Công chức Hà Tĩnh không được gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định 52/QĐ-UBND ngày 22/11/2017 quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2017 và thay thế Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 3/11/2011.

cong chuc ha tinh khong duoc gay nhung nhieu phien ha truc loi

Nhân viên giao dịch tại Trung tâm Hành chính công huyện Thạch Hà tận tình hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức

Theo quy định ban hành kèm theo Quyết định 52/QĐ-UBND nói trên, cán bộ công chức, viên chức tỉnh Hà Tĩnh phải thực hiện nghiêm những quy định về nghĩa vụ, về những việc không được làm của cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan.

Tuân thủ quy định của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính; nghiêm túc thực hiện công việc được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng kế hoạch làm việc của cá nhân theo vị trí việc làm và công việc được giao, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện công việc cho thủ trưởng cơ quan theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.

Thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ, đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và đồng phục (nếu có) khi thực hiện nhiệm vụ. Sử dụng có hiệu quả ngày, giờ làm việc theo quy định, không đi muộn, về sớm; không làm việc riêng trong giờ hành chính; thực hiện nghiêm việc cấm hút thuốc lá tại địa điểm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được làm những việc mà pháp luật cấm; khuyến khích tố giác những hành vi nêu trên.

Trong quá trình tham gia cuộc họp, phải nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, ý kiến đóng góp phải chất lượng, tránh sơ sài, thiếu trách nhiệm. Khi phát hiện có hành vi tiêu cực, vi phạm quy chế, nội quy, vi phạm pháp luật phải có trách nhiệm thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đó.

Không được che giấu, làm sai lệch nội dung các phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn vị mình, cơ quan, đơn vị, tổ chức khác hoặc của công dân về những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ do minh được giao hoặc có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công việc được giao thực hiện không đúng quy định của pháp luật.

Không vi phạm các quy định về nội quy, quy tắc nơi công sở; không được vi phạm các chuẩn mực về đạo đức, phẩm chất, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Không được chia sẻ, bình luận đưa thông tin không đúng hoặc thông tin sai lệch lên mạng xã hội làm ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội, uy tín của Đảng, nhà nước và của cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ngoài việc tuân thủ các quy định trên thì phải tuân thủ các quy định tại Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân và các điều lệ, điều lệnh của ngành.

Về xử lý vi phạm, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định trên tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phê bình, kiểm điểm, xem xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đối với lao động hợp đồng, nếu vi phạm các quy định trên thì tuỳ theo mức độ vi phạm để xử lý hoặc chấm dứt hợp đồng.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Ngoài trách nhiệm của một công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn phải gương mẫu thực hiện các nội dung quy định tại điều 3, điều 4 quy định này và lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý nghiêm túc thực hiện; chủ động nắm bắt kịp thời tâm lý của cán bộ, công chức, viên chức để có cách thức điều hành phù hợp với từng đối tượng nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Xây dựng đoàn kết nội bộ, công tâm, công bằng, minh bạch, phát huy dân chủ, tạo điều kiện trong học tập và phát huy sáng kiến của cán bộ, công chức, viên chức; tôn trọng và tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức khi giao và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, công vụ; bảo vệ danh dự của cán bộ, công chức, viên chức khi bị phản ánh, khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật.

Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của minh có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện các thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép, hộ chiếu, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận đăng kí quyền sử dụng đất, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh...

Bị xử lý trách nhiệm liên đới nếu có cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền vi phạm quy định này và các quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch và đúng quy định trong sử dụng tài sản, tài chính công; không được sử dụng tài sản công vào việc riêng...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast