Sáng 8/8, đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Đồng chí Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
6 tháng đầu năm, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới, tuyến biên giới biển, cảng biển, vùng biển, địa bàn nội địa trọng điểm diễn biến không quá phức tạp, không phát sinh điểm nóng.
Các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ). Trong đó có 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 172,28% so với cùng kỳ); 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 9,7% so với cùng kỳ); 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 8,55% so với cùng kỳ). Qua đó, các lực lượng chức năng đã thu nộp NSNN hơn 6.000 tỷ đồng (giảm 7,53% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 650 vụ (giảm 44,25% so với cùng kỳ) với 1.913 đối tượng (giảm 18,82% so với cùng kỳ).
Tại hội nghị, đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới. Nhiều địa phương đề xuất giải pháp đấu tranh trong các lĩnh vực: lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm, hàng lậu qua cảng hàng không; buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thực phẩm đông lạnh, gia súc, gia cầm qua biên giới...
Phát biểu tham luận tại hội nghị từ điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, vàng… qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng của Hà Tĩnh đã bắt giữ và xử lý 1.386 vụ vi phạm (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023), qua đó thu nộp NSNN 18,08 tỷ đồng (giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2023). Riêng khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã bắt giữ và xử lý 18 vụ vi phạm, khởi tố 11 vụ/19 đối tượng; trong đó có 7 vụ án liên quan đến ma túy và 2 vụ buôn lậu vàng.
Từ thực tiễn đấu tranh trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà cũng đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành trung ương; làm tốt công tác dự báo tình hình, nắm chắc đối tượng, tuyến, địa bàn, nhất là tuyến, địa bàn trọng điểm, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới; không để bị động, bất ngờ; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; tăng cường phối kết hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các lực lượng chức năng cả nước đã đạt được trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua. 6 tháng đầu năm, công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cơ bản ổn định, không có vụ việc nổi cộm, phức tạp.
Nhận định thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có chiều hướng gia tăng do nhu cầu mua sắm tăng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh. Các đơn vị theo chức trách, nhiệm vụ được phân công cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là nêu cao vai trò người đứng đầu trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung cao cho các nhóm hàng: ma túy và thương mại điện tử; nắm chắc địa bàn, tăng cường giữa các cơ quan, các ngành, địa phương trong thực thi nhiệm vụ.
Song song với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát; phát hiện các lỗ hổng, sai sót, hạn chế để chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm của cán bộ; nâng cao năng lực làm việc của cán bộ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân để trở thành những người tiêu dùng thông minh; nghiên cứu sửa đổi thể chế, những quy định pháp luật còn bất cập... nhằm tạo thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.