Phải hiểu đúng quy định không sử dụng lao động nữ

Người dân cần phải phân biệt giữa việc không được sử dụng lao động nữ khác với phụ nữ không được làm.

Thông tư số 26 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội qui định danh mục 77 công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không được sử dụng lao động nữ chính thức có hiệu lực từ hôm 15/12. Thêm một lần nữa, việc quan tâm bảo vệ lao động nữ bằng luật pháp được cụ thể hóa, song nếu vẫn còn cách hiểu sai lệch thì những qui định đầy nhân văn ấy khó mà đi vào thực tế được.

Theo quy định mới, phụ nữ không được làm những công việc nặng nhọc (Ảnh: Tuổi trẻ)
Theo quy định mới, phụ nữ không được làm những công việc nặng nhọc (Ảnh: Tuổi trẻ)

Quan tâm bảo vệ sức khỏe của lao động nữ đã được làm từ lâu rồi và làm thường xuyên, liên tục bằng nhiều chính sách và qui định khác nhau. Hàng chục năm trước, Bộ Lao động (tên gọi hồi đó) và Bộ Y tế đã có Thông tư liên bộ qui định 16 nhóm việc không được sử dụng lao động nữ, bao gồm hơn một trăm công việc cụ thể.

Hai năm trước đây là Thông tư liên tịch qui định 79 công việc thuộc diện này. Còn Thông tư mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội có hiệu lực từ ngày 15/12/2013 thì qui định 77 công việc không được sử dụng lao động nữ, thay thế cho Thông tư liên tịch trước đây. Trong đó, 38 công việc áp dụng với tất cả lao động nữ, 39 công việc áp dụng với lao động nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Kể ra như vậy để thấy rằng, những công việc ấy đã được các cơ quan quản lý tìm hiểu rất kỹ, thấy rõ sự nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm không phù hợp với nữ giới, nên không được sử dụng lao động nữ. Tuy nhiên, ở đây xin nói về cách hiểu qui định đó, bởi nếu không sẽ nhìn nhận sai lệch chính sách tốt đẹp này.

Không được sử dụng lao động nữ có nghĩa là cấm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động nữ; chứ không phải là cấm nữ giới làm. Thực tế trước đây và cả bây giờ vẫn có rất nhiều lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ấy. Nếu không cho sử dụng thì họ chưa biết và cũng không dễ gì tìm ngay được công việc khác thay thế.

Hiện nay, cả nước có gần 30 triệu lao động nữ và mỗi năm con số này lại tăng thêm khoảng nửa triệu. Do thiên chức nên phụ nữ thiệt thòi hơn nam giới trong cơ hội học tập và tìm việc làm. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng nếu mở rộng danh mục không được sử dụng lao động nữ thì vấn đề việc làm cho họ lại càng thêm thách thức, chưa kể việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở nước ta vốn chưa ăn khớp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thị trường lao động thiếu ổn định, bền vững.

Một vấn đề nữa là cơ quan chức năng và các địa phương cần thanh tra, kiểm tra sát sao để xử lí nghiêm những chủ sử dụng lao động cố tình bỏ qua, phớt lờ những qui định ấy. Bởi đa số lao động nữ, nhất là lao động giản đơn vì miếng cơm manh áo nên cũng chẳng biết mình cần được bảo vệ như thế nào. Qui định rất nhân văn nhưng có khả thi hay không nằm ở chính chỗ này. Tại sao tình trạng nữ công nhân ở các khu công nghiệp và khu chế xuất vứt bỏ con sơ sinh không giảm? Nhiều trường hợp do sa ngã, nhưng cũng không ít trường hợp do sợ mất việc làm. Hay cơ quan chức năng nào, địa phương nào đã điều tra cụ thể xem có bao nhiêu lao động nữ phải thường xuyên nhận việc làm thêm, làm ngoài giờ mà thu nhập vẫn thấp so với mặt bằng sinh hoạt? Để đắp đổi cuộc sống, họ còn cách nào khác hơn là phải nhận làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm?

Vậy nên, để thực hiện những qui định nhân văn ấy thì vai trò quan trọng thuộc về công đoàn và Hội Phụ nữ. Cán bộ công đoàn, cán bộ phụ nữ phải có cơ chế hoạt động độc lập với chính sách cụ thể. Họ cũng cần có cơ sở pháp lý để bảo vệ chính họ, bởi vì giới chủ sử dụng lao động thường né tránh không quan tâm tới nhu cầu tối thiểu của người lao động, nhất là lao động nữ.

Những người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân; hiểu biết pháp luật và tuân thủ nghiêm luật pháp. Lao động nữ vì cuộc sống mà nhận việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là một chuyện, nhưng người sử dụng lao động cố tình hiểu sai lệch qui định ấy để tìm cách giảm chi phí lao động lại là một chuyện khác. Đó là chuyện vi phạm pháp luật.

Xin nhắc lại, danh mục 77 công việc mới được Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội ban hành là không sử dụng lao động nữ, chứ không phải là những công việc phụ nữ không được làm. Chế tài này để điều tiết các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động, chứ không phải để điều tiết lao động nữ./.

Giang Trung Sơn

Nguồn: Vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast