Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2024

(Baohatinh.vn) - Chiều 8/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Kết quả biểu quyết có 451/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 91,30%.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2024

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Quốc hội giám sát 4 chuyên đề quan trọng

Theo Nghị quyết, năm 2024, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề và Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát đối với 2 chuyên đề khác.

Chuyên đề giám sát tối cao thứ nhất sẽ được Quốc hội xem xét báo cáo giám sát tại kỳ họp thứ 7, về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1)” sẽ được Quốc hội xem xét báo cáo giám sát tại Kỳ họp thứ 7.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2024

Các đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tham gia phiên họp.

Chuyên đề giám sát tối cao còn lại là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2009 đến hết năm 2023” sẽ được Quốc hội xem xét báo cáo giám sát tại kỳ họp thứ 8.

2 chuyên đề được Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Nội dung giám sát tại Kỳ họp thứ 7

Theo Nghị quyết, nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tập trung vào 7 nhóm vấn đề xem xét các báo cáo của Chính phủ về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; báo cáo tài chính nhà nước năm 2022; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Quốc hội cũng xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; Xem xét các báo cáo về: việc thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An...

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2024

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Giám sát các nội dung tại Kỳ họp thứ 8

Kỳ họp cuối năm 2024, kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025; Kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021 - 2025: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2023; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2023;…

Cũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức trong giám sát

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến Chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ, căn cứ Chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời yêu cầu, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với khả năng, nguồn lực, nhất là việc thực hiện các chính sách, pháp luật ở địa phương. Chủ động phối hợp với các Đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, với Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân nhằm tránh chồng chéo./.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.