Thụy Sĩ và tham vọng “thay máu” hệ thống phòng không

Dù là quốc gia trung lập, nhưng vài năm gần đây, Thụy Sĩ đang tính toán kế hoạch “thay máu” hệ thống phòng không vốn đã già cỗi sau nhiều thập kỷ để đáp ứng với các mối nguy cơ trong tương lai gần. Và điều này đã được hiện thực hóa qua chương trình Air 2030 với hàng loạt vũ khí phòng không, máy bay chiến đấu mới trị giá tới 8 tỷ USD được Bern công bố mới đây.

Không còn thời gian để chậm trễ

Giới chức quốc phòng Thụy Sĩ tính toán, chương trình Air 2030 nếu bắt đầu từ thời điểm hiện tại sẽ mang lại sức sống mới cho hệ thống phòng không của nước này từ giữa những năm 2020 với mục tiêu giữ vững không phận quốc gia Trung Âu này trước mọi mối nguy cơ tiềm tàng.

Khi nói về chương trình Air 2030, Bộ trưởng Quốc phòng và An ninh dân sự Thụy Sĩ Guy Parmelin đánh giá, hiện tại, năng lực phòng không của Thụy Sĩ với các máy bay chiến đấu F/A-18C/D Hornet đã trở nên lỗi thời và không đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ tối thiểu. Mặt khác, sau nhiều thập kỷ sử dụng, chúng đã cũ và phần lớn đã ở cuối vòng đời sử dụng.

thuy si va tham vong thay mau he thong phong khong

Dù là quốc gia trung lập, nhưng Thụy Sĩ vẫn là quốc gia có chủ quyền, không phận cần được Quân đội bảo vệ.

Để thay thế cho các máy bay chiến đấu Hornet cũ, Thụy Sĩ đang cân nhắc nhiều phương án mua sắm mới. Các ứng cử viên sáng giá dành cho Không quân Thụy Sĩ là máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển, F/A-18E/F Super Hornet và F-35A của Mỹ.

Trong khi đó, lực lượng phòng không Thụy Sĩ có thể được tái trang bị bằng các tổ hợp tên lửa phòng không: SAMP / T của Tập đoàn châu Âu Eurosam, David Sling của Israel và Patriot của hãng chế tạo Raytheon (Mỹ). Với vũ khí phòng không mới, giới chức quốc phòng Thụy Sĩ hy vọng, 1/3 lãnh thổ nước này sẽ được bảo vệ bằng các vũ khí hiện đại và có hiệu năng chiến đấu cao với khả năng đánh chặn các mục tiêu bay nguy hiểm ở khoảng cách 50km, trần cao 12km. Còn theo trang tin quân sự Defense News, giới chức quân sự Thụy Sĩ mong muốn khi có tình huống khẩn cấp sẽ có ít nhất 4 máy bay chiến đấu có mặt trên không để bảo vệ không phận nước này.

Các thông tin liên quan tới chương trình Air 2030 sẽ tiếp tục được hoàn thiện và đệ trình lên Quốc hội Thụy Sĩ trong mùa Hè 2018. Nếu được thông qua, Bộ Quốc phòng và An ninh dân sự Thụy Sĩ sẽ tính toán các phương án và tổng chi phí thực hiện chương trình. Theo quy định của Hiến pháp Thụy Sĩ, quyết định cuối cùng về việc thực hiện Air 2030 sẽ thông qua một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn lãnh thổ Thụy Sĩ.

“Thay máu” là vấn đề cấp thiết

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, Thụy Sĩ quyết định nâng cấp hệ thống phòng không liên quan nhiều tới việc phần lớn các máy bay chiến đấu F-5E/F Tiger II, F/A-18C/D và tổ hợp vũ khí phòng không một phần là do chúng đã quá cũ và lạc hậu và phần còn lại là Thụy Sĩ dù là quốc gia trung lập, nhưng vẫn là quốc gia độc lập và cần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không phận.

Những vấn đề này không chỉ xuất hiện mới đây, mà đã được giới chức quân sự Thụy Sĩ đề cập từ cuối những năm 1990 với đề xuất mua các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa mới.

Chuyên gia Alexander Ermakov thuộc Trung tâm Các vấn đề quốc tế Nga đánh giá, một trong những vấn đề lớn hiện nay của Quân đội Thụy Sĩ là thay thế các máy bay F-5E/F Tiger II đã quá cũ.

“Phần lớn chúng đã hết niên hạn sử dụng và chỉ còn một nửa số máy bay F-5E/F của Thụy Sĩ còn sử dụng được, trong khi đó số máy bay còn lại được tháo dỡ để lấy phụ tùng thay thế. Điều này cũng tương tự với máy bay F/A-18C/D, dù tình hình có sáng sủa hơn. Tuy nhiên, Thụy Sĩ rõ ràng cần máy bay chiến đấu mới trước năm 2030”, chuyên gia Alexander Ermakov đánh giá.

Không quân Thụy Sĩ sẽ cần tối thiểu 20 máy bay chiến đấu mới tới và việc lựa chọn sẽ được thực hiện trước năm 2020. Nếu điều này không được đáp ứng, không phận quốc gia Trung Âu này sẽ trở thành khu vực không được bảo vệ.

Theo đánh giá của chuyên gia Alexander Ermakov, máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen của Thụy Điển có thể là lựa chọn hợp lý cho Thụy Sĩ. Dù quyết định lựa chọn dòng máy bay chiến đấu này từng bị phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 5-2014 với tỷ lệ 53,4% phản đối, nhưng JAS 39 rõ ràng đáp ứng được mọi yêu cầu về giá thành rẻ, chi phí sử dụng hợp lý, cũng như phù hợp với mục tiêu chiến đấu của Quân đội Thụy Sĩ. Trong khi đó, vũ khí phòng không sẽ là sự cạnh tranh của SAMP / T và Patriot. Tuy nhiên, sự lựa chọn sẽ diễn ra sớm với tình trạng trang bị và các vấn đề an ninh đặt ra hiện nay.

Thụy Sĩ luôn là quốc gia trung lập và không tham gia bất kỳ cuộc chiến nào trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, dù là quốc gia trung lập, Thụy Sĩ vẫn phải có nhiệm vụ bảo vệ không phận của mình.

thuy si va tham vong thay mau he thong phong khong

Chính vì là quốc gia trung lập, Thụy Sĩ là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức tài chính, chính trị quốc tế và chúng cần được bảo vệ.

“Thụy Sĩ có thể tự hào về chính sách trung lập của mình và không cần tham gia các chương trình tuần tra biên giới (thỏa thuận Benelux). Tuy nhiên, Thụy Sĩ vẫn cần phải bảo vệ không phận của mình vì nếu không làm điều đó là họ đã từ chối một phần chủ quyền”, chuyên gia Alexander Ermakov đánh giá.

Như vậy, dù không phải đối phó với các mối nguy cơ tiềm tàng trước mắt, nhưng giới chức quân sự Thụy Sĩ có lý do để đẩy mạnh thực hiện chương trình Air 2030 khi quốc gia này là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng tại Geneva, Davos, cũng như đảm bảo khả năng bảo vệ không phận trong vài thập niên tới.

Theo qdnd.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast