Quy trình tiếp quản quyền lực phi truyền thống của ông Trump

Ông Trump không tuân thủ các quy trình truyền thống trong quá trình tiếp quản quyền lực tổng thống đã được duy trì 140 năm qua.

Ngay sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã gấp rút tiến hành các bước bổ nhiệm nội các, xây dựng chính sách để có thể nhanh chóng thực thi các cam kết tranh cử của mình. Tuy nhiên, quá trình tiếp quản quyền lực của ông gây nhiều chú ý vì được thực hiện rất khác so với các đời tổng thống trước đó.

Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ hợp tác tối đa để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ và trong hòa bình. Thông thường, quá trình đó sẽ do Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) phụ trách, nhằm đảm bảo bộ máy với hơn 2,2 triệu công chức liên bang vẫn vận hành trơn tru trong thời kỳ chuyển tiếp.

GSA là cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan liên bang, có nhiệm vụ ký những thủ tục giấy tờ chính thức sau khi có tổng thống đắc cử, để chuyển hàng triệu USD, trao quyền tiếp cận cho các quan chức chính phủ, chuyển giao các văn phòng và thiết bị cho nhóm chiến thắng. Động thái này giống như tuyên bố chính thức từ chính phủ liên bang về tân tổng thống.

Theo quy trình được quy định trong Đạo luật Chuyển giao Tổng thống, Giám đốc GSA sẽ gửi thư cho Tổng thống đắc cử, thông báo bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Nhóm tiếp nhận của Tổng thống đắc cử kể từ thời điểm đó sẽ được hưởng nhiều đặc quyền về tài chính và an ninh để tiếp cận ngân sách liên bang cũng như tới các công sở liên bang để làm quen với quá trình chuyển giao quyền lực.

Nhưng Tổng thống đắc cử Trump đã bỏ qua những quy tắc này. Ông tới nay chưa nộp cam kết tuân thủ quy tắc đạo đức cho GSA để cơ quan này gửi thư thông báo. Các nhân viên trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông cũng không đến cơ quan công quyền liên bang để tiếp quản ngân sách, tài liệu.

Kể từ khi đắc cử, ông Trump hầu như chỉ ở dinh thự Mar-a-Lago tại Florida, đưa ra quyết định về nhân sự nội các và thông báo trên mạng xã hội. Khi điện đàm với các lãnh đạo trên thế giới, ông Trump dùng điện thoại riêng, không sử dụng kênh bảo mật hay phiên dịch viên của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Các cố vấn và người thân cận của ông Trump đã thừa nhận đây là quá trình "tiếp quản quyền lực thù địch", nhằm tránh phụ thuộc vào những quy trình và cơ quan mà ông cho là cũ kỹ, cồng kềnh và bị chính trị hóa.

"Người dân đã chọn đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng", Mike Davis, chủ tịch Article III Project, tổ chức phi lợi nhuận bênh vực Trump khi ông bị truy tố, nói với Washington Post. "Ông Trump không nên tin vào những cơ quan tình báo và hành pháp đã bị vũ khí hóa, chính trị hóa và cản trở ông trong nhiệm kỳ đầu".

Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu trước các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện ở Washington ngày 13/11. Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu trước các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện ở Washington ngày 13/11. Ảnh: AP

Theo một số đồng minh của Tổng thống đắc cử, ông Trump có sự ngờ vực sâu sắc với GSA, xuất phát từ những bất đồng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Sau khi ông Trump đắc cử lần đầu năm 2016, GSA đã nộp hàng nghìn thư điện tử của đội ngũ chuyển giao quyền lực cho Robert Mueller, công tố viên đặc biệt được bổ nhiệm để điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông Trump cho rằng số thư điện tử này đã bị thu thập trái phép.

Ông Trump cũng mất niềm tin vào Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi nội dung cuộc gọi giữa ông với tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong nhiệm kỳ đầu bị rò rỉ cho truyền thông.

Đây được coi là lý do ông Trump đến nay vẫn từ chối làm việc với GSA, chưa ký thỏa thuận để đội ngũ chuyển giao có thể sử dụng văn phòng, dịch vụ công nghệ thông tin và cơ sở vật chất khác. Phía Tổng thống đắc cử cũng chưa ký một bản ghi nhớ chung với Nhà Trắng.

Việc trì hoãn này tác động phần nào đến quá trình tiếp nhận quyền lực. Đội ngũ ông Trump không thể tham gia nghe báo cáo về an ninh quốc gia hay đến cơ quan liên bang, nhận báo cáo về các chiến dịch, dự án đang triển khai hay sử dụng kênh liên lạc bảo mật. Đây là yếu tố gây lo ngại trong bối cảnh chiến dịch của ông Trump cáo buộc tin tặc Iran tấn công hòm thư điện tử của họ.

"Mọi thứ đều nằm trong bản ghi nhớ chung với Nhà Trắng", Valerie Smith Boyd, giám đốc Trung tâm Chuyển giao quyền lực tổng thống, nói với Axios. "Đây là thỏa thuận giúp họ tiếp cận thông tin từ bất kỳ cơ quan liên bang nào".

Ông Trump chưa ký cam kết cũng đồng nghĩa đội ngũ chuyển giao của ông chưa thể tiếp cận 7 triệu USD từ ngân sách liên bang để chuẩn bị cho lễ nhậm chức vào tháng 1/2025. Chi phí tổ chức buổi lễ sẽ do các cá nhân tự đóng góp.

Giới chuyên gia cho hay cách tiếp quản quyền lực phi truyền thống này của ông Trump vẫn nằm trong khuôn khổ quy định pháp luật Mỹ, không vi phạm những điều luật hiếm khi được kích hoạt, nhưng làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch, làm suy yếu quá trình kiểm soát và cân bằng quyền lực, đe dọa an ninh quốc gia.

Cựu đại sứ Mỹ tại Bulgaria Eric Rubin gọi cách làm của ông Trump là "vượt hàng loạt ranh giới bất thành văn đã tồn tại trong quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống suốt 140 năm qua", nhưng cũng thừa nhận Tổng thống đắc cử có thể tận dụng thực tế là "nhiều quy định trong hệ thống chính trị Mỹ không được văn bản hóa".

Xuồng an ninh tuần tra xung quanh câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida, ngày 8/11. Ảnh: AFP
Xuồng an ninh tuần tra xung quanh câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida, ngày 8/11. Ảnh: AFP

Hiện chưa rõ ông Trump có yêu cầu ứng viên nội các nộp đánh giá đạo đức theo yêu cầu từ Văn phòng Đạo đức Chính phủ hay không. Nếu không, khi các vị trí được Thượng viện phê chuẩn, văn phòng này sẽ không thể đảm bảo họ sẽ thoái vốn khỏi các công ty, tập đoàn có thể gây ra tình trạng xung đột lợi ích.

Trong các ứng viên ông Trump lựa chọn có một số tỷ phú thuộc lĩnh vực tư nhân, đang điều hành công ty, như đề cử CEO Chris Wright của Liberty Energy làm bộ trưởng năng lượng hay CEO Howard Lutnick của Cantor Fitzgerald làm bộ trưởng thương mại.

"Xung đột lợi ích khiến họ dễ bị tác động từ bên ngoài, đặc biệt là bởi các cường quốc", Walter Shaub, lãnh đạo Văn phòng Đạo đức chính phủ giai đoạn 2013-2017, nói.

Brian Hughes, phát ngôn viên đội chuyển giao quyền lực, cho biết các luật sư đại diện Trump - Vance vẫn tiếp tục trao đổi với đồng nghiệp đại diện chính quyền Biden - Harris về tất cả thỏa thuận liên quan Đạo luật Chuyển giao quyền lực Tổng thống.

"Chúng tôi sẽ thông báo khi có quyết định được đưa ra", ông Hughes nói, nhưng không nêu thời điểm cụ thể.

vnexpress.net

Đọc thêm

Liên hợp quốc cảnh báo điều kiện sống tồi tệ tại Gaza

Liên hợp quốc cảnh báo điều kiện sống tồi tệ tại Gaza

Quan chức cấp cao về nhân đạo của LHQ cảnh báo người dân Gaza đang phải sống trong tình cảnh đặc biệt tồi tệ dưới tác động của nạn đói, điều kiện sống khắc khổ cùng với thời tiết mưa lớn vào mùa Đông và giao tranh vẫn tiếp diễn.
Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.