Kỳ 1: Chợ Trung Đình - mỏi mắt chờ người mua

Chợ Trung Đình (phường Thạch Quý) được triển khai xây dựng vào năm 2012 sau nhiều năm TP Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Chợ mới khang trang với các hạng mục được xây dựng đồng bộ, đúng quy chuẩn, thế nhưng, các quầy hàng vẫn hiu hắt, vắng cả người bán lẫn người mua.

Xã hội hóa xây dựng chợ và những vấn đề đặt ra

Khang trang chợ mới

Để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, đầu năm 2013, UBND thành phố Hà Tĩnh ban hành cơ chế đầu tư phát triển các chợ trên địa bàn. Theo đó, thành phố hỗ trợ 100% kinh phí GPMB, san lấp mặt bằng, cấp điện, nước đến ngoài hàng rào cho những chợ có quy mô tối thiểu 3.000 m2. “Cú hích” chính sách đó đã tạo đà cho HTX Trường Tân huy động các xã viên đóng góp hơn 6 tỷ đồng đầu tư xây dựng chợ Trung Đình ở phường Thạch Quý. Chợ được xây dựng khang trang trên tổng diện tích 3.500 m2 với kinh phí 8 tỷ đồng, bao gồm 100 ki-ốt cùng hệ thống thoát thải, chống cháy nổ, đảm bảo hoạt động kinh doanh thuận tiện, an toàn.

Chợ Trung Đình vắng vẻ kể cả ngày cao điểm.
Chợ Trung Đình vắng vẻ kể cả ngày cao điểm.

Chợ Trung Đình ra đời, nhìn một cách tổng quan chính là kết quả từ nỗ lực kêu gọi đầu tư và những chính sách hỗ trợ phù hợp của UBND thành phố, sự đồng hành của các sở, ngành liên quan. Mặc dù được triển khai trong thời điểm suy thoái kinh tế, số tiền hỗ trợ theo chính sách ban hành của UBND thành phố chỉ có 800 triệu đồng trong tổng kinh phí hỗ trợ được phê duyệt hơn 2 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư đã nỗ lực hoàn thành các hạng mục và đưa chợ mới vào hoạt động ổn định.

Nằm ở phía Tây nam thành phố, chợ Trung Đình là điểm thương mại mới cho các hộ tiểu thương hoạt động ở các chợ cóc hoặc bán hàng dọc lòng lề đường vào kinh doanh ổn định, góp phần thiết lập trật tự đô thị. Chị Lê Thị Tơ - chủ quầy bán thịt gia cầm ở chợ Trung Đình cho biết: “Trước đây, tôi buôn bán ở chợ xép bên đường, nắng mưa đều phải hứng chịu, vất vả lắm. Giờ vào đây vừa yên ấm, vừa sạch sẽ nên khỏe hơn nhiều”.

Với 50 ki-ốt đi vào hoạt động bao gồm các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng, hiện nay, chợ Trung Đình thu hút khoảng 1.000 lượt khách/ngày. Chị Mai, một người dân ở phường Thạch Quý cho biết: “Chợ Trung Đình chỉ cách đường Nguyễn Công Trứ vài trăm mét; có điểm gửi xe trong chợ, gần với khu vực các gian hàng nên thuận tiện cho người mua. Chợ sạch sẽ, hệ thống xử lý nước thải tốt, vì vậy, hàng ngày, tôi thường vào mua các mặt hàng phục vụ gia đình”.

Thưa thớt quán hàng

Chợ mới bước đầu đi vào hoạt động ổn định nhưng gần 1 năm qua vẫn hiu hắt quán hàng, thưa thớt người mua. Ở trong sự yên ả của một khu chợ vào giờ cao điểm là những nỗi bức xúc của người bán hàng và lo lắng của nhà đầu tư. Chị Nguyễn Thị Tâm (trú ở khối phố Tân Quý 2) kể: Trước đây, chị bán hàng ở chợ tạm Đồng Vinh (ngã tư đường Nguyễn Công Trứ). Lúc đó, chính quyền thành phố có chủ trương giải tỏa chợ này vì không đảm bảo điều kiện kinh doanh, lại lấn chiếm lòng lề đường. Chị cùng một số hộ tiểu thương khác đồng tình về thuê vị trí bán mới ở chợ Trung Đình. Thế nhưng, “đến nay, chợ Đồng Vinh vẫn tiếp tục hoạt động và nhiều chợ tạm khác vẫn tồn tại. Các điểm mua bán ven đường này đang thu hút khách hàng bởi sự tiện lợi trước mắt. Chợ Trung Đình lại mới hoạt động, khách chưa quen nên lượng hàng bán mỗi ngày của tôi chỉ bằng 1/2 so với trước”.

Gần 1 năm đi vào hoạt động, hàng chục ki-ốt ở chợ Trung Đình vẫn im lìm đóng cửa.
Gần 1 năm đi vào hoạt động, hàng chục ki-ốt ở chợ Trung Đình vẫn im lìm đóng cửa.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Đăng (phường Bắc Hà) trước đây bán thịt lợn trước cổng Trung tâm Phục hồi chức năng tỉnh. Được chính quyền vận động, chị vào chợ Trung Đình từ những ngày chợ bắt đầu hoạt động. Chị Đăng cho rằng: “Hạ tầng chợ mới rất tốt và BQL chợ luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ tiểu thương nên tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, chỉ những hôm các đội trật tự đô thị ra quân dẹp hàng quán tự do thì lượng khách vào đông, còn lại hầu như ngày nào cũng ế hàng”.

Ông Nguyễn Văn Sự - Chủ nhiệm HTX Trường Tân cho biết: “Trước đây, khi chủ trương giải tỏa chợ Đồng Vinh đang được thực hiện quyết liệt, có nhiều tiểu thương đã đăng ký mua ki-ốt ở chợ Trung Đình và một số người đã đặt cọc tiền. Có thời điểm, nhìn vào số lượng đăng ký này thì các ki-ốt cơ bản sẽ có chủ. Thế nhưng, khi chợ tạm Đồng Vinh tiếp tục hoạt động, họ lần lượt rút, một số hộ đã đòi lại tiền đặt cọc”. Đến thời điểm này, chợ Trung Đình chỉ khai thác được 50% công suất hoạt động. Quán hàng thưa thớt, các mặt hàng chưa phong phú, không khí buôn bán trầm lắng càng làm cho chợ thiếu sức hút đối với người mua.

Chợ Trung Đình chưa phát huy được hiệu quả không chỉ ảnh hưởng đến các hộ tiểu thương đang kinh doanh ở đây mà còn đặt nhà đầu tư trước những khó khăn không nhỏ. Để hỗ trợ hộ tiểu thương, hiện tại, HTX Trường Tân chưa thu phí. Nguồn thu chưa có, trong khi chi phí hoạt động của BQL chợ, lãi ngân hàng và khấu hao hạ tầng từng ngày góp thêm những khoản nợ nần. Khó khăn, bế tắc ở chợ Trung Đình là hệ quả của sự thiếu đồng bộ trong các chính sách, giải pháp của chính quyền thành phố trong việc thiết lập trật tự kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, cho thấy, nếu các cấp chính quyền và các sở, ngành không đồng hành với nhà đầu tư từ quá trình xây dựng đến việc vận hành, khai thác chợ thì chắc rằng mô hình xã hội hóa xây dựng chợ đầu tiên của thành phố nói riêng, toàn tỉnh nói chung khó có thể được nhân rộng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast