Rực rỡ sắc màu di sản Việt Nam trên quê hương núi Hồng, sông La

(Baohatinh.vn) - Các đơn vị nghệ thuật từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã mang đến Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh nhiều tiết mục đặc sắc.

Trong khuôn khổ Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" diễn ra tại Hà Tĩnh (từ 27/11-30/11/2024), Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh (vào tối 28/11 và 29/11) đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả Hà Tĩnh và cả nước. Ảnh: Tiết mục chào mừng liên hoan của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.
Liên hoan có sự tham gia của 6 đoàn nghệ thuật đến từ: Bắc Ninh (dân ca quan họ), Phú Thọ (hát xoan), Lâm Đồng (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên), Quảng Nam (hát bài chòi), Nghệ An (dân ca ví, giặm), Hà Tĩnh (dân ca ví, giặm và ca trù). Trong đó, đoàn Hà Tĩnh mang đến 3 tiết mục ví, giặm và 1 tiết mục ca trù đặc sắc nhất, giới thiệu vẻ đẹp của di sản đã được UNESCO vinh danh. Trong ảnh: Không gian diễn xướng ví, giặm "Duyên tình biển mặn" của đoàn Hà Tĩnh.
Tiết mục Hát mưỡu - hát nói Ca trù: “Làm cho tỏ mặt nam nhi” do Ca nương Thu Hà, Kép đàn: Nghệ nhân ưu tú Văn Đài, Cầm chầu: Xuân Hải (đoàn Hà Tĩnh biểu diễn).
Đoàn Lâm Đồng mang đến liên hoan Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sôi động, vang vọng âm thanh và sắc màu đời sống của cộng đồng dân tộc xứ đại ngàn. Trong ảnh: Tốp ca nam hát Acapella: Prơ Cêng - Hát theo Chiêng.
Hình ảnh cô gái Tây Nguyên bên cây đàn T'rưng gõ nhịp cùng dàn nhạc cụ đàn đá, cồng chiêng... gần gũi, mộc mạc khiến khán giả say mê.
Nếu tiếng cồng chiêng Tây Nguyên mang theo sức sống sôi động núi rừng, thì lời ca quan họ đến từ Bắc Ninh như kéo cả mùa xuân trẩy hội về với khán phòng. Các liền anh, liền chị tái hiện không gian diễn xướng quan họ qua tiết mục "Năm liệu, bảy lo".
Câu quan họ mê đắm lòng người qua tiết mục "Vui bốn mùa".
Nét thanh lịch, tao nhã của liền anh, vẻ đẹp duyên dáng của liền chị qua khăn đóng, áo the, chiếc nón quai thao là những giá trị độc đáo của dân ca Quan họ – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Mở đầu đêm diễn thứ 2 của liên hoan (29/11), đoàn Nghệ An mang đến các tiết mục dân ca ví, giặm được dàn dựng công phu, đậm nét di sản xứ Nghệ. Trong ảnh: Tiết mục Cay gừng trầu Nghệ
Dân ca ví, giặm hiện lên hết sức bình dị, dân dã, gần gũi với đời sống lao động của người Nghệ - Tĩnh nhưng cũng lung linh sắc màu cuộc sống, thấm đẫm tình đất, tình người. Trong ảnh: Tiết mục: Không gian diễn xướng "Gửi tình ta vào đất" từ đoàn Nghệ An.
Trong câu dân ca ví, giặm, hình ảnh cô gái xứ Nghệ hiện lên vẻ đẹp thật mộc mạc, chân chất, say đắm lòng người.
“Mời trầu” – nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Nghệ được thể hiện thiết tha, quyến rũ qua lời ca câu ví.
Đoàn Phú Thọ mang không khí mùa xuân lễ hội Đền Hùng đến khán phòng bằng các tiết mục hát xoan đặc sắc. Nhiều khán giả Hà Tĩnh cảm thấy thú vị khi lần đầu tiên được trực tiếp thưởng thức loại hình di sản của quê hương đất tổ đã được UNESCO vinh danh. Trong ảnh: Tiết mục "Hát mỏ cá".
Các nghệ nhân cao tuổi của phường Xoan gốc An Thái (Phú Thọ) trình diễn nhuần nhuyễn điệu hát quê hương có hàng nghìn năm của dân tộc.
...Khiến khán giả không ngớt vỗ tay tán thưởng và múa theo điệu hát xoan.
Ngay sau điệu hát xoan Phú Thọ, đoàn Quảng Nam mang đến không khí vui tươi, dí dỏm của không gian diễn xướng nghệ thuật hát bài chòi.
Sau những câu hò, lời đáp của anh Hiệu, chị Hiệu là những quân bài xuất hiện. Mỗi quân bài gắn với những câu hát có nội dung hướng con người sống có tình nghĩa, thủy chung, tình yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống lao động. Hát bài chòi đã được UNESCO ghi danh vào năm 2017.
Các nghệ nhân trong vai anh Hiệu, chị Hiệu của trò chơi không gian diễn xướng hát bài chòi, tặng quà là chiếc đèn lồng cho các đại biểu, khán giả như một lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại. Đây cũng là lúc khép lại chương trình Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, tại Hà Tĩnh năm 2024.

Chủ đề 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói