Đã 61 năm trôi qua nhưng Đại tá Dương Phổ - Nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 442, Quân khu 4 vẫn đầy tự hào khi nhắc lại thời điểm mùa thu năm 1964, ông đã dùng súng trường bắn rơi máy bay trinh sát của Mỹ trên đồi Cỏ Rẻ (Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Đại tá Dương Phổ (SN 1942) tại xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) trong gia đình có 7 anh chị em, ông là con thứ 3. Năm 1963, lúc đang học lớp 7/10, ông đã bắt gặp tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai A.Ostrovsky. Ấn tượng về triết lý sống mạnh mẽ, về ý nghĩa đời người của nhân vật Paven Coocsaghin đã tác động lớn đến Dương Phổ - lúc ấy đang là Phó Bí thư Đoàn trường, ông đã xung phong ghi tên khám nghĩa vụ vào bộ đội để được ra trận chiến đấu. Nhiều người ngăn cản ông với lý do nhà có hai anh trai đã nhập ngũ trước đó. Nhưng với quyết tâm thực hiện lý tưởng, ông đã “trốn” gia đình đi khám và trúng tuyển, biên chế vào Tiểu đoàn 927 (Quân khu 4) đóng tại Hương Sơn. Sau 3 tháng huấn luyện trước khi vào chiến đấu, ông là tân binh xuất sắc với kết quả bắn trúng 3 vòng 10.

Năm 1964, địch tập trung lực lượng tại căn cứ ở Thái Lan rồi qua Lào, đột nhập vào biên giới Việt Nam. Thời điểm này, quân và dân ta gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn; địch lại dùng vũ khí, máy bay hiện đại đánh phá ta ác liệt trên nhiều địa bàn. Lúc này, Tiểu đoàn 927 được giao nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Tây ở xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, tiểu đội của ông đảm nhiệm vọng gác tại đồi Cỏ Rẻ. Ý thức được vị trí canh gác có vai trò rất quan trọng, nhằm ngăn cản lực lượng trinh sát của địch xâm nhập biên giới bằng đường không để thu thập tin tức, ông và đồng đội luôn đề cao cảnh giác không một phút lơ là.
Đại tá Dương Phổ kể: “Hôm ấy là một buổi chiều tháng 9 năm 1964, khi đang trong phiên gác của mình, tôi bất ngờ phát hiện có “vật thể lạ” màu đen đang di chuyển trên bầu trời phía Tây tiến về phía đồi Cỏ Rẻ. Với tinh thần cảnh giác, tôi tập trung cao độ, quan sát hướng nòng khẩu súng trường trên tay ngắm về mục tiêu, bất ngờ phát hiện ra đó là máy bay trinh sát của địch. Lúc đó, với vị trí ngắm bắn cao, máy bay trinh sát của địch lại bay thấp rất thuận lợi, tôi liền rà nòng súng chính xác vào mục tiêu và siết cò. Một loạt đạn bay đi sượt qua máy bay địch, loạt đạn thứ 2 trúng vào thân nó nhưng cũng không hề hấn gì. Lúc đó, thần kinh tôi như căng ra, ý nghĩ không thể đầu hàng trước kẻ thù, tôi tập trung cao độ nhắm vào cánh quạt chiếc máy bay “nhả” loạt đạn thứ 3…
Bất ngờ, đạn cắm ngay vào cánh quạt, lập tức chiếc máy bay trinh sát của địch chao đảo nhiều vòng, khói đen phụt ra phía sau mang theo tên phi công cứ thế lao nhanh xuống đất, rồi bùng cháy dữ dội trên đồi Cỏ Rẻ. Đồng đội trong đơn vị ùa ra hò reo ăn mừng”.

Kỳ tích của tân binh Dương Phổ khi lần đầu tiên quân ta hạ được máy bay Mỹ bằng súng trường trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng như toàn quân ta thêm tự tin vào vũ khí sức mạnh của lòng dũng cảm trước vũ lực tối tân của quân địch.
“Lúc đó, dù biết với khẩu súng trường trong tay, việc bắn hạ máy bay địch là rất khó, nhưng trong tôi vẫn bừng lên sự căm thù và quyết tâm, không để chúng lộng hành thám thính trên bầu trời quê hương mình mà không phải trả giá. Cuối cùng tôi cũng làm được, nhìn máy bay Mỹ bốc cháy, đồng đội hò reo, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng”- Đại tá Dương Phổ nhớ lại.
Sau chiến công bắn rơi máy bay trinh sát của địch, đồng chí Dương Phổ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, được đăng bài và ảnh để biểu dương trên Báo Nhân dân.
Năm 1965, ông cùng đơn vị chiến đấu tại Lào, tham gia các trận đánh ở Lạc Xao, bản Khèn, bản Khốc Tông, Salavan, hạ Lào... Tại đây, ông lập thêm nhiều chiến công và có thêm 2 lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 1967, đơn vị trở về chiến đấu tại Quảng Trị và với những chiến công lập được tại đây, ông được tặng thưởng Huân chương Giải phóng. Đến năm 1973, ông được bổ nhiệm quyền Tham mưu trưởng Trung đoàn 266, Sư đoàn 341.

Cuối năm 1974, ông được cấp trên cử đi học tại Học viện Quân sự Trung cao cấp ở Hà Nội và được giữ lại làm giáo viên tại trường. Sau giải phóng, ông về làm Trưởng ban Huấn luyện của Tỉnh đội Hà Tĩnh, rồi Tỉnh đội Nghệ Tĩnh. Tháng 9/1977, ông được điều động giữ chức vụ Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 441, được phong quân hàm Thiếu tá.
Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đồng chí Dương Phổ được cấp trên quyết định giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 92, Sư đoàn 337 tham gia các trận đánh tại cầu Khánh Khê, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1979, ông được đi học tại Học viện Quân sự cấp cao (Học viện Quốc phòng), bảo vệ luận văn đạt loại giỏi được nhà trường tặng kỷ niệm chương. Tốt nghiệp được giữ lại nhà trường làm cán bộ giảng dạy, nhưng sau đó ông xin về công tác tại Sư đoàn 442, Quân khu 4 với Chức vụ Phó sư đoàn trưởng, đến năm 1989 thì ông về nghỉ hưu.

Năm nay, Đại tá Dương Phổ đã 83 tuổi nhưng vẫn còn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Cùng với cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng, ông còn có gia đình hạnh phúc, với 4 người con, 2 trai, 2 gái đều tốt nghiệp đại học, trưởng thành, có người giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan Nhà nước.
Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá Dương Phổ là biểu tượng sống động của lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường và đức hy sinh cao cả. Dù đã về hưu nhiều năm, ông vẫn là niềm tự hào của quê hương và thế hệ trẻ hôm nay. Những chiến công oanh liệt, đặc biệt là kỳ tích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, mãi được khắc ghi.