Rét nàng Bân

(Baohatinh.vn) - Tự dưng con gái tôi hỏi: “Bao giờ có rét nàng Bân hở bố?”. Tôi sực nhớ bản tin thời tiết buổi sáng bèn bảo: “Tối nay gió mùa về Bắc miền Trung, về Hà Tĩnh mình… Tối nay có rét nàng Bân con ạ!”.

Con bé mắt sáng lên: “Thật thế hở bố? Thế thì thích quá nhỉ! Dưng mà gió mùa về con lại thương anh Minh quá. Anh vừa nhập ngũ, bộ đội ta có áo ấm cho anh mặc không hở bố?”.

Rét nàng Bân

Rét nàng Bân được bắt nguồn từ truyền thuyết nàng Bân may áo cho chồng. Ảnh Internet

Tôi mỉm cười: “Bộ đội mình bây giờ cũng đầy đủ, chẳng thiếu thốn như ngày xưa nữa đâu con. Anh con có đủ giày dép, áo ấm. Con đừng lo!”. Mắt bé lại sáng lên dũi dũi đầu vào ngực tôi nhoẻn cười. Nhìn bé, tôi chạnh nhớ hồi nhỏ, bố tôi đang đóng quân ở miền biên viễn xa xôi lắm, mẹ tôi ngồi tỉ mẩn đan áo len cho chồng.

Vừa đan, mẹ vừa lẩm nhẩm hát mà như thầm thì: “Em thương anh chiều nay đứng gác, lo canh giữ đất trời áo ấm có lạnh không?”. Không biết bao nhiêu lần mắt mẹ ngóng về phía chân trời, rồi rủ rỉ kể về sự tích cái rét nàng Bân. Kể xong, mẹ cất giọng đượm buồn: “Nàng Bân đan áo cho chồng/ Đan ba tháng ròng chưa được cổ tay/ Lạy trời phây phẩy heo may/ Cho chồng tôi được xỏ tay áo này”.

Mà cũng lạ, mấy hôm nay trời như đã sang mùa hè, ấm áp hẳn. Hoa xoan đã nở tím ngan ngát đường làng. Mẹ thường bảo “Xoan đâu nở hoa, bà già bỏ bếp”, tức là người già không còn sưởi nữa. Thế mà đột nhiên trở rét. Tất nhiên không đến nỗi cắt da, cắt thịt, nhưng cũng rét ra rét. Buổi sáng, em tôi đã hơi xuýt xoa, nhưng vẫn dùng dằng chưa muốn áo đơn, áo kép, tôi phải nhắc em đi xe máy thì phải mặc thêm áo ấm, khỏi cảm lạnh.

Rét nàng Bân

“Xoan đâu nở hoa, bà già bỏ bếp”, thế mà đột nhiên trở rét...Ảnh Internet

Nhớ lại hồi bé, cứ đến dịp rét nàng Bân, tôi vừa sợ lại vừa thích. Tháng ba, ngày tám, quê tôi đói quay, đói quắt. Rét về cộng với cái đói, với manh áo phong phanh, càng rét. Tôi cứ tưởng tượng ở một xứ sở thần tiên nào đó, có một nàng Bân đang say sưa ngắm chiếc áo vừa đan cho chồng. Nàng đẹp như cô tiên nặn bằng bột mẹ thường mua cho tôi ở chợ Giang Đình, đẹp như cô tiên trong những câu chuyện cổ tích hay thương người nghèo. Rồi những hôm trời mưa, mẹ lại ngồi chắp những sợi len thừa người ta nhờ mẹ đan áo ấm, để đan cho tôi chiếc áo đầy những nút là nút.

Bây giờ quê hương tôi đang xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, đổi mới rồi. Ngay ở các quầy hàng chợ quê đã có những dãy áo len vừa đẹp, vừa rẻ. Bố tôi đã về hưu. Minh - con trai tôi lại tiếp bước ông cha lên đường làm anh bộ đội. Quê hương tôi đã giàu lên, người nông dân ra đồng hay đi chơi đã áo đơn áo kép đủ màu, đủ sắc. Trong làng, ngoài xã chả còn ai ngồi đan áo len, chẳng còn ai lo không đủ áo ấm nữa.

Rét nàng Bân

Bây giờ, không mấy người còn đan áo nữa, thay vào đó họ đan, móc nhiều vật dụng có tính mỹ nghệ cao... Ảnh Internet

Hôm tôi và con gái lên thăm Minh vừa nhập ngũ tháng trước, ra đón tôi và em gái, Minh mặc chiếc áo bông màu xanh lá cây, dày dặn, ấm áp. Bé cứ nhìn anh trai mãi, đôi mắt sáng lấp lánh, sung sướng mủm mỉm cười…

Cuộc sống ngày càng đổi thay, càng ấm áp lên, nhưng rét nàng Bân thì vẫn còn, để con gái tôi có cớ mà thương nhớ thêm anh trai bộ đội của mình; để bao nam thanh nữ tú lại có cái thú háo hức chờ cơn rét để chưng diện với bạn bè, với người mình yêu; để tôi lại có cái cớ nhắc em mặc thêm áo ấm khi ra đường hun hút gió rét nàng Bân…!

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.
'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

Ra mắt ngày 4/4 tại các rạp trên toàn quốc, bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng do tư nhân đầu tư vốn “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khắp cả nước. Chỉ sau 2 ngày công chiếu chính thức, 4 ngày chiếu sớm, bộ phim đã vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng và tiếp tục tăng.