Ra mắt ngân hàng gene: Dấu mốc mới trong hành trình 'trả lại tên' cho liệt sỹ

Việc xây dựng Ngân hàng gene liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ mở ra hy vọng xác định được danh tính cho hơn 300.000 ngôi mộ liệt sỹ đã được quy tập nhưng chưa xác định được thông tin.

Việc xây dựng Ngân hàng gene liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ mở ra hy vọng xác định được danh tính cho hơn 300.000 ngôi mộ liệt sỹ đã được quy tập nhưng chưa xác định được thông tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 23/7, tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt Ngân hàng gene (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ, đây là dấu mốc mới trong hành trình "trả lại tên" cho các liệt sỹ.

Hội nghị do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức.

Sớm hoàn thành giám định hơn 20.000 hài cốt liệt sỹ

Theo số liệu thống kê từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sỹ đã anh dũng hy sinh. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, còn rất nhiều gia đình liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân. Sau nhiều năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập, 900.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập, trong đó có tới hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.

Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ giai đoạn 2013-2020 (Ban chỉ đạo 515), từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sỹ (ở trong nước hơn 8.000, ở Lào hơn 2.000, ở Campuchia hơn 6.000); tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ.

Các đơn vị đã phân tích, lưu trữ được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp. Qua hoạt động giám định, lực lượng chức năng cũng xác định, kết luận bổ sung, đính chính thông tin được 1.260/1736 ngôi mộ của Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắc Lắc (đạt tỷ lệ 72,58% số mộ có một phần thông tin; 55,9% tổng số mộ trong nghĩa trang).

Việc xây dựng “Ngân hàng gene” liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sỹ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ nỗi xót xa khi thăm nghĩa trang đồi A1 tại Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua thấy rất nhiều mộ liệt sỹ vẫn đề những dòng chữ “mộ liệt sỹ chưa biết tên,” “mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập mục tiêu sớm hoàn thành giám định hơn 20.000 hài cốt liệt sỹ, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sỹ trong các nghĩa trang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tri ân người có công với cách mạng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tri ân người có công với cách mạng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thực tế cả nước còn khoảng 180.000 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, còn 300.000 hài cốt liệt sỹ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính. Việc hình thành ngân hàng gene với khoảng 600.000 mẫu giám định cả hài cốt liệt sỹ và thân nhân là để xác định danh tính của các mộ liệt sỹ còn “khuyến danh” hiện nay.

Mệnh lệnh từ trái tim

Tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trăn trở: “Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200.000 liệt sỹ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người Mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi day dứt.”

Thời gian qua, chúng ta đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sỹ để báo tin về cho thân nhân liệt sỹ.

Trao chứng nhận kết quả giám định ADN cho thân nhân các liệt sỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+).
Trao chứng nhận kết quả giám định ADN cho thân nhân các liệt sỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25 ngàn dữ liệu ADN hài cốt liệt sỹ và thân nhân, hôm nay, tại Hội nghị này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gene (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sỹ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gene sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.

“Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sỹ. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sỹ,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ và “Hội chợ Tết nhân ái” 2025 là chương trình khởi đầu cho chuỗi hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương Hà Tĩnh chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Nhiều chính sách tác động đến đời sống người dân có hiệu lực từ tháng 1/2025 như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, cấm thuốc lá điện tử, quy định mới về đăng ký hộ khẩu...
Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Nghị quyết số 117/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh quy định một số chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.