Hà Tĩnh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

(Baohatinh.vn) - Để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, 13.024 người con của Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường.

Hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập (1831 - 2021), 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2021), Báo Hà Tĩnh xin giới thiệu đến bạn đọc truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Hà Tĩnh, quá trình thành lập, phát triển trong 190 năm qua và những thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh.

Sau Cách mạng tháng Tám, trước những khó khăn chồng chất, quân và dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng triển khai và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ cách mạng mới, phức tạp. Vừa củng cố, xây dựng Đảng bộ, chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng, vừa tập trung khắc phục nạn đói, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển phong trào bình dân học vụ và văn hóa giáo dục, xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Chỉ trong vòng 16 tháng, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả to lớn, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hà Tĩnh đã sớm tổ chức được lực lượng vũ trang và là tỉnh đầu tiên của Liên khu IV nổ súng kháng chiến chống thực dân Pháp với trận Na Pê ngày 7/9/1945.

Hà Tĩnh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hà Tĩnh đã cảnh giác, chủ động đánh bại các cuộc tập kích, xâm nhập phá hoại của kẻ thù, tiêu biểu là chiến thắng Nam Bình (Thạch Hà) ngày 20/8/1953 và chiến thắng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) ngày 4/9/1953. Trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng hậu phương, thành công nổi bật đầu tiên là quân và dân tỉnh nhà đã xây dựng được các An toàn khu ở phía Tây tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các xưởng sản xuất vũ khí, các xưởng chế biến hóa chất, dược liệu, xưởng in bạc của Liên khu IV và cả Trung Bộ hoạt động, đáp ứng yêu cầu của các chiến trường, đồng thời còn là nơi đứng chân của các đơn vị chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Liên khu IV (vào thời kỳ cao điểm, ở các An toàn khu của Hà Tĩnh có trên 10 vạn cán bộ, công nhân với 12 xưởng sản xuất vũ khí lớn cùng hàng chục xưởng sản xuất vũ khí vừa và nhỏ... hoạt động).

Trong lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, Nhân dân Hà Tĩnh cũng đã giành được nhiều thành tích nổi bật. Tháng 2/1949, Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục công nhận là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều lần được Người gửi thư khen...

Hà Tĩnh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Tấm gương anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh internet

Thực hiện nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (từ 1945-1954), Hà Tĩnh có 43.780 thanh niên gia nhập quân đội, 32.600 người đi dân công hỏa tuyến, toàn tỉnh đóng góp 27.388.200 ngày công phục vụ kháng chiến, cung cấp cho các mặt trận 161.830 tấn lương thực, thực phẩm... Con em Hà Tĩnh luôn phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của quê hương, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tiêu biểu là tấm gương anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (từ ngày 13/3 -7/5/1954). Quân và dân Hà Tĩnh đã cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với 2 nước bạn Lào và Campuchia.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong hơn 10 năm hòa bình (từ 1955-1965), quân, dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, nhất trí, hoàn thành thắng lợi nhiều nhiệm vụ cách mạng nặng nề, phức tạp: phát động giảm tô và cải cách ruộng đất nhằm xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của giai cấp địa chủ, phong kiến, đem ruộng đất về tay nông dân; chống âm mưu và hành động phá hoại của địch; khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa. Tiếp đó là thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo XHCN và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của CNXH.

Hà Tĩnh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Làng K130 (thị trấn Can Lộc) hôm nay

Trong quá trình đó, Hà Tĩnh tuy vấp phải những sai lầm, khuyết điểm, nhất là trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã kịp thời khắc phục, sửa chữa, đoàn kết, thống nhất, nhanh chóng ổn định tình hình và tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà tiến lên. Ngày 15/6/1957, Nhân dân Hà Tĩnh vinh dự được đón Bác Hồ về thăm tại thị xã Hà Tĩnh. Những lời dạy bảo ân cần và tình cảm nồng ấm của Bác đã tiếp thêm sức mạnh, củng cố niềm tin sắt son đối với Đảng, với cách mạng, cổ vũ Nhân dân Hà Tĩnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trong 10 năm tiến hành cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, xây dựng hậu phương, chi viện cho tiền tuyến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ 1965-1975), tỉnh Hà Tĩnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng: “hậu phương của tiền tuyến miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc”. Mặc dù phải đương đầu với những thử thách ác liệt, chịu đựng những tổn thất, hy sinh to lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Toàn tỉnh đã nở rộ phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 267 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 34 tàu chiến, tàu biệt kích của địch, đập tan nhiều âm mưu phá hoại của kẻ thù.

Hà Tĩnh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh tư liệu)

Với phong trào thi đua bắn rơi máy bay địch, nhiều đơn vị đã nổi lên như Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ đã kiên cường đánh địch bảo vệ tuyến đường số 1, bắn rơi 7 máy bay Mỹ; các đơn vị nữ dân quân Kỳ Phương (Kỳ Anh), Thạch Đỉnh (Thạch Hà) và lão dân quân Kỳ Tiến (Kỳ Anh) đều bắn rơi máy bay Mỹ... Nhiều địa danh, nhiều chiến sỹ đã đi vào lịch sử như là huyền thoại với những chiến công vang dội. Tiêu biểu như: Núi Nài, Đèo Ngang, chỉ trong ngày 26/3/1965, quân và dân thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay, quân và dân Kỳ Anh bắn rơi 3 máy bay của Mỹ; Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, ghi danh Tiểu đội thanh niên xung phong “Mười cô gái Đồng Lộc” (thuộc Đại đội 552, Tổng đội 55) “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm” đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng; Anh hùng La Thị Tám một mình một trận địa, bám trụ trên đỉnh núi Mòi, giữa mưa bom bão đạn đếm từng quả bom rơi để đánh dấu vào bản đồ cho đồng đội.

Từ năm 1965-1975, toàn tỉnh có 92.913 thanh niên nhập ngũ (chiếm 10% dân số toàn tỉnh lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 10.636 thanh niên xung phong. Để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, 13.024 người con của Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Trong số đó, sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc (ngày 24/7/1968) là một minh chứng điển hình cho lòng quả cảm, vì nước quên thân của bao thế hệ người Hà Tĩnh. Rất nhiều gia đình có con độc nhất, hoặc 2 con, 3 con, 4 con là liệt sĩ.

Nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Tất cả các huyện, thị xã đều được phong tặng là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và Nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các loại huân, huy chương cao quý. Chặng đường 10 năm đó là một trong những thời kỳ lịch sử vẻ vang, oanh liệt của tỉnh Hà Tĩnh.

-----------------------------

Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast