Ngăn dịch tả lợn châu Phi, Hà Tĩnh kiểm soát tận gốc

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 3 tháng triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, Hà Tĩnh hiện chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tuy nhiên, các ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương và người chăn nuôi không được chủ quan, thờ ơ trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh.

Ngăn dịch tả lợn châu Phi, Hà Tĩnh kiểm soát tận gốc

Tập trung kiểm soát chặt chẽ dịch tả lợn châu Phi tại các cơ sở giết mổ tập trung

Thời điểm này, thị trường tiêu thụ thịt lợn đã “ấm” lại thì việc quản lý giết mổ hết sức quan trọng. Đây là biện pháp kiểm soát tận gốc để phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Đình Gia - cán bộ thú y thị trấn Cẩm Xuyên, cho biết: Thời gian gần đây, cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại thị trấn Cẩm Xuyên mỗi ngày giết mổ khoảng 13 – 15 con lợn. Để ngăn ngừa bệnh DTLCP, trước khi "tể lô" đưa lợn vào lò giết mổ đều được cán bộ thú y kiểm tra chặt chẽ từ bên ngoài, đồng thời nuôi nhốt một ngày để theo dõi. Sau khi giết mổ, thịt lợn được đóng dấu kiểm dịch mới đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ngăn dịch tả lợn châu Phi, Hà Tĩnh kiểm soát tận gốc

Lợn được nuôi nhốt một ngày để theo dõi trước khi giết mổ

“Vừa rồi, một con lợn nuôi nhốt chuẩn bị giết mổ lăn ra chết, tôi báo ngay với chính quyền địa phương, xin ý kiến ngành chuyên môn và tiêu hủy ngay trong đêm đề phòng bị bệnh lây lan sang đàn lợn khác” – ông Gia cho biết thêm.

Trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên hiện có 5 cơ sở giết mổ tập trung, mỗi lò giết mổ đều được bố trí 2 cán bộ thú y túc trực thường xuyên để kiểm soát đầu vào. Hiện, số lượng gia súc được đưa vào đây giết mổ đạt từ 75-80%. Trước thực trạng giết mổ chui vẫn còn, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra tại các chợ, các điểm buôn bán nhỏ lẻ nhằm phát hiện sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch để kịp thời xử lý.

Ngăn dịch tả lợn châu Phi, Hà Tĩnh kiểm soát tận gốc

Cán bộ thú y tỉnh phát tờ rời hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi về biện pháp phòng chống DTLCP.

Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ là một trong những nơi tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh DTLCP rất cao nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Bà Dương Thị Nguyệt ở xóm Nam Thai, xã Thạch Hội (Thạch Hà) cho hay: "Trước tình hình bệnh DTLCP ngày càng phức tạp, người chăn nuôi chúng tôi hết sức lo lắng. Sau khi chính quyền địa phương tuyên truyền và được cán bộ thú y hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, gia đình tôi thực hiện cam kết đầy đủ. Hiện tại trong chuồng có 4 con lợn nái và hơn 10 con lợn con đều được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; cứ một tuần rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng 2 lần khắp các chuồng trại".

Ngăn dịch tả lợn châu Phi, Hà Tĩnh kiểm soát tận gốc

Người chăn nuôi thường xuyên rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại

Trước sự vào cuộc quyết liệt của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cùng người chăn nuôi, cho đến thời điểm này, chưa phát hiện bệnh DTLCP trên địa bàn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh đang hết sức phức tạp trên toàn quốc. Đặc biệt, tại vùng Bắc Trung Bộ đã có 4/6 tỉnh xuất hiện dịch gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với 252 hộ, 114 thôn, 70 xã, 26 huyện có dịch; tổng số lợn tiêu hủy trên 5.500 con. Bởi vậy, Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm, bùng phát đang ở mức rất cao.

Ngăn dịch tả lợn châu Phi, Hà Tĩnh kiểm soát tận gốc

Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên toàn tỉnh, nhất là việc vận chuyển lợn vào, đi qua địa bàn

Theo ông Trần Hùng – Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh, để chủ động ngăn chặn và kịp thời ứng phó trong tình huống phát hiện dịch bệnh, ngành chuyên môn, địa phương đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ tất cả các giải pháp chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh.

Trong đó, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để tất cả mọi người chăn nuôi phải hiểu được tính chất, nguy cơ của bệnh DTLCP và chủ động, tự giác thực hiện tất cả các giải pháp phòng dịch. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên toàn tỉnh, nhất là việc vận chuyển lợn vào, đi qua địa bàn.

Đặc biệt, chủ động nguồn dự phòng và bố trí các nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch xảy ra; đồng thời, có phương án chủ động quỹ đất sử dụng tiêu hủy, nhất là trường hợp số lượng lớn...

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast