Hồi sinh vùng đất lũ

(Baohatinh.vn) - Khi màn sương đang bao bọc miền núi đồi Hương Sơn thì tôi đã theo con thuyền dọc bờ sông Ngàn Phố để ngắm nhìn hình dáng những miền đất thường xuyên chịu sự gầm rú của nước lũ. Trong tiết trời lạnh lẽo, những tia nắng cuối đông rải xuống dòng sông chở nặng phù sa. Những nương ngô bắt đầu nhú màu xanh mơn mởn. Sự sống lại sinh sôi, nảy nở trên vùng đất lũ.

Những cánh đồng ngô ở Hương Sơn hồi sinh sau lũ

Những cánh đồng ngô ở Hương Sơn hồi sinh sau lũ

Nằm bên dòng sông Ngàn Phố hiền hòa, người dân xã Sơn Thịnh coi lũ lụt như một phần tất yếu trong cuộc sống từ bao đời nay. Tuy nhiên, sức tàn phá của 2 trận lũ trong tháng 10 vừa qua báo hiệu rằng, thiên nhiên đang biến đổi và bão lũ đang ngày càng khắc nghiệt, khủng khiếp. Toàn xã có gần 800 ngôi nhà bị ngập, 450 ha rau màu bị vùi lấp trong lũ.

Ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh nói: “Thiệt hại do lũ gây ra nặng nề như vậy, nếu không có sự giúp sức, chung tay của đồng bào cả nước từ những gói mì tôm, lương khô, đến tấm chăn ấm... thì bà con sẽ gặp vô vàn khó khăn”. Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, bà con Sơn Thịnh nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Ngồi trên chiếc thuyền mộc, tôi vẫn nhìn thấy xa xa trên các triền sông, người dân các thôn An Thịnh, Tiến Thịnh, Đại Thịnh, người cày, người cuốc ươm mầm cho vụ ngô đông. Trên các nẻo đường không còn cảnh ảm đạm, rác treo ngọn tre, cây đổ chắn đường mà thay vào đó là một khung cảnh tươi sáng. Đường làng, ngõ xóm gọn gàng, sạch đẹp.

Ngồi trong căn nhà mới do Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 40 triệu đồng, anh Lê Chiển vui mừng: “May có đồng bào cả nước chung tay, góp sức nên bà con chúng tôi mới vượt qua được khó khăn, ổn định cuộc sống. Thật không biết lấy gì mà báo đáp”.

Cũng như Sơn Thịnh, người dân Sơn Mỹ chịu sự “dày vò” của trận lũ tháng 10 vừa qua với hơn 130 hộ dân bị ngập chìm trong nước, cầu cống, đường sá bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng, hơn 15 ha ngô bị mất trắng. Tưởng như bà con nơi đây sẽ không gượng dậy được sau những mất mát lớn lao ấy, vậy mà, giờ đây, về lại Sơn Mỹ, tôi vô cùng bất ngờ trước khung cảnh tươi tắn, nhộn nhịp của cả vùng quê. Lũ qua đi, chính quyền và nhân dân nơi đây nhanh chóng bắt tay sửa chữa đường sá, cầu cống để đảm bảo nhu cầu đi lại. Giống ngô, giống rau cũng được đưa đến tận tay bà con để sản xuất. Đến nay, hơn 40 ha ngô đông đã được bà con Sơn Mỹ gieo trồng, nhiều diện tích đã lên xanh trong nắng.

Dọc hai bờ sông Ngàn Trươi, Hương Minh (Vũ Quang) là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với 267 ngôi nhà chìm ngập trong nước, hơn 50 ha hoa màu bị lũ cuốn trôi, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm bị ướt, hư hỏng... Về Hương Minh vào thời điểm đó, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh nhà trạm y tế bị ngập đến mép cửa sổ. Vậy mà, giờ đây, Hương Minh đang vươn mình trong nắng mới để hồi sinh một cách mạnh mẽ. Hai bên bờ sông, người dân đang hối hả gieo trồng những thửa ngô, đậu tương cuối cùng để chuẩn bị về sắm sửa đón tết. Những thửa ngô gieo trước đã bắt đầu lên xanh giữa bãi phù sa đặc quánh sau lũ.

Ông Đoàn Ngọc Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Minh phấn khởi: “Sau lũ, chính quyền đã nhanh chóng vận động bà con vệ sinh môi trường. Toàn bộ các nhà bị sập, tốc mái ở các làng nằm ven sông như: Đồng Minh, Hợp Lợi, Hợp Thắng... đều đã được các hộ dân và chính quyền địa phương giúp sức sửa chữa, làm mới lại ngay sau khi lũ đi qua. Đến nay, người dân đã trồng được 40 ha ngô, đậu”. Chỉ sau một thời gian ngắn nữa, cả bờ sông rộng lớn này sẽ ngập tràn màu xanh. Không khí đầm ấm trong mỗi gia đình, nụ cười hớn hở trên khuôn mặt của những người dân lam lũ cho thấy sức sống lại mạnh mẽ trên vùng đất Hương Minh.

Thuyền xuôi về đến vùng “rốn lũ” Phương Mỹ, Phương Điền, trời cũng đã xế chiều. Vệt nắng cuối ngày với chút se lạnh của trời đông khiến cảnh vật trở nên tĩnh mịch và thơ mộng. Ngồi trên thuyền, tôi vẫn thấy thấp thoáng những bóng người đang miệt mài trên những cánh đồng. Trên bờ sông, đàn trâu bắt đầu nối đuôi nhau trở về sau một ngày gặm cỏ và đằm mình trong dòng Ngàn Sâu hiền hòa. Nhớ lại, hơn 2 tháng trước về với Phương Mỹ, Phương Điền là biển nước mênh mông, trắng xóa, phải đi thuyền mất hơn tiếng rưỡi mới có thể tiếp cận với người dân vùng lũ.

Ngồi bên cánh đồng ngô vừa gieo xong, chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Thượng Sơn, Phương Mỹ) vui vẻ: “Dân chúng tôi đây lụt quanh năm thành quen nên cứ lụt về là chạy nhanh lắm, hết lụt lại ra đồng”. Trong trận lụt vừa qua, Phương Điền và Phương Mỹ là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Hương Khê với hơn 750 ngôi nhà bị ngập, hơn 30 ha rau màu, 2 con đập bị vỡ, hàng chục km đường liên xã, liên thôn bị hư hỏng nặng nề. Ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết: “Lụt thì năm mô cũng có nhưng trận lụt bữa trước thì to quá nên thiệt hại nặng nề. Nếu không có 19 đoàn cứu trợ không ngại xa xôi, gian khó mang gạo, mì tôm, nước, áo quần... đến thì không biết cuộc sống bà con sẽ như thế nào”.

Đến nay, hơn 70 ha ngô đã được bà con 2 xã gieo trồng; 160 ha lạc, 136 ha lúa của xã Phương Mỹ chuẩn bị gieo cấy. Hệ thống giao thông, thủy lợi, hồ đập đã được khắc phục, sửa chữa kịp thời ngay khi lũ rút. Dù đã cuối ngày, nhưng chợ Hôm vẫn còn khá nhiều người ghé qua để kịp mua “mót” những mớ rau củ... phục vụ bữa tối. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, cây cối được chặt tỉa gọn gàng. Trên nóc nhà, một vài người treo sớm ngọn cờ Tổ quốc thắm tươi, tung bay trong gió để chuẩn bị đón tết. Thôn xóm trở nên vui vẻ, huyên náo với tiếng chuyện trò của những lớp thanh niên vừa xa quê trở về sau một năm trời mưu sinh trên đất khách.

Rời “rốn lũ” cũng là lúc bóng tối phủ vây, không còn nhìn thấy được mặt người, chỉ nghe tiếng mái chèo khua nước của con thuyền dẫn tôi về lại với miền đồng bằng thân thuộc. Vừa xuôi thuyền, tôi tự hỏi có phải cuộc sống lam lũ, quanh năm phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã khiến con người, vùng đất nơi đây trở nên dẻo dai, mạnh bạo và có một sức sống phi thường? Ai đó từng nói rằng: ở đây lũ chưa qua thì sự sống đã bắt đầu mọc lên từ dưới những lớp nước đục. Đó là lời nói đúng!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast