Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

(Baohatinh.vn) - Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia nhiều ý kiến thiết thực về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chiều 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận cùng các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Ninh Thuận. Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận Tổ 15.

Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tại Tổ 15 cùng các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Ninh Thuận.

Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả trong công tác thanh tra

Thảo luận tại tổ về Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu khẳng định, thanh tra có vai trò hết sức quan trọng; là nội dung không thể thiếu trong quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng trong chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước; qua thanh tra để khắc phục những sơ hở, yếu kém, đề ra các giải pháp nhằm quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn; ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải có thanh tra.

Đại biểu cũng ghi nhận, thời gian qua, thực hiện Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật, các quy định liên quan, công tác thanh tra đã góp phần rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tuy vậy, đại biểu cũng cho rằng quá trình thực hiện trong thực tiễn cũng phát sinh một số vấn đề cần phải được sửa đổi cho phù hợp.

Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận: Đề nghị giữ tổ chức thanh tra cấp huyện để giúp UBND và chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần hướng dẫn về tổ chức bộ máy, bố trí biên chế đảm bảo số lượng và chất lượng. Cần chuyển một số thanh tra sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập các phòng thanh tra chuyên ngành. Riêng thanh tra chuyên ngành có tính chất đặc thù như: y tế, giáo dục, NN&PTNT thì cần nghiên cứu, quy định thống nhất, áp dụng đồng bộ.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung quy định trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này như: Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, bộ máy, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức, bộ máy, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và thanh tra sở; việc thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước; về các hình thức thanh tra; trình tự, thủ tục thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán; mối quan hệ giữa Luật Thanh tra với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Đại biểu Phạm Đình Toản - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Nghiên cứu kỹ việc thành lập thanh tra cấp tổng cục, cục thuộc bộ, quy định rõ đầu mối, tránh chồng chéo; quan tâm quy định giới hạn tần suất; bổ sung quy định việc mời đại diện cơ quan chuyên môn cùng cấp tham gia làm thành viên đoàn thanh tra; thống nhất việc chuyển quy định thanh tra nhân dân vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời, các đại biểu phân tích, kiến nghị liên quan một số nội dung cụ thể như: Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ, chánh thanh tra bộ và chánh thanh tra cấp tỉnh; việc áp dụng biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tiền, tài sản trong quá trình thanh tra; việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; trả kinh phí cho hoạt động thanh tra; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Cần lấy người bệnh làm trung tâm

Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Đại biểu Hà Thọ Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần rà soát, bổ sung các quy định mang tính đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, trong đó bao gồm việc cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quy định tiêu chuẩn sức khoẻ đặc thù quân sự; tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám, chữa bệnh; việc huy động, điều động, phân công đối tượng thuộc thẩm quyền.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá cao công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân những năm qua, trong đó, lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh hơn. Một số dịch bệnh mới được ngăn chặn, khắc phục nhanh. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở đã được củng cố và phát triển.

Nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp, nhiều kỹ thuật y học cao được áp dụng. Chế độ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi đang được triển khai thực hiện. Những thành tựu đó là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất lớn của ngành y tế.

Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia: Luật cần quy định rõ nguyên tắc, hồ sơ, thẩm quyền, lộ trình việc chuyển đổi “chứng chỉ” sang “giấy phép” hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quy định rõ các hình thức cụ thể hơn để đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác y tế; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc của việc chuyển tuyến, chuyển cấp khám bệnh, chữa bệnh cũng như phạm vi thu dung khám, chữa bệnh của từng cấp.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, vì mục tiêu phát triển con người; các đại biểu thống nhất việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này là cần thiết với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung trong dự thảo luật như: Thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quy định về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh; các chức danh nghề nghiệp cần được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; việc sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam; hệ thống tổ chức cơ sở khám chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu: Cần quy định rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, kinh phí hoạt động của hội đồng y khoa; cần quy định cấp độ khám chữa bệnh trong tình hình phòng chống dịch; cần quy định tổ chức cơ sở khám chữa bệnh cho công nhân trong khu công nghiệp; cần quy định lồng ghép bình đẳng giới trong dự án luật.

Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể tại dự thảo luật về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh gắn liền với nâng cao chất lượng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu bổ sung và làm rõ các quy định về: Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh phi lợi nhuận; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ kỹ thuật cao; phát triển y tế cơ sở; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và một số vấn đề khác có liên quan.

Phát biểu thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đánh giá: sau gần 12 năm triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 và 11 năm triển khai thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cả hai luật này chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng và Hiến pháp năm 2013; quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra,chưa đáp ứng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong tình hình mới.

Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại tổ.

Về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng dự thảo đã đẩy mạnh phân quyền trên cơ sở phân định rành mạch và đề cao trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp với hoạt động kiểm tra, kiểm toán;sớm sơ kết mô hình tổ chức thanh tra với kiểm tra, việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra phải đặt trong tổng thể đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Luật Thanh tra và các luật khác có quy định về thanh tra.

Về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng sửa đổi luật lần này cần tập trung vào việc tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; lấy người bệnh làm trung tâm; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Vang mãi bài ca kết đoàn...

Vang mãi bài ca kết đoàn...

Hình thành và phát triển trong quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh dựng nước, giữ nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ở các thời kỳ lịch sử, truyền thống đó tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng luôn là sức mạnh vô địch, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi vẻ vang.
Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Hòa trong không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư ở Hà Tĩnh đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần gắn kết cộng đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết chuyên đề, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ cả nhiệm kỳ.