Vì sao bầu Đức chưa tạo ra những Công Phượng, Tuấn Anh tiếp theo?

Chất lượng đầu vào không tốt như trước, HLV ít thời gian gắn bó với đội, các đối thủ mạnh lên… là những nguyên nhân khiến lứa U19 HAGL không được đánh giá cao bằng thế hệ đàn anh.

Điều này trái ngược với những tâm sự của bầu Đức. Ông chủ CLB HAGL cho rằng khóa III và IV của học viện HAGL-JMG sẽ hay hơn khóa I, II vì đầu vào kỹ hơnng chủ CLB HAG, đầu tư nhiều hơn. Ông nói ra điều này khi lứa U19 hiện tại có chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Hàn Quốc đầu năm 2017. Tuy nhiên thực tế trên sân cỏ đang cho thấy điều ngược lại.

Kém hơn là chuyện… dễ hiểu

Khóa I, II của học viện HAGL-JMG có tổng cộng 27 học viên, bắt đầu tập luyện từ năm 2007. Khi cơ sở này của bầu Đức ra đời, nó đã tạo nên một “cuộc cách mạng” thật sự trong công tác đào tạo trẻ tại Việt Nam khi áp dụng cách tuyển chọn của liên minh Arsenal-JMG.

Những tài năng trên khắp cả nước đều háo hức gia nhập HAGL, nơi họ được đào tạo toàn diện về bóng đá, văn hóa, kỹ năng sống… Lò của bầu Đức gần như không có đối thủ cạnh tranh. Tại địa phương nào ban tuyển chọn đi qua, hàng ngàn em nhỏ đăng ký thi tuyển.

vi sao bau duc chua tao ra nhung cong phuong tuan anh tiep theo

Những học viên đầu tiên của khóa III học viện HAGL-JMG năm 2013. Một số trong đó vẫn chưa trình làng người hâm mộ.

Khóa I, II có số lượng rất đông, đủ để thành lập nên 2 đội bóng. HLV Guillaume Graechen gắn bó với Tuấn Anh, Xuân Trường hay Văn Toàn, Thanh Hậu… từ lúc họ là những cậu bé chập chững bước vào Hàm Rồng cho đến tận ngày họ tốt nghiệp, thậm chí thi đấu ở V.League.

Khoảng thời gian 7 năm ăn tập cùng nhau giúp lứa U19 HAGL khi trình làng người hâm mộ năm 2013 đã ngay lập tức tạo nên cơn sốt. Họ chơi ăn ý, hiểu nhau, phối hợp bài bản dựa trên nền tảng kỹ thuật cá nhân rất tốt. Ấn tượng đó không thể có được ở lứa U19 HAGL hiện giờ.

Lứa U19 HAGL hiện tại bao gồm học viên khóa III của Học viện và các cầu thủ khác của Năng khiến HAGL. HLV Guillaume Graechen phải “nhào nặn” 2 lớp cầu thủ này thành một đội bóng đúng nghĩa. Đây là điều rất khó kể cả đối với một HLV nhà nghề, huống hồ Graechen được biết đến nhiều hơn với tư cách một chuyên gia đào tạo trẻ.

Khóa III học viện HAGL lúc đầu chỉ tuyển được 4 học viên gồm Huỳnh Tuấn Vũ (Phú Yên), Nguyễn Duy Tâm (Lạng Sơn), Huỳnh Văn Hải (Đaklak) và Phan Hồ Khải (Đồng Nai). Số này được ký hợp đồng đào tạo dài hạn trong 7 năm, bắt đầu từ tháng 8/2013.

vi sao bau duc chua tao ra nhung cong phuong tuan anh tiep theo

Huỳnh Tuấn Vũ - thủ khoa đầu vào của khóa III vẫn chưa thi đấu cho đội U19 HAGL hiện tại.

Học viện HAGL còn đưa 5 nhân tố khác vào chế độ chờ gồm: Lê Minh Bình (Bình Phước), Võ Hoàng Uy (Ninh Thuận), Nguyễn Duy Kiên (Thanh Hóa), Lê Minh Hiếu (Phú Thọ) và Nguyễn Duy Thắng (Gia Lai). Họ được đào tạo trong 1 năm, nếu có tiến bộ sẽ ký dài hạn.

Cuối năm đó, khóa III của học viện bổ sung thêm 5 tài năng nhí gồm: Nguyễn Duy Liêm (TP.Hồ Chí Minh), Cao Hoàng Tú (Đắk Lắk), Phan Lạc Nam (Hải Phòng), Hoàng Vĩnh Nguyên (Hà Tĩnh), Trần Gia Huy (Thanh Hóa). Một số học viên sau đó được chuyển sang tập luyện cùng khóa IV và vẫn chưa được trình làng.

Trong thời gian này, một số địa phương không cho phía HAGL vào tuyển người. Đây cũng là giai đoạn mà một số lò đào tạo khác như PVF, Viettel, Hà Nội cũng tuyển sinh rầm rộ. Về nhiều mặt, các lò này còn có nhiều thuận lợi hơn cơ sở tại Hàm Rồng. Vì thế, chất lượng cầu thủ đầu vào của HAGL không cao như khóa I, II. Đây chính là xuất phát điểm khiến lứa trẻ của bầu Đức hiện tại không được đánh giá cao bằng thế hệ đàn anh.

Những thay đổi trong cách đào tạo

Khóa I, II, các học viên có đến 3-4 năm tập chơi bóng bằng chân trần, để có được cảm giác bóng tốt nhất, phát triển xương bàn chân hết cỡ rồi mới tập giày. Mãi đến đầu năm 2013, lứa cầu thủ này mới tập hợp lại thành một đội tham dự Sanix Cup tại Nhật Bản. Với 6 năm ăn tập cùng nhau, lứa của Công Phượng thi đấu ăn ý, đẹp mắt gần như chuyện… đương nhiên.

vi sao bau duc chua tao ra nhung cong phuong tuan anh tiep theo

U19 HAGL hiện tại trộn chung các cầu thủ của học viện và năng khiếu chứ không phân biệt rạch ròi như trước.

Ngược lại, khóa III hiện tại không có nhiều thời gian để chuyên tâm phát triển kỹ thuật. Họ tập với giày từ sớm, đội hình bị xáo trộn rất nhiều khi tập cùng các cầu thủ từ năng khiếu nên không thể có được sự hiểu nhau như lứa đàn anh. Tính đến nay, lứa U19 của HAGL mới có chưa đầy 5 năm ăn tập cùng nhau.

“Tôi mất 2 năm làm HLV tại V.League khi trở lại khóa III, đồng thời không ăn tập cùng họ ngay từ đầu nên chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng của tôi, phải cần thêm thời gian để học hỏi. Họ đang chịu nhiều áp lực, nhất là khi so sánh khá nhiều với lứa I của Công Phượng. Họ phải học cách đối diện với áp lực và sự thay đổi liên tục trong trận đấu", HLV Graechen lý giải.

Trước đây, ở HAGL có sự phân biệt rất rõ giữa cầu thủ của học viện và năng khiếu. Nhưng dần dần, giáo án tập luyện giữa 2 hệ thống đào tạo không có nhiều khác biệt. Trưởng đoàn bóng đá CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh chia sẻ rằng, đội bóng có mô hình đào tạo theo kiểu hình chóp, với đỉnh là đội 1.

Do đó, hai năm gần đây, cầu thủ của 2 hệ thống thường được trộn vào nhau để thi đấu các giải. Mục đích cuối cùng là tạo ra những sản phầm ưng ý nhất, cung cấp cho đội 1 và xa hơn là thi đấu cho các ĐTQG.

Với cách này, lứa U19 HAGL không mang đến những pha bóng đẹp mắt nhưng bù lại họ chuyên môn hóa vị trí sớm hơn, có thực tiễn thi đấu nhiều hơn so với các đàn anh. Đội hình hiện tại có 3-4 nhân tố được đánh giá cao là Trần Bảo Toàn, Lê Minh Bình hay Dụng Quang Nho. Các thành viên này đều góp mặt trong thành phần U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn, vượt qua vòng loại châu Á.

Bầu Đức vẫn đang hái quả ngọt

Ở cùng độ tuổi 17-18, rõ ràng lứa U19 HAGL không để lại nhiều ấn tượng như thế hệ đàn anh. Tuy nhiên quá trình đào tạo của họ sau 2 năm nữa mới kết thúc. Việc kết luận họ trở thành cầu thủ hay hoặc dở vào lúc này đều mang tính vội vàng. Bản thân HLV Graechen cũng nhấn mạnh rằng, điều ông cần nhất ở lứa này vẫn là thời gian, để các cầu thủ hiểu được triết lý chơi bóng mà ông muốn truyền đạt.

Nhìn rộng ra, hệ thống đào tạo trẻ của HAGL vẫn đang có sự phát triển đồng đều. Hai năm qua, các đội trẻ U13, U15 của họ đã đăng quang ở sân chơi quốc gia. Họ cũng tham dự đầy đủ các giải trẻ do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức chứ không bỏ một số giải như các năm trước.

HAGL là một trong số không nhiều đội bóng tại V.League sử dụng gần như toàn bộ cầu thủ “cây nhà, lá vườn”. Bầu Đức vẫn rất tâm huyết với công tác đào tạo trẻ, thường xuyên cho đăng cai các giải đấu vòng loại. Đội bóng phố núi cũng cho quân đi sang Hàn Quốc, Nhật Bản thi đấu theo kiểu hợp tác qua lại. Cầu thủ của HAGL vẫn có chỗ đứng tại các ĐTQG, dù không áp đảo như trước. Đó là điều rất đáng ghi nhận.

Xét cho cùng, càng có nhiều lò đào tạo trẻ chất lượng, bóng đá Việt Nam càng được hưởng lợi. HLV Graechen không ưng ý về khóa III nhưng lại hết lời khen ngợi các cầu thủ khóa IV. Ông cho rằng thế hệ này có những người tấn công rất tốt không kém Xuân Trường hay Công Phượng. Đó là điều đáng để chờ đợi.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast