Ly hôn gia tăng và những hệ lụy (bài 3): Xây dựng nền tảng hôn nhân bền vững

(Baohatinh.vn) - Một nền móng vững chãi sẽ là điểm tựa lớn để hôn nhân trụ vững qua những cơn giông bão. Khi vợ chồng nhận thức vai trò, trách nhiệm của chính bản thân mình, biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ để vun vén hạnh phúc, sẽ hạn chế đáng kể tỷ lệ ly hôn.

Ly hôn gia tăng và những hệ lụy (bài 3): Xây dựng nền tảng hôn nhân bền vững

Chăm sóc con cái, vun vén gia đình hạnh phúc là niềm vui, trách nhiệm cao cả của những người mẹ, người vợ nhằm gắn kết với các thành viên (Trong ảnh: chị Võ Thị Hoa - thành viên Câu lạc bộ Nông thôn mới - gia đình hạnh phúc - xã Kỳ Châu - Kỳ Anh đang hướng dẫn con làm bài tập về nhà). Ảnh: Đình Nhất

Sau hòa giải lại yên ấm

Theo Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nghi Xuân Trần Xuân Ngân, để giảm thiểu tình trạng ly hôn… “nóng” như hiện nay, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về hôn nhân và gia đình cho các đối tượng nằm trong độ tuổi kết hôn, nhất là những người trẻ và ở vùng nông thôn. Từ đó nhằm trang bị cho người dân kiến thức, nhận thức đúng đắn về vấn đề hôn nhân.

Bà Trịnh Thị H. (gần 60 tuổi, xã Xuân Thành, Nghi Xuân) nhớ lại sóng gió hôn nhân: Sau nhiều mâu thuẫn không có điểm dừng, năm 2018, hai vợ chồng ông bà đi tới quyết định ly hôn. Nguyên nhân xuất phát từ việc bà H. cho rằng, chồng mình thiếu sự đồng cảm, chia sẻ, dẫn tới tình cảm vợ chồng ngày càng lạnh nhạt. Dù rất nhiều lần được con cái khuyên bảo, vun đắp, song ông bà vẫn kiên quyết chấm dứt hôn nhân.

Tuy nhiên, sau nhiều lần được chính quyền địa phương, cán bộ hội phụ nữ tích cực vận động, hòa giải, vợ chồng dần hàn gắn được những rạn nứt, nhận ra sai lầm của bản thân và đoàn tụ, gia đình lại yên ấm, hạnh phúc.

Ly hôn gia tăng và những hệ lụy (bài 3): Xây dựng nền tảng hôn nhân bền vững

Vợ chồng chịu khó ngồi lại với nhau sẽ giúp hóa giải sai lầm dẫn đến đổ vỡ

Gần 10 năm đảm nhận vai trò hòa giải viên, anh Lê Xuân Cường - cán bộ tư pháp thị trấn Thạch Hà nhớ lại câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ.

Do đặc thù công việc, anh chồng thường xuyên vắng nhà, “cắm rễ” tại các công trình xây dựng; vợ ở nhà chu toàn việc nội trợ. Chị này hay ghen tuông vô cớ nên buông lời xúc phạm, mạt sát chồng và cho rằng, anh trăng hoa khi có đồng nghiệp nữ nào gọi điện đến. Những trận cãi vã cứ thế tích tụ lâu ngày, trong cơn nóng giận, người vợ kiên quyết đâm đơn ly hôn.

Hiểu được bản chất của vấn đề, anh Cường đã cùng với cán bộ phụ nữ kiên trì, miệt mài khuyên giải người vợ. “Mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian, chị vợ dần hiểu chuyện và thay đổi. Từ đó đến nay, cãi vã, xích mích đã không còn “gõ cửa” cuộc sống hôn nhân của anh chị.

Hãy biết lắng nghe và chia sẻ

Những câu chuyện trên là minh chứng cho thấy sự thành công trong công tác tuyên truyền, vận động của các đoàn thể, tổ chức xã hội về xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong đó, phải kể đến hoạt động hiệu quả của các câu lạc bộ “gia đình hạnh phúc”.

Gần 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc - Nông thôn mới” thôn Phú Thành (xã Xuân Thành, Nghi Xuân) trở thành nơi gắn bó với 34 cặp vợ chồng.

Bằng những buổi sinh hoạt nhẹ nhàng, thông qua nhiều hình thức, Câu lạc bộ lồng ghép tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình…

Câu lạc bộ đã giúp các thành viên sẻ chia, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, học hỏi lẫn nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ly hôn gia tăng và những hệ lụy (bài 3): Xây dựng nền tảng hôn nhân bền vững

Việc giữ lửa hôn nhân cho mỗi cặp vợ chồng không thể thiếu sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, xã hội trong công tác hòa giải.

“Vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm trong xây dựng gia đình, biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau “chồng bảo vợ nghe, vợ nói chồng đồng tình”. Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ bớt cái tôi, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra, cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề. Điều quan trọng, phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình”, Trưởng ban Kinh tế - Gia đình - Xã hội Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thu Hương cho biết.

Sau khi chia tay, dù con ở với bố hay với mẹ, người còn lại cũng cần duy trì nếp sinh hoạt bình thường cho con trẻ. Không trở nên chiều chuộng hay nghiêm khắc hơn và luôn đồng hành cùng con trẻ để chúng có được những kỹ năng tự lập, tự chịu trách nhiệm về hành vi. Đây sẽ là những liều thuốc xoa dịu các chấn thương tâm lý cho trẻ, giúp trẻ trở nên mạnh mẽ, biết đương đầu với cuộc sống.
TS Nguyễn Văn Tịnh, Trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục Trường ĐH Hà Tĩnh

Bên cạnh đó, cần lồng ghép và tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân - gia đình, vai trò của gia đình trong nhân dân thông qua các cuộc họp tổ dân phố, họp công đoàn, sinh hoạt chi bộ, chi hội phụ nữ; thường xuyên mở các cuộc thi về chủ đề hạnh phúc gia đình để gắn kết tình cảm giữa các thành viên với nhau.

Đồng thời, thông qua công tác tuyên truyền, trang bị thêm các kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... nhằm giữ lửa hôn nhân, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast