Quyết tâm lên V-League và giấc mơ khôi phục Thể Công của Bùi Tiến Dũng

(Baohatinh.vn) - Sau 16 vòng đấu, đội Viettel đang dẫn đầu giải hạng Nhất 2018 với 35 điểm, hơn đội xếp sau 5 điểm. Với việc chỉ còn 2 vòng đấu, đội bóng của trung vệ người Hà Tĩnh - Bùi Tiến Dũng đang đứng trước cơ hội lớn để giành chức vô địch hạng Nhất cùng tấm vé thăng hạng V.League 2019.

Bùi Tiến Dũng đang thăng hoa tại Viettel. Ảnh: Goal

Trong trận đấu cuối gặp Bình Phước, nếu giành chiến thắng, Viettel sẽ lên ngôi vô địch mà không cần quan tâm đến những trận đấu khác. Đây là điều mà không chỉ các cầu thủ Viettel mà những người hâm mộ vốn đã yêu Thể Công trong quá khứ rất chờ đợi. Bởi nếu như giành quyền lên chơi ở V.League 2019, đội sẽ lấy lại phiên hiệu Thể Công sau 9 năm bị xóa tên.

“Sau 9 năm phiên hiệu Thể Công không tồn tại trên bản đồ bóng đá nước nhà và 2 năm tích lũy kinh nghiệm ở giải hạng Nhất quốc gia, mùa giải 2018 là bước ngoặt để cái tên Thể Công hào hùng trở lại với sân chơi cao nhất của bóng đá quốc nội. Việc thăng hạng và lấy lại phiên hiệu Thể Công ở mùa giải V-League 2019 là nhiệm vụ hàng đầu Tập đoàn Viễn thông Quân đội giao cho Trung tâm thể thao Viettel, kèm theo đó là những điều kiện tốt nhất để "lữ đoàn đỏ" hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó”, thông báo của Tập đoàn Viễn thông Quân đội nêu rõ.

Chỉ một tận thắng nữa Viettel sẽ lên chơi ở V-League mùa giải tới. Ảnh: VFF

Thể Công là tượng đài của bóng đá Việt Nam trong 20 năm cuối thế kỷ XX. Nếu tính rộng lịch sử vô địch quốc gia từ năm 1980 cho đến nay, Thể Công là đội giành nhiều chức vô địch nhất với 5 lần đăng quang. Các cầu thủ Thể Công luôn là nòng cốt của đội tuyển Quốc gia và đóng góp rất nhiều cầu thủ trong lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam như thủ môn Trần Tiến Anh, các cầu thủ Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Phạm Như Thuần, Triệu Quang Hà, Đặng Phương Nam, Vũ Công Tuyền... Thể Công là đội bóng trụ lâu nhất ở giải VĐQG khi tới năm 2004 đội mới bị xuống hạng (năm 1979 Thể Công không tham dự giải)

Ngày 22/9/2009 (trước ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn thể thao Thể Công) Bộ Quốc phòng đã quyết định xóa tên Thể Công. Tháng 11/2009, sau khi Bộ Quốc phòng ký quyết định xóa tên Thể Công, Bộ đã giao cho Tổng Công ty viễn thông Viettel quản lý. Không lâu sau, Viettel đã chuyển giao lại đội hình 1 về Thanh Hóa, chỉ còn quản lý đội hình 2 thi đấu ở giải hạng nhất quốc gia năm 2010 dưới tên gọi Trung tâm bóng đá Viettel. Kết thúc mùa giải 2010, đến lượt đội hình 2 cũng được chuyển giao cho Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) và đổi tên thành Câu lạc bộ Hà Nội.

Đội trưởng Viettel sẽ thay thế đàn anh dẫn dắt Thể Công trên chặng đường V-League sắp tới? Ảnh: Internet

Theo quy định giải hạng Nhất mùa này có 1,5 suất lên V-League 2019. Cách đây 2 năm, đội bóng được coi là "hậu duệ" của Thể Công đã giành ngôi Á quân và có suất đá play-off thăng hạng. Chỉ tiếc, Viettel đã để thua Long An trong tiếc nuối và lỡ hẹn với V-League 2017.

Hiện, Viettel đang hơn Hà Nội B - đội nhì bảng 5 điểm và chỉ phải gặp Bình Phước trên sân nhà, trước khi có trận derby với Hà Nội B. Chỉ cần một chiến thắng trước đối thủ được đánh giá yếu hơn, Viettel sẽ chính thức thăng hạng mà không cần quan tâm đến trận quyết chiến với Hà Nội B.

Đây cũng là cái kết được giới chuyên môn đón nhận tích cực. Bởi từ lâu, người ta đã chờ đợi Bùi Tiến Dũng cùng các đồng đội thay thế các đàn anh, đàn chú Thể Công thể hiện ở sân chơi V-League. Và so với những lò đào tạo danh tiếng khác như SLNA, HAGL, Hà Nội, không ít người nóng lòng xem màn trình diễn của các chàng trai áo lính ở hạng đấu cao nhất đất nước.

(Tổng hợp)

Chủ đề U23 Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói