Lời cảm ơn từ đáy lòng !

Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Báo Hà Tĩnh

“Nếu không có sự đùm bọc che chở của cơ quan Báo Hà Tĩnh và những người dân vùng sơ tán không biết số phận và tương lai mấy mẹ con, ông cháu sẽ đi về đâu” - mẹ tôi, đồng nghiệp thuộc thế hệ đi trước luôn đau đáu điều trăn trở ấy. Ông nội tôi từ lâu đã trở thành người thiên cổ và trở về với mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình (Triệu Tài - Triệu Phong - Quảng Trị). Những ngày cuối đời được sống và gắn bó với những người dân Hà Tĩnh , những người bạn tốt bụng của con dâu trong những năm chiến tranh, tôi vẫn tin rằng ông thanh thản và ấm lòng nơi chín suối.

Tháng 9/1962, Báo Hà Tĩnh được thành lập. Cũng năm đó mẹ tôi về nhận công tác văn thư, tạp vụ tại báo. Công việc nhẹ nhàng đó chỉ kéo dài được 2 năm rồi gánh nặng ập đến với người phụ nữ có thân hình mảnh mai khi mẹ tôi lập gia đình vào năm 1962. Chị gái tôi chào đời năm 1963 và chỉ hơn một năm sau một thành viên mới là tôi xuất hiện trong niềm vui vỡ òa của làng báo. Tưởng rằng sau khi xây dựng gia đình, áp lực công việc và nỗi lo cơm áo của người vợ sẽ vơi đi nhưng không, ba tôi - sỹ quan quân đội đã biền biệt ra đi, để lại phía hậu phương người vợ trẻ một nách hai con thơ và một cụ già râu tóc bạc phơ.

Ông nội tôi nguyên là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến liên việt huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị và là cựu tù chính trị đảo Phú Quốc. Cũng chính vì những trận đòn bị tra tấn đã khiến sức khỏe ông bị giảm sút và trở thành gánh nặng không chỉ với mẹ tôi mà tất cả cán bộ phóng viên thời bấy giờ Sau trao trả tù binh năm 1954, ông tôi là cán bộ Ban Tổ chức trung ương Đảng, đến năm 1960, ông nghỉ hưu. Bấy giờ hai miền đất nước bị chia cắt. Sau thời gian an dưỡng tại Sầm Sơn - Thanh Hóa, năm 1963, ông trở về sinh sống với người con dâu và hai cháu nội. Kể từ đây mảnh đất và con người Hà Tĩnh đã để lại trong ông biết bao cảm xúc về tình người và ra đi vĩnh viễn vào năm 1971 ở tuổi 71 sau những tin dữ dồn dập ập đến trong sự tiếc thương của cán bộ phóng viên cơ quan Báo Hà Tĩnh và nhân dân xã Thạch Đài, Thạch Lưu, nơi ông sơ tán.

Từ năm 1965-1971 là khoảng thời gian cán bộ phóng viên đã dành tình cảm ưu ái đặc biệt với cả 4 thành viên trong gia đình. Mẹ tôi nhớ lại: Hôm ấy sau chuyến công tác về thì không thấy ông đâu. "Ông ơi!", mẹ tôi hốt hoảng la lớn, lòng dạ ngổn ngang. Vừa lúc ấy, Tổng Biên tập Võ Trọng Cúc đạp xe về đến nhà. "Cô làm gì mà la toáng lên vậy. Tôi vừa đi lấy thuốc cho ông, còn chú Hứa đang đạp xe chở ông từ bệnh viện về. Mấy hôm cô đi công tác ở nhà anh em đã lo cơm nước cho các cháu”, giọng ông Cúc nhỏ nhẹ.

“Con nhỏ ốm, mẹ là phóng viên được nghỉ hẳn cả tháng để chăm sóc con cái. Mối quan hệ gia đình và cơ quan cứ khăng khít như người một nhà vậy. CTV đến cơ quan ông tôi thay mặt cơ quan tiếp đón. Và không chỉ vậy trong những cuộc liên hoan không thể thiếu ông nội tôi và 2 thành viên “nhí” là hai chị em tôi. Đến những nơi sơ tán, 3 thế hệ tôi được ưu tiên ở hẳn một nhà rồi được cơ quan và người dân làm hẳn cho một hầm trú ẩn tránh bom bi khá rộng rãi”, mẹ tôi kể tiếp. Nơi đây, đôi khi là “trú sở” tác nghiệp của các nhà báo. Ông nội tôi đã được cơ quan ưu ái viết giấy giới cho mua một chiếc đài radio để nghe tin tức trong khi các phóng viên phải đến nghe…nhờ” . Nguyên tổng Biên tập, Báo Hà Tĩnh Trần Văn Trạc tâm sự: “Tôi xem ông nội cháu như một người cha. Bởi, đó là sự tri ân đối với đóng góp công sức và cả xương máu của gia đình. Đó là nghĩa cử tri ân nhằm giáo dục các thế hệ phóng viên báo Đảng”.

Có lẽ vì thế và lớn hơn là phẩm chất cao đẹp của thế hệ các nhà báo đi trước mà chi em chúng tôi được sống trong vòng tay yêu thương và che chở của cả cơ quan báo. Tình cảm đó đã phần nào khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng vì xa con, xa chồng và thiếu hụt sự ôm ấp che chở của người cha; đồng thời làm yên lòng người ra trận. Trong ký ức non nớt của một đứa trẻ 6 tuổi như tôi bấy giờ, trong một buổi tối tham gia sinh hoạt thiếu nhi tại xã Thạch Lưu, chi gái tôi đã đi lạc. Mẹ tôi lòng dạ như lửa đốt đứng ngồi không yên. Các cô chú nghe tin này đã tìm kiếm khắp nơi rồi cởi quần áo lội khắp các ao hồ để mò mẫm trong cái rét cắt da cắt thịt.

Ngày ông tôi ốm liệt giường cả cơ quan thay nhau chăm sóc cơm cháo và thuốc men cho ông. Điều lạ lùng là giờ phút ông tôi lâm chung cả cơ quan không thiếu một ai mặc dù công việc làm báo rất ít khi có phóng viên ở nhà. Có rất nhiều giọt nước mắt của cán bộ phóng viên và nhân dân xã Thạch Lưu nhỏ xuống sau bài điếu trong lễ truy điệu ông tôi do Phó tổng Biên tập Nguyễn Đăng Đơ soạn thảo và đọc tại lễ đưa tiễn.

“Tình cảm tập thể cơ quan Báo Hà Tĩnh và nhân dân xã Thạch Đài, Thạch Lưu đã dành cả cho gia đình trong những ngày ba tôi ốm và trở về với thế giới bên kia tôi xin ghi nhớ suốt đời. Thay mặt gia đình tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất từ đáy lòng đối với những tình cảm cao đẹp đó”, con trai út và là chú ruột tôi - nguyên sỹ quan đặc công Trần Xuân Trường - đã thốt lên như vậy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast