TAND huyện Cẩm Xuyên là một trong những tòa án cấp huyện thụ lý, giải quyết án hôn nhân gia đình có tỷ lệ cao nhất tại Hà Tĩnh
Khi ly hôn trở thành... vấn nạn
“Tỷ lệ án ly hôn có xu hướng tăng mạnh trong 3 năm gần đây, chiếm tỷ lệ cao (từ 70-80%) và vượt xa các loại án, việc do tòa thụ lý” là câu trả lời chung của các thẩm phán khi đề cập tới vấn đề này.
Từ ngày 1/12/2018 đến thời điểm hiện tại, trung bình một tháng, các thẩm phán TAND cấp huyện thụ lý khoảng 10 - 15 vụ ly hôn. Trong đó, một số tòa án địa phương có tỷ lệ thụ lý, giải quyết án ly hôn cao trong năm như: TP Hà Tĩnh 180 vụ, Cẩm Xuyên 150 vụ, huyện Kỳ Anh 122 vụ, Nghi Xuân 127 vụ, Thạch Hà 111 vụ.
Tại phiên giải quyết hôn nhân gia đình vào ngày 30/9/2019 tại TAND tỉnh, chỉ duy nhất người chồng là anh Lê Đăng S. (SN 1964, trú TP Hà Tĩnh) có mặt. Vợ anh S. - chị Đào Thị Lệ X. (SN 1971) vắng mặt.
Theo trình bày của người chồng, ngày 16/7/1991, anh chị ký vào đơn đăng ký kết hôn, nguyện cùng nhau đi hết cuộc đời. 20 năm đồng cam cộng khổ và có với nhau 3 mặt con, năm 2011, bão tố giáng xuống mái ấm gia đình khi chị X. làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất do vay nặng lãi.
Không chịu nổi cuộc sống bí bách, tháng 3/2017, chị X. đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Síp. Do khoảng cách xa xôi về địa lý, hai vợ chồng không có điều kiện để hàn gắn mâu thuẫn. Từ đó đến nay, anh S. và chị X. - mỗi người chọn cho mình một hướng đi riêng.
Xuất khẩu lao động đã đưa tới nguồn ngoại tệ lớn cho xã Cương Gián (Nghi Xuân) nhưng kéo theo đó là nhiều gia đình tan vỡ. Đây cũng là một trong những xã có tỷ lệ ly hôn cao. Ảnh Hoài Nam
Chánh án TAND huyện Kỳ Anh Hoàng Ngọc Tùng phân tích: Quan niệm ngày càng “thoáng” trong cuộc sống hôn nhân khiến nhiều cặp vợ chồng dễ đi đến quyết định ly hôn khi cảm thấy đối phương không còn phù hợp. Đáng lo ngại, án ly hôn gia tăng là hệ lụy nhãn tiền của sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi người chồng/người vợ mở rộng làm ăn kinh tế, xuất khẩu lao động, có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người sẽ dẫn tới sự so sánh với bạn đời của mình. Do đó, họ lạnh nhạt, thờ ơ trong cuộc sống hôn nhân rồi ngoại tình và dẫn đến ly hôn.
Một số trường hợp ly hôn còn xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Trong nhiều trường hợp, ly hôn cũng là con đường duy nhất để người vợ thoát khỏi bạo lực gia đình khi họ không thể nhẫn nại, chịu đựng cuộc sống địa ngục với những trận đòn roi từ người chồng rượu chè, cờ bạc...
Tại phiên tòa xử ly hôn vào ngày 18/6/2019, chị Nguyễn Thị K. (SN 1979) chua chát: Chị và chồng là anh Phạm Danh Ng. (SN 1976, trú xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên) kết hôn vào ngày 17/10/2000. Vợ chồng sống hạnh phúc với nhau được 4 năm thì phát sinh mâu thuẫn. 19 năm kết hôn, 15 năm chị phải sống trong tủi nhục, nước mắt khi chịu đựng người chồng suốt ngày rượu chè, đánh đập, không có trách nhiệm với vợ con.
Quá đau khổ, ngày 15/3/2019, chị đâm đơn xin ly hôn lên TAND huyện Cẩm Xuyên để tìm lối thoát.
Án ly hôn tăng, tuổi đương sự giảm
Ngoài số lượng ngày càng tăng thì nguyên đơn trong các vụ ly hôn ngày càng trẻ hóa, phần lớn là các 9X (chiếm tỷ lệ 80%); nhiều cặp đôi hôn nhân chỉ kéo dài từ 1 - 2 năm.
Minh họa của Huy Tùng
Ngày 10/12/2013, chị Hoàng Thị C. quyết định “góp gạo thổi cơm chung” cùng anh Lê Quang H. (SN 1991, trú thôn 7, Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) khi vừa tròn 18 tuổi. Tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ càng hạnh phúc khi có sự hiện diện của thiên thần nhỏ. Tưởng rằng, cuộc sống hôn nhân sẽ êm đềm trôi qua nhưng sau 5 năm chung sống, những vết rạn đã bắt đầu xuất hiện.
Do không có nghề nghiệp ổn định, anh H. theo đám bạn chơi bời lêu lổng, không chú tâm làm lụng, chăm chút cho gia đình. Chiếc xe máy - tài sản bao năm vợ chồng gom góp để làm ăn cũng trở thành khách quen của tiệm cầm đồ.
Quá mệt mỏi, chán nản sau những lần không tìm được tiếng nói chung, 2 vợ chồng quyết định ly thân vào tháng 10/2018. Xét thấy không còn tình cảm với người bạn đời, ngày 26/12/2018, chị C. đến TAND huyện Cẩm Xuyên nộp đơn xin ly hôn.
Theo Chánh án TAND huyện Thạch Hà Nguyễn Thành Nhân, độ tuổi ly hôn đang có xu hướng trẻ hóa. Các cặp vợ chồng kết hôn ở độ tuổi còn quá trẻ , tâm sinh lý chưa thực sự ổn định, chưa có sự chuẩn bị về kiến thức và kĩ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân.
Chánh án TAND huyện Thạch Hà Nguyễn Thành Nhân trăn trở: Trước đây, độ tuổi ly hôn thường nằm trên ngưỡng 35 tuổi, thì nay, có xu hướng trẻ hóa từ 18 tuổi. Các cặp vợ chồng kết hôn ở độ tuổi còn quá trẻ, tâm sinh lý chưa thực sự ổn định, chưa có sự chuẩn bị về kiến thức và kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân.
Không ít người chưa có việc làm, sau khi kết hôn phải tự lo cho cuộc sống riêng, trong khi điều kiện kinh tế chưa đảm bảo nên phát sinh mâu thuẫn. Không chỉ vậy, một số khác trước khi kết hôn chưa có đủ thời gian tìm hiểu nhau, sau khi chung sống họ bất đồng quan điểm, tính tình không hợp. Đa số các cặp vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn không cùng nhau tìm cách tháo gỡ hay nhờ sự giúp đỡ của gia đình và các tổ chức đoàn thể để được góp ý, hòa giải mà đã vội đến tòa án yêu cầu được ly hôn.
Ly hôn là cần thiết để bảo đảm quyền tự do trong hôn nhân và để củng cố hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Thế nhưng, tỷ lệ ly hôn tại Hà Tĩnh quá lớn và đang gia tăng qua từng năm. So với cùng kỳ năm 2018 thì 9 tháng năm 2019, tại Thạch Hà tăng 10 vụ, Cẩm Xuyên tăng 20 vụ, TP Hà Tĩnh tăng 10 vụ, huyện Kỳ Anh tăng 15 vụ…
Theo dự báo, dựa trên thực tiễn xét xử như hiện tại, từ nay đến cuối năm 2019, lượng án ly hôn các tòa phải thụ lý, giải quyết sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đây quả thực là con số đáng báo động, báo hiệu những hệ lụy khôn lường...