Sai lầm khi lắp đặt khiến điều hòa ngốn điện khủng khiếp

Trong một số trường hợp, máy điều hòa có thể hỏng sau vài ngày sử dụng hoặc tiền điện sẽ tăng vùn vụt nếu như mắc sai lầm trong khi lắp đặt.

Lắp điều hòa ở vị trí góc tường nóng

Nhiều người tin rằng lắp điều hòa ở khu vực nóng nhất phòng, thậm chí là trong góc tường sẽ giúp nhanh chóng giảm nhiệt và tạo không khí thoáng mát cho căn phòng. Nhưng quan niệm này là hoàn toàn sai lầm bởi sẽ khiến điều hòa vận hành quá tải và chạy tốn điện hơn bình thường.

Thay vào đó, người dùng nên lắp máy ở những vị trí mát mẻ, thoáng đãng và nằm ở trung tâm căn phòng. Bằng cách này, nhiệt độ trong phòng mới có thể giảm nhanh rồi mới từ từ làm mát ở các khu vực tụ nhiều hơi nóng như bề mặt tường, góc nhà.

Chọn kích thước, công suất điều hòa không phù hợp

Nhiều người nghĩ rằng kích thước và công suất của máy điều hòa càng lớn thì càng mát nhanh, mát lâu. Tuy nhiên, trên thực tế, điều hòa “quá khổ” so với diện tích căn phòng sẽ không ngừng tự động tắt – bật, do đã đủ độ lạnh cần thiết, dẫn đến việc sử dụng năng lượng không hiệu quả mà lại ngốn tiền điện nhiều hơn.

Do vậy, bạn nên hỏi các chuyên gia điện máy tư vấn để lựa chọn cho nhà một chiếc điều hòa đúng kích cỡ – vừa nhanh mát mà vẫn tiết kiệm điện. Thông thường, những căn phòng tầng thấp hoặc ở vị trí ít nắng chỉ cần điều hòa dung tích bé hơn so với các căn phòng hứng nhiều nắng.

Lắp cả cục nóng lẫn cục lạnh chung một phòng

Chuyện này nghe có vẻ hài hước nhưng mới đây, trên facebook có người chia sẻ hình ảnh cả cục nóng và cục lạnh máy điều hòa đều được lắp chung trong phòng với thắc mắc “sao mở điều hòa rồi mà phòng vẫn không thấy mát”.

Nhiều ý kiến bình luận, chính cách lắp để cục nóng, cục lạnh chung một phòng là nguyên nhân khiến điều hòa chạy cả ngày phòng cũng không thể mát.

Theo tư vấn của một trung tâm điện máy ở Hà Nội, điều hòa không khí có 2 bộ phận được gọi là cục nóng và cục lạnh. Bên trong cục lạnh chứa một hệ thống ống tuần hoàn với cục nóng để làm bay hơi một loại chất lỏng gọi là gas lạnh.

Hiểu nôm na là trong quá trình hoạt động, cục lạnh sẽ thổi ra khí lạnh làm mát phòng, còn cục nóng thổi khí nóng được hút từ trong phòng ra bên ngoài.

Như vậy, cục nóng của điều hòa bắt buộc phải lắp ở ngoài phòng để làm nhiệm vụ đẩy khí nóng ra ngoài, còn cục lạnh phải lắp ở trong phòng để thổi ra khí mát làm mát phòng. Trong trường hợp cố tình lắp cả cục nóng và cục lạnh cùng một phòng sẽ dẫn đến hiện tượng khi mới mở điều hòa, nơi có cục lạnh sẽ mát, còn nơi có cục nóng sẽ thổi ra khí nóng.

Tuy nhiên, chỉ cần bật điều hòa nửa tiếng, cả căn phòng sẽ nóng hầm hập. Bởi, lúc này hơi lạnh ở cục lạnh sẽ không đủ để trung hòa phòng nữa vì hơi nóng ở cục nóng thổi ra có nhiệt độ rất lớn, cộng với quạt của cục nóng có lưu lượng luân chuyển không khí lớn nên sẽ nhanh chóng làm nóng cả căn phòng.

Khi đó, điều hòa phải “gồng mình” hoạt động hết công suất. Hậu quả, tiền điện sẽ tăng vùn vụt, đồng thời chiếc máy sẽ hỏng ngay sau vài ngày sử dụng do phải làm việc quá sức.

Việc lắp đặt cả cục nóng và cục lạnh trong cùng một phòng là trường hợp hy hữu. Tuy nhiên, nếu không muốn máy điều hòa nhanh hỏng thì nên chú ý để tránh mắc phải sai lầm này khi lắp đặt.

Lắp điều hòa ở phần mặt tường thường xuyên có nắng chiếu

Không ít gia đình chỉ chú trọng tới vị trí lắp đặt máy lạnh mà không để ý đến chỗ đặt cục nóng điều hòa. Thực tế, theo các chuyên gia, lắp đặt dàn nóng điều hòa tại đúng hướng nắng là nguyên nhân hàng đầu rút ngắn “”tuổi thọ“” điều hòa và khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh. Lý do là bởi máy điều hòa sẽ làm việc quá tải khi phải tản nhiệt chiếc tường nóng trước rồi mới tới quá trình làm mát không khí trong phòng.

Vị trí tốt nhất để đặt cục nóng điều hòa là ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và có mái che. Khi lắp đặt cần phải lắp cách tường ít nhất 10cm, tuyệt đối không được dùng bất cứ thứ gì che đậy cục nóng, chỉ có thể làm mái che chắn nắng mưa tạt vào.

Ngoài ra, tránh lắp cục nóng điều hòa ở những nơi có nhiều cây cối. Bởi cây sẽ rụng rất nhiều lá xuống làm ảnh hưởng tới hoạt động của dàn nóng, có thể gây ra tiếng kêu. Đặc biệt, bạn sẽ phải vệ sinh điều hòa nhiều hơn nếu lắp ở đây.

Không nên lắp đặt dàn nóng điều hòa ở khu vực nhiều khói bụi. Khói bụi bám vào sẽ khiến bạn phải vệ sinh máy nhiều lần và hoạt động của điều hòa bị ảnh hưởng nhiều hơn. Các dàn nóng không nên lắp đặt gần nhau, như vậy nhiệt độ sẽ cao hơn nhiều.

Lắp 1 điều hòa chung cho 2 phòng

Trường hợp này thì phổ biến hơn, bởi nhiều người nghĩ, 2 phòng diện tích nhỏ, nếu lắp một điều hòa chung cho 2 phòng (đặt giữa) thì sẽ tiết kiệm được tiền mua máy điều hòa, công lắp đặt hay tiền điện. Song, thực tế liệu có giúp chủ nhân tiết kiệm tiền?

Theo một thợ lắp điều hòa có 15 năm kinh nghiệm ở Hà Đông (Hà Nội), khi lắp điều hòa cần lắp ở giữa phòng để khí lạnh thổi đều ra cả phòng, nhờ đó, căn phòng sẽ được làm mát một cách nhanh nhất.

Nếu dùng 1 điều hòa chung cho 2 phòng thì quá trình làm mát sẽ chậm hơn, tiêu tốn nhiều tiền điện hơn.

Nguyên nhân, các cục lạnh của điều hòa thường có dạng cánh quạt để thổi luồng không khí mát từ dàn lạnh ra bên ngoài. Khi lắp điều hòa chia đôi 2 phòng, phần gió từ cánh quạt sẽ bị cản khá nhiều bởi bức tường ngăn cách, dẫn đến lãng phí luồng gió lạnh.

Ngoài ra, khi lắp chung 1 điều hòa cho 2 phòng đồng nghĩa với việc, dù muốn hay không thì mỗi lần bật điều hòa, chiếc máy sẽ phải làm việc hết công suất để làm mát cả hai phòng. Trong trường hợp này, nếu chỉ sử dụng một phòng, phòng thứ 2 không sử đến thì điều hòa vẫn làm mát cả 2 phòng, như thế khá tốn kém tiền điện.

Từ đó để thấy rằng, dù có ý muốn tiết kiệm chi phí mua sắm, tiền điện,... nhưng rõ ràng, đây là bài toán kinh tế sai lầm vì khi sử dụng tiền điện sẽ tiêu tốn nhiều hơn rất nhiều.

Theo Giadinh.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói