Rào cản khiến Mỹ - Trung khó chấm dứt chiến tranh thương mại tại G20

Ông Trump sẽ tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc, còn Bắc Kinh cũng không dễ thỏa hiệp trước yêu sách từ Washington.

Rào cản khiến Mỹ - Trung khó chấm dứt chiến tranh thương mại tại G20

Trump (phải) trò chuyện cùng Tập Cận Bình tại dinh thự Mar-a-Lago, Florida năm 2017. Ảnh: Reuters .

Các nguồn tin ở Washington và Bắc Kinh hôm nay cho biết Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận "đình chiến thương mại", dừng các biện pháp áp thêm thuế với nhau trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản cuối tuần này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngoài một "thỏa thuận ngừng bắn", hai bên sẽ khó đạt được bước đột phá nào khác nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài suốt một năm qua.

"Cái bắt tay hay nụ cười trong cuộc gặp của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình không giúp hai bên nhanh chóng kết thúc chiến tranh thương mại hay chấm dứt cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn", Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên Chúa giáo Quốc tế ở Nhật Bản, chia sẻ với VnExpress về cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka ngày 28-29/6.

Tiến sĩ Nagy cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến Mỹ và Trung Quốc sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại nào tại hội nghị G20, thậm chí cả trong thời gian còn lại của 2019.

Về phía Trung Quốc , các lãnh đạo nước này lo ngại bất kỳ một thỏa hiệp nào trước Mỹ cũng có thể gây nên sự phản đối trong nước, dẫn tới bất ổn cả về kinh tế và xã hội. Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ một thỏa thuận nào bị người dân trong nước coi là bất công.

Còn với chính quyền Trump , một thỏa thuận thương mại không phải là "trò chơi cuối cùng" với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ hiểu rằng chính sách cứng rắn của ông với Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Mỹ, từ các nhà chính trị của hai đảng, cộng đồng doanh nhân và cả người dân.

"Các sáng kiến như xây tường biên giới với Mexico hay triển vọng phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên đều đang bị mất đà, trong khi Trump đang tìm kiếm một thắng lợi chính trị nhằm tăng cơ hội tái đắc cử tổng thống vào 2020", Nagy phân tích.

Do đó, việc duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc sẽ là một chiến lược có thể giúp Trump giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử năm 2020. Trump sẽ không rút khỏi chiến tranh thương mại trừ khi Trung Quốc nhượng bộ, điều vốn rất khó xảy ra, hoặc khi kinh tế Mỹ suy giảm.

Nagy lưu ý rằng nhìn bề ngoài, bầu cử là trọng tâm trong tính toán của Trump khi duy trì áp lực với Trung Quốc, nhưng khi xem xét kỹ hơn, các chính sách của Trump từ khi làm tổng thống từ 2017 cho thấy chiến tranh thương mại chỉ là một trong những "loạt đạn" trong chiến lược toàn diện ngăn Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh vị thế số một của Mỹ. Bên cạnh chiến tranh thương mại, Mỹ còn tiếp tục phát động chiến tranh công nghệ, đồng thời duy trì sự nhất quán trong chính sách an ninh với Trung Quốc.

Đầu tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện sự thống nhất trong chiến lược của chính quyền Trump với khu vực này. "Với chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng, rõ ràng chính quyền Trump và nhóm cố vấn an ninh đều coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược cần có cách tiếp cận toàn diện", Nagy nói.

Với chiến lược này, dù ai giành chiến thắng sau cuộc bầu cử tổng thống 2020, Mỹ có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì đòn áp thuế với Trung Quốc. Washington cũng có thể gia tăng áp lực nhằm ngăn tham vọng trở thành bá chủ ở khu vực của Bắc Kinh.

Đồng tình rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn tiếp diễn , Tiến sĩ Elizabeth Larus, Đại học Mary Washington, Mỹ, cho hay cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ở trong tình thế khó khăn. Khi Washington không thể thay đổi các thủ đoạn thương mại của Trung Quốc như ép buộc chuyển giao công nghệ hay trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, Bắc Kinh không thể đưa ra lời hứa suông để được dỡ bỏ thuế.

"Vì thế tôi không nghĩ là sẽ có đột phá trong cuộc gặp Trump - Tập tại G20", Larus nói.

Chuyên gia của Đại học Mary Washington cho rằng việc đạt được một dự thảo thỏa thuận "ngừng bắn" từ trước giúp hai lãnh đạo, đặc biệt là Chủ tịch Trung Quốc, bớt bị lúng túng khi gặp nhau, đồng thời giúp cuộc thảo luận giữa hai bên không bị kết thúc quá sớm.

Giáo sư Thomas Rawski, Đại học Pittsburgh, Mỹ, cho rằng sự tương tác giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc trong cuộc gặp tại G20 sẽ thể hiện tình trạng giữa hai bên và cả Trump lẫn ông Tập đều phải cân đối các yếu tố trong nước và quốc tế. Ông cho rằng cuộc gặp này sẽ không mang lại kết quả lớn vì hai bên có rất ít khả năng chịu thỏa hiệp.

"Có thể một trong hai hoặc cả hai đều nghĩ rằng nên duy trì sự cứng rắn với bên kia, để cho thấy sự mạnh mẽ của mình", Rawski nói.

Giáo sư của Đại học Pittsburgh cho hay Mỹ và Trung Quốc đều đã có các hành động đáp trả lẫn nhau và hai bên sẽ còn tiếp tục điều này. Chính quyền Mỹ hiện nay không còn kiên nhẫn như các chính quyền trước, muốn thúc ép Trung Quốc "thực sự thay đổi" mà không đưa ra các lời hứa hẹn suông, nhưng Bắc Kinh lại không muốn điều đó.

Ông Rawski cho rằng chính sách cứng rắn với Trung Quốc không phải là "tác phẩm của riêng Trump", mà là của cả đội ngũ hoạch định chính sách của Mỹ và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước. Do đó, sự cứng rắn này nhiều khả năng sẽ được tiếp tục ngay cả khi ứng viên đảng Dân chủ giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống 2020.

David Dollar, Viện nghiên cứu Brookings, Mỹ cũng cho rằng chính quyền Trump sẽ không sớm thay đổi chiến lược với Trung Quốc. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ leo thang hay giữ nguyên tình trạng hiện nay "phụ thuộc vào Trump". Nếu Tổng thống Mỹ áp thêm thuế với Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ đáp trả. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2019 và 2020 sẽ bị ảnh hưởng nặng. Có thể sau 2019, hai bên sẽ tìm cách đàm phán ở mức độ giúp cả hai tránh bị "mất mặt".

Theo Rawski, triển vọng có một thỏa thuận làm hài lòng cả Mỹ và Trung Quốc là bằng không. "Kết quả chúng ta có thể trông đợi ở Nhật Bản lần này là hai bên sẽ có thêm các thảo luận", Rawski nói.

Theo Khánh Lynh/VNE

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.