Trong tiết Thanh minh ấm áp, đất trời cùng vạn vật hoan ca, muôn triệu người con đất Việt từ muôn phương lại hướng lòng mình về đất Tổ Phong Châu, Phú Thọ tưởng nhớ ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba âm lịch. Hàng triệu con tim cùng chung nhịp đập, cùng đồng thanh tiếng gọi cội nguồn thiêng liêng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Internet.
Câu ca dao không biết có từ bao giờ đã được truyền tụng qua bao lớp lớp thời gian, nhắc nhở, nhắn nhủ chúng ta “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba/ Dầu ai buôn bán gần xa/ Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mùng mười”. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ “Đất nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) từng viết về nguồn cội Rồng Tiên, con Lạc cháu Hồng của những người con đất Việt và mỹ tục giỗ Tổ của người Việt Nam:
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất, những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.
Lần giở những trang sử đầu tiên của dân tộc buổi sơ khai càng thêm yêu mến và tự hào về nguồn gốc nòi giống Tiên Rồng. Câu chuyện truyền thuyết pha màu sắc huyền thoại kể chuyện Lạc Long Quân giống rồng, gặp Âu Cơ giống tiên, lấy nhau và nàng Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, sau đó 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng. Âu Cơ đưa con về sống ở đất Phong Châu, những người con suy tôn anh cả làm vua, đặt tên là Hùng Vương. Vua Hùng dựng nước Văn Lang, từ ngọn núi Nghĩa Lĩnh, từ mảnh đất Phong Châu mà tạo nên cơ nghiệp cho muôn đời.

Hai tiếng: “đồng bào” với tầng ý nghĩa là “cùng chung một bọc” đã gắn kết các thế hệ cư dân người Việt từ buổi hồng hoang của lịch sử cho đến hôm nay. Hai tiếng ấy thiêng liêng, cao quý vô cùng, trở thành nhân nghĩa, lẽ sống, đức hy sinh, tình yêu thương nòi giống, yêu quý cội nguồn không dễ gì phai nhạt. Đền Hùng trở thành địa chỉ linh thiêng bởi nơi đây phát tích ngọn nguồn Việt Nam, dòng giống Việt Nam.
Càng yêu thương giống nòi, càng trân quý nguồn cội, biết ơn tổ tiên bao nhiêu, các thế hệ cư dân người Việt càng đoàn kết bên nhau để chiến thắng thiên tai, giặc giã, lập nên làng xóm, đem sức lực, trí tuệ, máu xương để bảo vệ giang sơn gấm vóc, làm cho Tổ quốc vang xa ngoài bờ cõi. Tổ quốc, chiết tự từ tiếng Hán nghĩa là: đất nước của tổ tiên bao đời để lại. Mỗi con dân nước Việt, dù đang sống trên đất nước, quê hương hay xa Tổ quốc ngàn vạn dặm đều yêu mến, tự hào về đất nước Việt Nam các thế hệ tiền nhân đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt tạo dựng nên và không tiếc tuổi xuân, xương máu để gìn giữ, bảo vệ cho đến ngày hôm nay. Đời nối đời, biết bao người con đất Việt đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên đất nước muôn đời” (Nguyễn Khoa Điềm).

Lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại đoàn quân Tiên Phong khi hành quân về Thủ đô, dừng chân ở đền Giếng, Đền Hùng vào ngày 19/9/1954: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!” đã trở thành lời hiệu triệu thiêng liêng, trở thành mệnh lệnh của trái tim, thôi thúc các thế hệ người Việt Nam chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thân yêu mà tổ tiên bao đời đã trao lại. Như cách mà Tố Hữu từng nói: Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…
Cây có gốc mới nảy cành xanh lá, nước có nguồn mới nên biển cả sông sâu. Chim có tổ, người có tông. Đối với người Việt Nam, Phú Thọ là đất Tổ, vua Hùng là Thủy tổ, Đền Hùng là nơi thờ Tổ thiêng liêng. Chính vì vậy, cứ vào dịp tháng Ba âm lịch, trong tiết trời Thanh minh ấm áp, hàng triệu người của 54 dân tộc anh em sinh sống trên mọi miền Tổ quốc lại hành hương về đất tổ Phong Châu để tri ân, tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên của nòi giống Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tín ngưỡng văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Để đáp ứng tâm nguyện của hàng chục triệu người dân và nhắc nhở thế hệ sau nhớ về ngày giỗ Tổ, Nhà nước đã quy định ngày giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ một ngày. Những người ở xa không về được thì đến các địa chỉ thờ cúng Hùng Vương tại địa phương để chiêm bái.
Tại Hà Tĩnh, phong tục giỗ Tổ Hùng Vương ở chùa Đại Hùng (TX Hồng Lĩnh) đã có từ lâu đời và ngày càng được tổ chức với quy mô lớn, vừa thành kính vừa vui tươi. Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Hiếm có nơi nào như ở Việt Nam, tiếng gọi cội nguồn lại có sức mạnh to lớn khiến hàng triệu người con đất Việt từ khắp nơi trên thế giới và khắp cả nước gác lại mọi công việc, lo toan để về bái tổ. Dường như ai cũng cảm nhận được dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong đường gân thớ thịt, hòa cùng nhịp đập con tim của muôn triệu người, thiêng liêng, cao cả mà gần gũi thân thương, yêu quý vô vàn.
Năm nay, cả dân tộc hướng về ngày giỗ Tổ cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và các sự kiện trọng đại của đất nước. Đặc biệt, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang dồn sức lực, trí tuệ tạo ra những bước chuyển to lớn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương đã tạo ra niềm tin, hy vọng trong Nhân dân về sự đổi mới, đi lên của đất nước, khẳng định năng lực cầm quyền của Đảng nhằm đưa đất nước ta đổi thay phù hợp xu thế tiên tiến của thế giới.
Một lần nữa, tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm trước vận mệnh mới của Tổ quốc lại được khơi dậy trong mỗi cán bộ, đảng viên. Và chúng ta có quyền hy vọng về thế và lực mới của đất nước Việt Nam mà tổ tiên bao đời đã chiến đấu, hy sinh giành lại cho chúng ta. Chúng ta tự thấy trách nhiệm của mình khi phải tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ làm cho Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng dặn dò, mong ước.