Phong trào đấu tranh của Nhân dân Hà Tĩnh giai đoạn 1831-1945

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh của cả nước giành được chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám 1945.

L.T.S: Hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập (1831 - 2021), 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2021), Báo Hà Tĩnh xin giới thiệu đến bạn đọc truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Hà Tĩnh, quá trình thành lập, phát triển trong 190 năm qua và những thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh.

Những năm đầu thế kỷ XIX, mặc dù triều Nguyễn có đề ra một số chính sách khuyến nông, song kinh tế Hà Tĩnh vẫn rất khó khăn. Mặt khác, chính sách tô thuế nặng nề cùng chế độ lao dịch, binh dịch làm cho đời sống người nông dân vô cùng khốn đốn, trong khi đó, quan lại, cường hào ở địa phương hết sức nhũng nhiễu. Chính vì thế, trong thế kỷ XIX, nông dân Hà Tĩnh đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh chống vua quan nhà Nguyễn, nhất là những năm cuối triều Vua Gia Long, đầu triều Vua Minh Mệnh.

Phong trào đấu tranh của Nhân dân Hà Tĩnh giai đoạn 1831-1945

Phát huy truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều cuộc nổi dậy chống quan lại tham nhũng, chống sưu thuế, chống đi phu, đi lính, làm cho chính quyền nhà Nguyễn ở địa phương không khi nào được yên.

Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp nổ súng ở Cửa Hàn (Đà Nẵng), trắng trợn phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước sự tấn công hung bạo của kẻ thù, triều đình phong kiến không dám kiên quyết kháng chiến. Vua quan nhà Nguyễn lùi hết bước này đến bước khác, để rồi ký bản Điều ước Nhâm Tuất (ngày 5/6/1862) cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) dâng cho giặc.

Nhân dân cả nước phẫn nộ lên án bè lũ bán nước. Văn thân sĩ phu Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác cùng với Nhân dân đứng lên chống lại hành động đầu hàng của triều đình. Năm 1873, giặc Pháp nổ súng đánh chiếm Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Dưới áp lực phong trào yêu nước mạnh mẽ của Nhân dân, Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) là Tôn Thất Triệt họp văn thân sĩ phu hai tỉnh để bàn việc đánh giặc. Nhưng lần này cũng như lần trước, triều đình Huế bất chấp sự phản kháng của quần chúng đã ký Điều ước ngày 15/5/1874 xác nhận quyền chiếm đóng của thực dân Pháp trên cả ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).

Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, Nhân dân và sĩ phu Hà Tĩnh đã nhất tề đứng dậy, cùng với Nhân dân nhiều nơi trong cả nước vừa chống đế quốc xâm lược, vừa chống phong kiến.

Khi vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần vương (tháng 7/1885), một làn sóng yêu nước đã dâng cao trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng - Cao Thắng kéo dài 11 năm (từ 1885-1896) đã trở thành cuộc khởi nghĩa tiêu biểu và là đỉnh cao trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX của Nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung.

Tháng 11/1885, thực dân Pháp kéo quân vào Hà Tĩnh đàn áp nghĩa quân Lê Ninh và Phan Đình Phùng. Đến tháng 2/1886, Pháp chiếm thành Hà Tĩnh, tuy nhiên, mãi tới năm 1889, chính quyền thực dân mới thiết lập được ở đây. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác, bóc lột và đàn áp đối với Nhân dân Hà Tĩnh. Mâu thuẫn giữa Nhân dân lao động với thực dân Pháp cướp nước và phong kiến tay sai ngày càng trở nên sâu sắc.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh của Nhân dân Hà Tĩnh khi âm ỉ, khi bùng lên mạnh mẽ, lúc diễn ra một cách “ôn hòa”, lúc mang tính chất “bạo động” quyết liệt, nhưng không lúc nào ngừng.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh phát triển mạnh, nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng được thành lập. Trong đó, tiêu biểu là sự ra đời và hoạt động mạnh mẽ của Hội Phục Việt (sau cùng đổi tên là Đảng Tân Việt) trong những năm 1925-1929. Trên cơ sở phát triển của phong trào cách mạng và các tổ chức, từ cuối năm 1929, đầu năm 1930, các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã ra đời ở nhiều địa phương trong tỉnh, đầu tiên là Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của Trường Tiểu học Pháp - Việt, thị xã Hà Tĩnh (cuối tháng 12/1929), do đồng chí Lê Bá Cảnh làm Bí thư.

Phong trào đấu tranh của Nhân dân Hà Tĩnh giai đoạn 1831-1945

Bến đò Thượng Trụ tại xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (tháng 3/1930). Ảnh: Đạt Võ

Cuối tháng 3/1930, để thống nhất về tổ chức và đưa phong trào cách mạng tiến lên, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Trần Hữu Thiều (tức Nguyễn Trung Thiên) đã chủ trì tổ chức hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh. Hội nghị được tiến hành tại một địa điểm gần bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc). Hội nghị cử ra Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ do đồng chí Trần Hữu Thiều làm Bí thư.

Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh dân tộc và giai cấp kiên cường, bền bỉ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, là kết quả của việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam mà phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh đã lĩnh hội được. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định sự phát triển của phong trào cách mạng tỉnh nhà.

Trong những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Đảng bộ Hà Tĩnh, các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh cùng với Nhân dân cả nước đã vùng dậy làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn, quyết liệt, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Mặc dù bị kẻ thù đàn áp, khủng bố khốc liệt, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã đạt được những thành quả có ý nghĩa lịch sử quan trọng và để lại nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá cho cách mạng Việt Nam.

Thành quả nổi bật và là đỉnh cao của phong trào đấu tranh cách mạng 1930-1931, lần đầu tiên trong lịch sử ở Hà Tĩnh, bạo lực chính trị của quần chúng đã tấn công liên tục, làm tan rã từng mảng lớn chính quyền thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền Xô viết ở 170 làng, xã trong tỉnh - hình thức chính quyền cách mạng đầu tiên của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chính quyền Xô viết đã kịp thực hiện nhiều cải biến cách mạng, đem lại những quyền lợi thiết thực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho người dân lao động, góp phần nâng cao niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào cách mạng.

Phong trào đấu tranh của Nhân dân Hà Tĩnh giai đoạn 1831-1945

Bia dẫn tích vào khu di tích Rôộc Cồn - nơi ngày 20/4/1931 diễn ra cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp của Nhân dân Hương Khê dưới sự lãnh đạo của Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu

Cuộc khủng bố trắng của bọn đế quốc và phong kiến Nam triều đối với cao trào cách mạng 1930-1931 ở Hà Tĩnh ngày càng diễn ra khốc liệt. Hàng trăm người bị giết, hàng ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt bớ, tù đày. Bên cạnh việc đàn áp, kẻ thù còn dùng nhiều thủ đoạn lừa bịp, mị dân hòng lung lạc ý chí đấu tranh cách mạng của quần chúng.

Trước tình hình đó, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng đều giữ vững niềm tin vào Đảng, kiên trì vượt qua khó khăn, thử thách để tìm biện pháp khôi phục lại tổ chức và phong trào cách mạng. Trong ngục tù đế quốc, hầu hết đảng viên và quần chúng luôn giữ trọn lòng trung thành với Đảng và cách mạng, không hề chịu khuất phục trước kẻ thù, nhiều người đã anh dũng hy sinh.

Số đảng viên còn lại tạm lánh sang địa phương khác để tìm mọi cách gây dựng lại tổ chức. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi Đảng bộ được khôi phục, phong trào cách mạng của Nhân dân tỉnh nhà nhanh chóng được tổ chức lại, phát triển mạnh vào những năm 1937-1938, góp phần quan trọng vào cuộc vận động dân chủ do Đảng ta phát động.

Chính sách cai trị phát xít cùng những thủ đoạn mua chuộc của Nhật - Pháp trong những năm 1940-1945 không thể nào dập tắt phong trào cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh. Mặc dù Đảng bộ bị địch khủng bố, phá vỡ nhiều lần, nhưng số đông cán bộ, đảng viên còn lại ở các địa phương vẫn tích cực hoạt động trong các tổ chức để tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân thường xuyên tiếp diễn dưới nhiều hình thức. Dưới ánh sáng các nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Hà Tĩnh đã tích cực chuẩn bị lực lượng và điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Phong trào đấu tranh của Nhân dân Hà Tĩnh giai đoạn 1831-1945

Hà Tĩnh tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 1995). Ảnh Sỹ Ngọ

Khi thời cơ xuất hiện, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, chỉ trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Can Lộc ngày 16/8/1945 và kết thúc là cuộc khởi nghĩa ở Hương Khê vào ngày 21/8/1945, Nhân dân Hà Tĩnh đã vùng dậy giành hoàn toàn chính quyền về tay mình.

Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh của cả nước giành được chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám. Thắng lợi lịch sử này là kết tinh của truyền thống yêu nước nồng nàn, đấu tranh kiên cường, bất khuất của các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà qua nhiều thời kỳ, mà trực tiếp là 15 năm đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Hà Tĩnh với những thành tựu ngày càng toàn diện hơn.

------------------

Biên soạn theo tài liệu của Tỉnh ủy Hà Tĩnh

(Còn tiếp)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast