Lo lắng cho sức khỏe, thêm nguy cơ bệnh tim

Lo âu là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng đến một phần lớn dân số Mỹ. Một nghiên cứu mới đây cho thấy những lo lắng về sức khỏe của bản thân sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim.

lo lang cho suc khoe them nguy co benh tim

Lo lắng về sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim.

Tại Mỹ, các rối loạn lo âu là bệnh lý tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 40 triệu người lớn, tức 18% dân số.

Lo âu là một yếu tố nguy cơ đã biết đối với bệnh tim. Nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ giữa trầm cảm và lo âu với nguy cơ bệnh mạch vành.

Một phân tích tổng hợp thấy rằng những người bị chứng lo âu có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 48%.

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người Mỹ, giết chết 365.000 người vào năm 2014.

Nghiên cứu mới đây cho thấy những hậu quả của lo âu về sức khỏe cũng rất nghiêm trọng và tình trạng này cần được điều trị đúng cách.

Lo âu về sức khỏe được mô tả là sự lo lắng thái quá về việc mắc bệnh nghiêm trọng, và đi tìm kiếm sự tư vấn y tế khi không có bệnh lý thực thể.

Bệnh nhân bị lo âu về sức khỏe thường nhận định nhấm các triệu chứng cơ thể là bệnh nghiêm trọng, và họ thường đi tìm kiếm sự giúp đỡ y tế hết lần này đến lần khác cho cùng một vấn đề. Ở hình thái mạnh nhất nhất của nó, lo âu về sức khỏe sẽ trở thành chứng nghi bệnh.

Nghiên cứu về lo âu sức khỏe

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Line Iden Berge, Bệnh viện Helse Bergen tại Bergen, Na Uy, đã tìm hiểu mối liên quan giữa lo lắng về sức khỏe và bệnh tim. Kết quả được công bố trên tạp chí trực tuyến BMJ Open.

Nhóm đã làm việc với các đối tượng tham gia trong Nghiên cứu sức khỏe Hordaland Na Uy (HUSK). Nghiên cứu dài ngày này theo dõi các đối tượng tham gia trong thời gian 12 năm, và là một nghiên cứu hợp tác giữa Dịch vụ sàng lọc y tế quốc gia, Đại học Bergen, và các sở y tế địa phương.

7.052 đối tượng trong nghiên cứu có năm sinh trong khoảng 1953-1957. Họ phải trả lời các câu hỏi về sức khỏe, lối sống, và thành tựu học vấn.

Từ năm 1997-1999, họ được làm các xét nghiệm máu, đo cân nặng, chiều cao và huyết áp.

Những người tham gia cũng được yêu cầu báo cáo mức độ lo lắng theo chỉ số Whiteley. Điểm trên 90% được xem là ca bệnh lo âu.

Trong toàn bộ thời gian nghiên cứu, có 234 người tham gia, chiếm 3,2% trong nhóm, bị tai biến thiếu máu cục bộ - cơn đau tim hoặc đau thắt ngực cấp tính.

Lo âu về sức khỏe làm tăng 73% nguy cơ bệnh tim

Trong thời gian theo dõi, số người có lo âu về sức khỏe bị phát triển bệnh tim mạch nhiều gấp đôi so với những người không lo lắng. Khoảng 6,1% số ca bệnh lo âu về sức khỏe phát triển bệnh tim thiếu máu cục bộ (IHD), so với 3% ở những người không lo lắng.

Vì các đối tượng được ghi danh trong một dự án nghiên cứu toàn quốc theo dõi bệnh tim, nên sức khỏe tim mạch của họ được theo dõi rộng rãi. Chương trình quốc gia, mang tên "Bệnh tim mạch ở Na Uy", đã được thực hiện từ 1994-2009, vì vậy nghiên cứu có thể theo dõi các đối tượng tham gia dựa trên số liệu bệnh viện toàn quốc và giấy chứng tử đến năm 2009.

Sau khi hiệu chỉnh về các yếu tố nguy cơ tim mạch đã xác định, các nhà nghiên cứu thấy rằng nguy cơ phát triển IHD ở các trường hợp lo âu về sức khỏe tăng 73%.

Ngay cả khi đã xem xét các yếu tố nguy cơ IHD, như hút thuốc lá, cholesterol cao, và học vấn, lo lắng về sức khỏe vẫn là một yếu tố nguy cơ cao cho IHD.

Nguy cơ IHD cũng tăng tương ứng với mức độ lo âu báo cáo; các triệu chứng lo âu về sức khỏe càng mạnh thì nguy cơ IHD càng cao.

Về giới tính, nguy cơ IHD tăng rất nhẹ được nhận thấy ở phụ nữ lo lắng về sức khỏe so với ở nam giới.

Hãy tin tưởng vào trái tim

Cần lưu ý rằng đây là kết quả của một nghiên cứu quan sát, nghĩa là sẽ không thể rút ra kết luận về quan hệ nhân-quả giữa lo âu và IHD.

Ngoài ra, lo lắng về sức khỏe thường được đi kèm với các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần, như lo âu và trầm cảm nói chung, vì vậy các loại lo âu khác nhau và cách mà chúng làm tăng nguy cơ bệnh tim có thể rất khó phân biệt.

"Nghiên cứu của chúng tôi tiếp tục chỉ ra rằng hành vi đặc trưng ở những người lo lắng về sức khỏe, như theo dõi và thường xuyên kiểm tra các triệu chứng, không làm giảm nguy cơ tai biến mạch vành", các nhà nghiên cứu viết.

Ngược lại, giữ cho cơ thể luôn ở trạng tháo báo động có thể càng làm tăng nguy cơ tai biến liên quan đến tim.

Điều này đặt cả bệnh nhân bị lo âu và bác sĩ vào một vị trí khó khăn. Nói cho một bệnh nhân đang lo lắng rằng sự lo lắng của họ không phải là một triệu chứng của bệnh tim có thể giúp ích, nhưng mặt khác, thông báo cho họ rằng sự lo lắng của họ về sức khỏe có thể gây ra bệnh tim theo thời gian có thể khiến họ càng lo lắng nhiều hơn.

"Những phát hiện này minh họa thế tiến thoái lưỡng nan của các thầy thuốc lâm sàng giữa việc trấn an người bệnh rằng các triệu chứng thực thể do lo âu không phải là biểu hiên của bệnh tim, trong khi kiến thức mới cho thấy lo âu, theo thời gian, có thể liên quan nhân quả với tăng nguy cơ bệnh mạch vành", các nhà nghiên cứu viết.

Các phát hiện "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị thích hợp cho tình trạng lo âu về sức khỏe".

"Phát hiện này có thể khuyến khích bệnh nhân đi tìm cách điều trị cho tình trạng lo lắng về sức khỏe và tin tưởng vào trái tim của mình", các tác giả kết luận.

Theo Dân trí

Chủ đề Tư vấn sức khỏe

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast