợ chồng “ly hôn giả” để cho vợ đi XKLĐ lại thành thật. Như trường hợp của anh Nguyễn Đức C. (xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên) có vợ là Hồ Thị T. làm việc ở Thái Lan đã 6 năm nay. Cuộc sống phồn hoa nơi xứ người với nhiều cám dỗ nên chị T. đã bỏ lại 2 con gái cho chồng nuôi để theo người đàn ông khác. Mẹ vắng nhà đã bao lâu, 2 đứa con anh C. cũng chẳng nhớ nữa. Thế nhưng, trong tâm trí non nớt của những đứa trẻ, dường như không bao giờ hết khao khát, chờ mong mẹ quay về để ôm ấp, yêu thương. Chia tay tôi, đứa út lên ba thủ thỉ: “Chị đi rồi, nhớ mang mẹ về cho em với nhé. Em nhớ mẹ lắm”!

Cần sự định hướng, hỗ trợ

Để làm giàu từ XKLĐ mà vẫn giữ gìn hạnh phúc gia đình bền vững trước hết phụ thuộc vào nhận thức của cả vợ chồng. Thực tế đã ghi nhận không ít gia đình sống hạnh phúc khi một trong hai đi XKLĐ, đặc biệt là người phụ nữ. Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (xóm Nam Hải, xã Thạch Hải, Thạch Hà) là một điển hình.

xuat khau lao dong va mat trai cua nhung dong ngoai te

Nhờ sự khéo léo, đảm đang cùng những kinh nghiệm 4 năm làm nhà hàng ở Thái Lan, hàng ăn sáng của chị Thủy rất được nhiều người dân xung quanh ủng hộ

Nhờ chồng kiên trì chăm lo con cái, vun vén hạnh phúc gia đình, sau 4 năm lao động ở Thái Lan, chị Thủy trở về với số tiền kha khá tích lũy được. Vợ chồng chị đầu tư kinh doanh, đồng thời, mở thêm hàng ăn buổi sáng để tăng thu nhập. “Số vốn gom góp được trong những tháng ngày vất vả mưu sinh nơi xứ người đã giúp gia đình tôi đầu tư làm ăn ở quê nhà. Bây giờ, vợ chồng cùng sớm khuya dậy chuẩn bị hàng quán, dạy bảo con cái học hành nên người” - chị Thủy tâm sự.

Anh Nguyễn Trung Kiên (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) có vợ đi XKLĐ đã lâu, anh ở nhà lo lắng công việc chăm sóc con cái, nhà cửa. Nhờ tiết kiệm tiền vợ gửi về, 3 đứa con đều rất ngoan, siêng năng và học giỏi. “Gà trống nuôi con gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là sự thay thế vai trò của người mẹ đối với các con. Tôi luôn phấn đấu là chỗ dựa vững chắc để bố con càng phải gần gũi hơn nữa những lúc mẹ vắng nhà. Mình phải có bản lĩnh, vợ chồng phải thực sự tin tưởng, cảm thông và bao dung để gìn giữ hạnh phúc” – anh Kiên chia sẻ.

Ở nhiều địa phương, vai trò của hội phụ nữ đã được thể hiện rõ trong việc chung tay hỗ trợ các gia đình có phụ nữ đi XKLĐ. Điển hình là ở phường Đậu Liêu đang triển khai tốt 8 CLB như: nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình, bình đẳng giới, khi mẹ vắng nhà… Các CLB này thu hút đông đảo nam giới tham gia, đặc biệt là những gia đình có vợ đi XKLĐ. Tại đây, cánh đàn ông được giúp đỡ, hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con cái, tổ chức cuộc sống gia đình, làm kinh tế, nâng cao kiến thức, gặp người cùng cảnh để chia sẻ…

Bà Thái Thị Điểm - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Đậu Liêu cho biết: “Nhờ kết hợp với các tổ chức đoàn thể khảo sát, vận động để các ông bố tham gia các CLB cũng như tạo nên phong trào cùng nhau hăng say lao động, ổn định kinh tế gia đình nên thời gian qua, nhìn chung, đại bộ phận các gia đình có vợ đi XKLĐ đều có cuộc sống ổn định, các con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành”.

Để đồng hành cùng các gia đình có lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cần tăng cường tuyên tuyền, định hướng cho họ về khoảng thời gian lao động ở nước ngoài chỉ nên giới hạn 4-5 năm. Khi đó, người lao động đã có khả năng trả nợ, có số vốn nhất định để xây dựng kinh tế, vun vén hạnh phúc gia đình.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp XKLĐ cần làm chặt từ khâu tuyển chọn, yêu cầu phía người lao động về nước đúng hạn; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm để giúp họ ổn định đời sống khi trở về quê hương. Trong các hoạt động tuyên tuyền về lĩnh vực này, các địa phương cần cổ vũ, tuyên dương những gia đình có người đi XKLĐ sản xuất, kinh doanh giỏi, cuộc sống hạnh phúc, chung tay thực hiện nếp sống văn hóa mới, có ý thức xây dựng quê hương giàu mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast