Những việc dường như chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng đang nhanh chóng trở thành hiện thực trên chiến trường hiện đại khi robot dần thay thế con người trong một số lĩnh vực quân sự của Nga.
Tất nhiên, việc thay thế hoàn toàn con người trong các lực lượng vũ trang bằng việc sử dụng trí thông minh nhân tạo vẫn còn là một chặng đường rất dài, tuy nhiên một số công việc quan trọng trước đây chỉ do con người đảm nhận nay đã dần được thay bằng máy móc.
Mô hình vũ khí của tương lai
Theo RBTH, ngày càng có nhiều robot được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga. Nhiều hệ thống kỹ thuật được thiết kế theo hướng thay thế hoàn toàn công việc của con người như máy bay không người lái, robot rà phá bom mìn hay các robot trinh sát.
Năm 2005, thiết bị lặn tự hành GNOM đã được Nga thử nghiệm cho nhiệm vụ thám hiểm dưới nước và rà phá bom mìn. Hệ thống pháo phòng không tự hành Pantsir-S1 cũng đã được tự động hóa hoàn toàn.
Tuy nhiên, việc phát triển các tính năng này vẫn còn tách biệt so với nhiệm vụ chính được đề ra. Việc sản xuất robot như một loại vũ khí riêng biệt vào thời điểm đó vẫn còn rất sơ khai ở Nga.
Một nhiệm vụ quan trọng của robot quân sự là nhằm giảm thiểu thương vong cho con người. Việc sử dụng các thiết bị tự động trong hoạt động rà phá bom mìn đã giúp giảm thiểu thương vong cho các chuyên gia rà phá bom mìn.
Robot có một lợi thế quan trọng là chúng có thể hoạt động trong điều kiện môi trường mà con người không thể làm việc. Chính vì vậy việc thực thi các nhiệm vụ dưới nước và các địa điểm bị nhiễm xạ cũng là những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu để phát triển các loại robot.
Cho đến nay, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã thiết kế một số loại robot chiến đấu và có thể sớm được biên chế trong các lực lượng vũ trang của nước này. Một trong những thiết kế có triển vọng nhất là robot Platform-M - một robot tự hành đơn giản có trọng lượng khoảng 1 tấn có thể mang các loại vũ khí như súng phóng lựu, súng máy, tổ hợp tên lửa chống tăng cũng như các loại vũ khí cầm tay khác có trọng lượng lên tới 300 kg.
Bên cạnh đó, việc trang bị hệ thống tình báo điện tử cũng biến Platformа-M thành một robot trinh sát có hiệu quả trên chiến trường. Bộ giáp của robot Platformа-M có khả năng chịu được hỏa lực của các loại vũ khí nhỏ. Tốc độ di chuyển của nó khoảng hơn 10km/h, gần bằng tốc độ chạy của một người lính, tuy nhiên thiết bị này có thể duy trì "tốc độ hành quân" trong hơn 10 giờ, vượt xa khả năng của các binh sĩ.
Một mẫu thiết kế tương tự khác là robot chiến đấu MRK-27-BT. Robot này được trang bị súng phóng lựu, súng phun lửa và súng máy, đồng thời nó có thể phun khói mù và phóng lựu đạn gây choáng. Nhờ một hệ thống bánh xích được thiết kế đặc biệt, robot này rất cơ động. Ngoài ra, phạm vi hoạt động trong khoảng 500m cho phép người điều khiển robot có khả năng tránh được hỏa lực của đối phương. Theo kế hoạch robot Platform-M và MRK-27-BT sẽ được đưa vào phục vụ trong các lực lượng vũ trang Nga trong vài năm tới.
Robot đa nhiệm
Một thiết kế đáng chú ý khác là robot Uran (Uranus). Loại robot này có thể đồng thời thực hiện các chức năng khác nhau trong điều kiện chiến đấu. Nếu Platform-M là một thiết bị nhỏ gọn (1,5 x 1,5 m) thì Uran giống như một chiếc xe tăng hạng nhẹ 8 tấn có thể sử dụng như một phương tiến tấn công, rà phá bom mìn và chữa cháy.
Ngoài các loại vũ khí tiêu chuẩn, Uran còn được trang bị 1 khẩu pháo và hệ thống tên lửa, biến nó thành một phương tiện chiến đấu đáng gờm. Khả năng của nó đã được chứng minh trong quá trình thử nghiệm hồi tháng 5/2015. Robot này có khả năng vô hiệu hóa không chỉ binh sĩ đối phương mà còn cả xe bọc thép và các mục tiêu trên không.
Người điều khiển robot Uran có thể kiểm soát nó từ khoảng cách 1km, cho phép nó hoạt động hiệu quả trong điều kiện chiến đấu cũng như các điều kiện khắc nghiệt khác. Với những thay đổi đặc biệt, robot Uran cũng có thể được sử dụng để dập tắt các đám cháy rừng và phân tích các mảnh vỡ. Các nhà thiết kế quân sự đang tính toán sẽ tăng cường ứng dụng của nó trong lĩnh vực dân sự.
Thiết kế tự động mới nhất và nổi bật nhất của Nga được áp dụng cho xe tăng chiến đấu hạng trung T-14 Armata. Công nghệ tiên tiến đã được áp dụng khi T-14 Armata có một tháp pháo và hệ thống tiếp đạn hoàn toàn tự động. Thay vì phải có pháo thủ trên tháp pháo, tất cả kíp xe gồm 3 người được bố trí trong một khoang bọc giáp ở phía trước của xe tăng.
Việc thiết kế một tháp pháo tự động cũng giúp giảm đáng kể trọng lượng của xe tăng bởi nó không cần một tháp pháo với lớp giáp dày để bảo vệ người chỉ huy cũng như pháo thủ, đồng thời tăng tính cơ động cho pháo chính.
Xe tăng T-14 Armata được trang bị pháo 125mm có thể bắn được các loại tên lửa dẫn đường bằng laser và đạn pháo có tầm bắn lên đến hơn 4,8km, tương đương với các xe tăng mới nhất của Mỹ và Đức.
Ngoài ra, việc xe tăng T-14 Armata được trang bị tháp pháo được điều khiển từ xa còn nhằm mục tiêu nhằm mở đường cho việc quân đội Nga thiết lập một đội xe tăng được điều khiển tự động hoàn toàn trong tương lai.