Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 9 triệu đồng

Đây là mức chênh lệch cao nhất giữa hai thị trường trong nhiều năm trở lại đây, đồng nghĩa với việc người mua trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn gần 19% so với thế giới.

Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch cuối tháng 9 với phiên phục hồi đêm qua, đưa giá vàng giao ngay thoát khỏi vùng đáy 2 tháng và trở lại vùng 1.750 USD/ounce, tương đương cuối tuần trước.

Cụ thể, giá vàng giao ngay đêm qua (giờ Việt Nam) đã phục hồi từ mức 1.742,8 USD lên 1.750,2 USD/ounce, tương đương mức tăng 7,4 USD trong ngày. So với giá cao nhất giao dịch trong tuần này, mức đóng cửa kể trên vẫn thấp hơn 36 USD, tuy nhiên so với cuối tuần trước, giá vàng chỉ giảm khoảng 3 USD.

Tương tự, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 tuần này cũng ghi nhận xu hướng tương tự, hiện cố định ở mức 1.750,6 USD/ounce, không thay đổi nhiều so với cuối tuần trước.

Trong tuần này, giá vàng thế giới khởi đầu với xu hướng tích cực tăng một mạch lên gần 1.790 USD/ounce. Tuy nhiên đà giảm liên tiếp trong 3 phiên cuối tuần đã khiến giá vàng quay lại vùng tương đương cuối tuần trước.

Lý do chính khiến thị trường vàng thế giới quay đầu giảm là lãi suất trái phiếu Mỹ tăng và đồng USD mạnh hơn.

Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 9 triệu đồng

Giá vàng miếng trong nước hiện đắt hơn 9 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi. Ảnh: Nam Khánh.

Tuần này, chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng bạc xanh đã tăng hơn 0,5%, hiện cố định ở mức gần 93,3 điểm. Dù không tăng quá mạnh, điều này cũng tác động tiêu cực tới giá vàng.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng vọt lên mức 1,43%, cao nhất 3 tháng gần đây và cũng khiến giá vàng sụt giảm.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại thị trường trong nước, dưới tác động của giá thế giới, vàng miếng do các doanh nghiệp lớn niêm yết cũng ghi nhận tăng mạnh vào đầu tuần nhưng giảm trong 2 phiên cuối tuần.

Hôm nay (25/9), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,35 - 57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng ở cả 2 chiều so với phiên liên trước. Trong phiên 24/9, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm 300.000 đồng/lượng.

Tuy vậy, giá vàng miếng tại đây hiện vẫn cao hơn 350.000 đồng so với cuối tuần trước.

Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng đang được mua vào ở 56,5 triệu/lượng và bán ra ở 57,3 triệu/lượng, không thay đổi so với chiều qua nhưng thấp hơn 100.000 đồng so với đầu tuần.

Tuy nhiên, cũng giống SJC, giá vàng miếng tại PNJ hiện vẫn cao hơn 300.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác sau giai đoạn giảm mạnh cuối tuần trước và đầu tuần này hiện đã ghi nhận xu hướng đi ngang 3 phiên liên tiếp, cố định ở 50,5 - 51,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), thấp hơn 600.000 đồng so với đầu tuần.

Nếu so với 2 tuần trước, giá vàng PNJ tự chế tác đã giảm hơn 1,1 triệu đồng/lượng.

Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng miếng hiện phổ biến ở 56,7 triệu/lượng (mua) và 57,45 triệu/lượng (bán), giảm 50.000 đồng so với cuối ngày 24/9.

Giữa bối cảnh giá vàng thế giới giảm nhẹ trong khi vàng trong nước phục hồi tốt so với cuối tuần trước, chênh lệch giá bán giữa 2 thị trường này đã tăng lên mức 9 triệu đồng/lượng, cao nhất nhiều năm trở lại đây.

So với đầu năm, mức chênh lệch này đã tăng gấp 3 lần, còn nếu so với một năm trước, chênh lệch giá giữa vàng thế giới và trong nước đã tăng gấp 9 lần.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng 48,3 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc, người mua vàng trong nước vẫn đang phải trả mức giá đắt hơn gần 19% để sở hữu cùng một lượng vàng như thế giới.

Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 9 triệu đồng
Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast