Mỹ lo thiếu tàu ngầm vì AUKUS

Với việc năng lực của các cơ sở đóng tàu ngầm quân sự tại Mỹ có hạn, Washington có thể phải đắn đo trước quyết định đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia ngay trên đất Mỹ.

Mỹ lo thiếu tàu ngầm vì AUKUS

Trong một cuộc tọa đàm trực tuyến hồi cuối tháng 8, chuẩn đô đốc Scott Pappano, lãnh đạo chương trình tàu ngầm chiến lược của Hải quân Mỹ, bày tỏ lo ngại việc giúp đỡ Australia đóng tàu ngầm hạt nhân sẽ gây thêm áp lực lên các xưởng đóng tàu vốn đã quá tải tại Mỹ.

“Việc bổ sung thêm dự án đóng tàu ngầm tại các cơ sở công nghiệp sẽ gây hại cho chúng tôi vào lúc này, nếu không có nguồn đầu tư đáng kể để gia tăng năng lực”, ông Pappano trả lời khi được hỏi rằng liệu việc giúp đỡ Australia theo hiệp định AUKUS có tác động đến chương trình tàu ngầm của Mỹ hay không.

Vị chuẩn đô đốc cho rằng London cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề tương tự Washington.

Khi đội tàu ngầm của nước Mỹ đứng trước nguy cơ sụt giảm về số lượng trong thập kỷ tới, mối lo của ông Pappano sẽ có thể quyết định phương hướng tương lai của AUKUS - liên minh được dự báo có tác động không nhỏ đến cán cân lực lượng ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tính toán của bộ ba

Được ký kết tháng 9/2021, AUKUS là hiệp định hợp tác quốc phòng thế hệ mới giữa Australia, Anh và Mỹ. Theo thỏa thuận, London và Washington sẽ giúp Canberra đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ngay trên lãnh thổ Australia.

Một thông cáo của Nhà Trắng hồi tháng 9 vừa qua cho biết chính phủ Australia sẽ dùng khu vực gần xưởng đóng tàu Osborne, thành phố Adelaide, bang Nam Australia để làm công xưởng theo thỏa thuận. Trong khi đó, London và Washington sẽ chia sẻ các thông tin tuyệt mật về mặt kỹ thuật.

Trong thời gian gần đây, các bên đã đàm phán về việc đóng những con tàu đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ hoặc Anh để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Mỹ lo thiếu tàu ngầm vì AUKUS

Tàu ngầm HMAS Sheean của Hải quân Australia tại cảng Hobart, Tasmania, tháng 4/2021. Ảnh: Hải quân Australia.

Trong bài viết trên Strategist hồi tháng 6, hai nhà phân tích Australia Marcus Hellyer và Andrew Nicholls đề xuất các bên nên tính đến phương án đóng các con tàu đầu tiên ở nước ngoài và đóng các con tàu còn lại ở Australia. Bằng cách này, nhân lực của xưởng đóng tàu sẽ được huấn luyện ở môi trường thực tế.

Nhưng bình luận của tướng Pappano đặt ra câu hỏi về tính khả thi của lựa chọn này. Vị chuẩn đô đốc cho biết thách thức lớn nhất hiện nay là đảm bảo nguồn nhân lực làm việc ở nhà máy đóng tàu trong bối cảnh lực lượng lao động Mỹ dịch chuyển từ ngành công nghiệp sang ngành dịch vụ.

Sự thận trọng của ông Pappano phần nào đến từ việc nước Mỹ cũng có nhu cầu nâng cao năng lực tàu ngầm của mình. Theo các chuyên gia quân sự, trong kịch bản xung đột nổ ra liên quan đến đảo Đài Loan, hệ thống tên lửa chống hạm của Trung Quốc sẽ khiến đội tàu mặt nước của Mỹ không thể đi vào eo biển Đài Loan.

“Quân đội Mỹ đang hướng đến tàu ngầm vì chúng có thể vận hành an toàn trong môi trường A2/AD”, chuyên gia Tetsuo Kotani tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản cho biết.

A2/AD là viết tắt của cụm từ “chống tiếp cận/chống xâm nhập”, tức chiến lược ngăn đối thủ tiếp cận những khu vực nhất định, bao gồm các tuyến đường hàng hải, hàng không thiết yếu. Đây được coi là một trong những chiến lược sẽ gây cho Mỹ nhiều rắc rối.

Theo ông Pappano, sản lượng tàu ngầm của Mỹ trong năm tài khóa 2025 dự kiến gấp 5 lần số liệu năm 2020. Các công việc sẽ được thực hiện thêm bao gồm tăng gấp đôi số tàu ngầm lớp Virginia được đóng trong một năm - từ một tàu lên hai tàu - cũng như phát triển phiên bản mới Block V của lớp tàu này.

Block V dài hơn các phiên bản cũ của lớp tàu Virginia 25 m và được trang bị ống phóng thẳng đứng cho thêm 28 tên lửa hành trình Tomahawk. Trong khi đó, tới cuối thập niên này, quân đội Mỹ sẽ đẩy mạnh sản xuất các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới thuộc lớp Columbia.

Việc gia tăng sản lượng tàu ngầm phản ánh nhu cầu tái nâng cao năng lực của Mỹ sau quãng thời gian cắt giảm chi phí cho tàu ngầm hậu Chiến tranh Lạnh.

Mỹ lo thiếu tàu ngầm vì AUKUS

Chuẩn đô đốc Scott Pappano (giữa), lãnh đạo chương trình tàu ngầm chiến lược của Hải quân Mỹ, bày tỏ lo ngại về năng lực đóng tàu ngầm của nước này. Ảnh: Hải quân Mỹ.

“Với việc các tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio ‘nghỉ hưu’ hàng loạt, tổng số tàu ngầm mà Mỹ sở hữu sẽ sụt giảm trong thập niên 2020”, ông Kotani cho biết.

Ông Kotani cũng chỉ ra một trong những mục tiêu của AUKUS là “lấp khoảng trống” năng lực của Mỹ bằng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia. Hiện chỉ có 6 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân: Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Ấn Độ.

Nỗi lo thiếu tàu ngầm

Việc sức mạnh quân sự Trung Quốc tăng lên nhanh chóng khiến các nhà hoạch định chiến lược quân sự Mỹ phải suy tính lại. Một trong những mối lo lớn nhất của họ là khả năng các tàu ngầm lớp Columbia chưa sẵn sàng vận hành khi lớp tàu Ohio nghỉ hưu, bất chấp việc số năm hoạt động của lớp tàu này đã được gia hạn từ 30 năm lên 42 năm.

Ông Pappano cho biết Hải quân Mỹ đang làm việc với các đối tác đóng tàu để có thể nhận các tàu lớp Columbia 6 tháng sớm hơn dự kiến, qua đó giảm thời gian bàn giao từ 84 tháng xuống 78 tháng.

“Chúng tôi đang chậm tiến độ so với kịch bản 78 tháng”, ông Pappano thừa nhận. “Chúng tôi vẫn đi nhanh hơn thời hạn 84 tháng, nhưng rủi ro vẫn hiện hữu".

“Mục tiêu của tôi là đảm bảo chúng tôi có thể hiện thực hóa lịch trình 78 tháng, trong khi giảm đến mức tối thiểu tác động tới việc đóng lớp tàu Virginia hay bất cứ tàu sân bay nào”, vị chuẩn đô đốc tuyên bố.

Chuẩn tướng Patrick Ryder, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, chia sẻ với Nikkei Asia rằng mục tiêu của AUKUS là tăng cường năng lực răn đe và đem tới sự ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng các đối tác.

“Tăng cường năng lực răn đe đồng nghĩa với việc thúc đẩy mọi cơ sở công nghiệp, tăng cường năng lực tập thể và chia sẻ công nghệ ở mức chưa từng có trước đây”, ông Ryder nói. “Mục tiêu của chúng tôi là giúp cả Mỹ và các đồng minh thân cận có thêm tàu ngầm trên biển. Đây không phải trò chơi có tổng bằng không”.

Mỹ lo thiếu tàu ngầm vì AUKUS

Một tàu ngầm của Mỹ ở xưởng đóng tàu Norfolk, bang Virginia. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Khi được hỏi về kế hoạch cụ thể - như việc các tàu ngầm được đóng ở đâu - ông Ryder cho biết các bên chưa đưa ra quyết định. “Dù vậy, việc tham vấn ba bên đang diễn ra. Mọi khả năng đang được nghiên cứu”, ông nói.

Ông Brent Sadler, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Heritage (Mỹ), cho biết bất chấp việc các xưởng đóng tàu tại Mỹ sẽ chịu thêm áp lực, nguồn vốn từ Australia sẽ giúp tăng cường năng lực để đáp ứng yêu cầu của AUKUS mà không ảnh hưởng đến tốc độ chương trình tàu ngầm của Mỹ.

“AUKUS và Columbia không nên cạnh tranh với nhau để giành lấy các nguồn lực hạn chế, điều có thể tác động tiêu cực đến cả hai chương trình”, ông Sadler nhận định.

Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng AUKUS chỉ nên là ưu tiên thứ hai của Washington. “Ưu tiên của Mỹ nên là có được các tàu lớp Columbia đúng thời hạn. AUKUS là vấn đề thứ yếu”, ông nói.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast