
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát tiêu dùng do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức.
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đồ uống là nguồn cung cấp đường lớn nhất trong chế độ ăn, đóng góp 25% lượng đường tiêu thụ tự do ở người lớn và 40% lượng tiêu thụ ở thanh thiếu niên. Đường dạng lỏng trong thức uống này hấp thụ trực tiếp vào máu và gan chuyển hóa rất nhanh, dẫn đến dư thừa năng lượng.
Từ năm 2009-2023, người dân Việt Nam tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần. Trung bình 1 người tiêu thụ 70 lít đồ uống có đường/năm, tương đương 1,3 lít trong 1 tuần.
Trẻ sử dụng đồ uống có đường dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì. Tình trạng này cao hơn khi trẻ 5 tuổi. Theo ước tính, mỗi ngày uống 100ml tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6; 1 lon/ngày sẽ 60% tăng nguy cơ béo phì trong 1,5 năm. Người lớn uống 1 lon/ngày trong vòng một năm tăng 6,75kg cân nặng.
Phó giáo sư Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, liên tục sử dụng đồ uống có đường thì nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa, tim mạch, sâu răng, bệnh lý thận - tiết niệu, các bệnh lý đường tiêu hóa, ung thư, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và sa sút trí tuệ gia tăng.
Bà Mai đề nghị cần có biện pháp đồng bộ để kiểm soát tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có đường như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, kiểm soát cả quảng cáo và truyền thông đến người tiêu dùng… Tăng cường cho trẻ uống nước tự nhiên, hạn chế sản phẩm chứa đường, giảm chế biến món ăn có đường, đọc nhãn thực phẩm trước khi dùng...
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng xây dựng chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường không phải là vấn đề tài chính mà là biện pháp y tế cộng đồng khẩn cấp.
Bà Thủy khẳng định, thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ giúp giảm tiêu dùng mà còn đóng vai trò như một lá chắn y tế nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ ngân sách quốc gia khỏi những tổn thất do bệnh tật kéo dài gây ra.
Mặc dù cơ quan chức năng đã đề xuất lộ trình áp thuế từ năm 2027 (8%) và nâng lên 10% từ năm 2028, song WHO và các chuyên gia khuyến nghị mức thuế nên đạt ít nhất 40% để thực sự tạo ra thay đổi hành vi tiêu dùng. Tại nhiều quốc gia, mức thuế này đã giúp giảm đáng kể lượng tiêu thụ nước ngọt, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn.
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức y tế toàn cầu đều đã đưa ra lập trường rõ ràng rằng, thuế với đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả, ít tốn kém nhất để phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Tính đến năm 2023, đã có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng thuế đối với loại thức uống này, tăng gần gấp ba lần so với năm 2009. Trong khu vực ASEAN, 6 nước đã đi trước Việt Nam gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia và Brunei.
Hầu hết các nước đều ghi nhận hiệu quả rõ rệt sau một thời gian ngắn áp dụng. Theo đó, người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn ít đường hơn, tỷ lệ béo phì ở trẻ giảm, và doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi bằng cách đổi mới công thức sản phẩm.