Sân bóng làng - nơi cháy bỏng niềm đam mê đá bóng

(Baohatinh.vn) - Là những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê, có lẽ tuổi thơ ai cũng đều trải qua những kỷ niệm êm đềm bởi những trưa hè oi ả thả bò tắm sông, đùa vui cùng cánh diều căng gió và đặc biệt là những trận cầu nảy lửa trên sân bóng làng.

Sân bóng làng có thể được “trưng dụng” từ bất kể khoảng trống nào, thường là khoảnh đất trống, bãi bồi ven sông hay ô ruộng vừa gặt. Gọi là sân bóng nhưng thường rất thô sơ, tạm bợ; mặt sân không được kẻ vạch vôi; khung thành thường được ghép bằng hai đống đất nhỏ hay mấy chiếc dép... Sân nào “hiện đại” hơn thì cầu môn được cắm 2 cọc tre làm cột dọc, phía trên buộc thanh tre bắc ngang làm xà ngang. Bóng hoặc là trái bưởi tròn hoặc được gói bằng nhiều vật liệu như giẻ rách, lá chuối khô, bao ni lông...

Sân bóng làng - nơi cháy bỏng niềm đam mê đá bóng

Tranh tài trên sân bóng làng ngập nước tại một vùng làng quê. Ảnh internet

Cứ sau giờ tan trường, mọi người vội vàng chạy về nhà, chỉ kịp cất cặp sách, thay quần áo là ào ra sân làng đá bóng mà không cần hẹn trước. Vào mùa hè, được nghỉ học, việc phụ giúp bố mẹ chăn trâu, chăn bò, nắng cháy sém lưng nhưng cũng là điều kiện tốt để lũ trẻ thôn quê tụ tập chơi bóng thỏa thích. Không cần quan tâm đến quân số, khi đã kha khá cầu thủ, cả bọn tiến hành “oẳn tù tì” để “chia phe” cho khá cân đối số lượng và bắt đầu tranh tài với những trận đấu không trọng tài, không luật lệ và không giới hạn về thời gian.

Mặc dù không có các luật lệ chuyên nghiệp, nhưng những trận bóng ở sân làng lại thường được đặt ra nhiều quy định “bất thành văn” khá thú vị mà chỉ ở sân chơi trẻ em làng quê mới có được. Ví dụ như: Trong đội, người béo nhất được giao trấn giữ khung thành, người đá hay nhất làm tiền đạo, người đá “rắn” được làm hậu vệ, đặc biệt ai là chủ quả bóng thì thường giữ vai trò quyết định tối cao trong suốt trận đấu. Bóng lăn xuống ruộng hay hồ nước thì đội nào đá ra, quân của đội đó phải đi nhặt về; bóng chạm tay thì gọi là “manh”. Tỉ số đậm quá mà không nhớ hết số bàn thắng thua thì tính “bàn thắng vàng”; đội nào ghi bàn trước thì đội đó giành chiến thắng. Trận bóng chỉ kết thúc khi trời quá tối hoặc chủ bóng bị bố mẹ gọi về giữa chừng…

Sân bóng làng - nơi cháy bỏng niềm đam mê đá bóng

Một trong những sân bóng làng ở xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân. Ảnh tư liệu.

Thời gian gần đây, ở các vùng nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều sân bóng đá nhân tạo đàng hoàng, đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, không vì thế mà mất đi những sân bóng làng “truyền thống”.

Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhiều trẻ em vẫn vui đùa cùng quả bóng trên những sân bóng làng. Mỗi lần được chứng kiến những trận đấu bóng ở sân bóng quê, chúng ta không khỏi cảm giác bồi hồi lẫn phấn khích bởi khoảnh khắc bình yên và đáng yêu đến lạ; lại một lần được trở về với tuổi thơ, với tràn ngập tiếng reo hò đuổi theo trái bóng.

Sân bóng làng - nơi cháy bỏng niềm đam mê đá bóng

Khoảnh khắc xuất thần của các cầu thủ chân đất. Ảnh tư liệu

Mảnh đất Hà Tĩnh được biết đến là cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng cho bóng đá nước nhà. Từ bãi cát, góc vườn, đồng ruộng, các cầu thủ chân trần nơi đây đã lớn lên cùng trái bóng tròn suốt những năm tháng tuổi thơ gian khó.

Nhờ tố chất bẩm sinh cộng với sự khổ luyện, các cầu thủ người Hà Tĩnh đã vượt qua mọi khó khăn, từng bước gây dựng sự nghiệp rồi trở nên tỏa sáng như: Bùi Tiến Dũng, Trần Phi Sơn, Phan Văn Hiếu và hàng chục cầu thủ chuyên nghiệp khác. Bên cạnh đó, cũng từ sân bóng làng, hằng năm, các tài năng nhí Hà Tĩnh đã được nhà tuyển trạch về tận nơi tìm kiếm, phát hiện để đưa vào tập luyện chuyên nghiệp tại các lò đào tạo danh tiếng.

Sân bóng làng - nơi cháy bỏng niềm đam mê đá bóng

Một trận đấu tại thôn Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà. Ảnh tư liệu.

Trung vệ Bùi Tiến Dũng cùng các đồng đội ở tuyển U23 Việt Nam từng khiến hàng triệu trái tim người hâm mộ bóng đá cả nước ngất ngây, thổn thức trong men say chiến thắng ở VCK U23 châu Á 2018.

Hơn 10 năm về trước, chính trên sân bóng làng ở khối phố 7, thị trấn Đức Thọ, HLV địa phương đã phát hiện tài năng và hướng anh đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp, vinh dự được khoác áo đội tuyển quốc gia, trở thành một trong những trung vệ hàng đầu của bóng đá Việt Nam.

Sân bóng làng - nơi cháy bỏng niềm đam mê đá bóng

Em Lê Quang Trường (thứ 3 từ phải sang) thi đấu xuất sắc trong đội nhi đồng xã Thạch Tân (Thạch Hà) năm 2018 và được Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu TDTT Hà Tĩnh tuyển chọn. Hiện tại em là trụ cột của đội U15 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh với vị trí hậu vệ phải. Ảnh tư liệu

Những sân bóng thô sơ, tạm bợ ở bất cứ đâu trên vùng đất Hà Tĩnh đã trở thành cái nôi cho tình yêu bóng đá, là điểm khởi đầu cho khát vọng vươn cao, vươn xa của các cầu thủ nhí nơi miền quê nghèo với niềm đam mê bất tận. Để rồi khi những hạt mầm đỏ được chắp cánh, những tài năng của Hà Tĩnh sẽ bay xa, đóng góp vào sự phát triển của bóng đá Hà Tĩnh cũng như bóng đá chuyên nghiệp của nước nhà.

Chủ đề Thể thao Hà Tĩnh

Đọc thêm

Việt Nam 1-0 Indonesia: Rộng cửa vào bán kết

Việt Nam 1-0 Indonesia: Rộng cửa vào bán kết

Chiến thắng 1-0 trước ĐT Indonesia không chỉ giúp ĐT Việt Nam chấm dứt chuỗi trận thua liên tiếp trước đối thủ này trong năm 2024, mà “Những chiến binh sao Vàng” cũng rộng cửa vào bán kết sau khi có 3 điểm trước đại diện đất nước vạn đảo.
Thái Lan thị uy sức mạnh số 1 bóng đá Đông Nam Á

Thái Lan thị uy sức mạnh số 1 bóng đá Đông Nam Á

Thái Lan vừa có trận ra quân tại ASEAN Cup 2024 gặp Timor Leste và thắng đậm đến 10-0, qua đó cho thấy sức mạnh của một ông lớn của khu vực Đông Nam Á và đang là ứng viên số 1 của cuộc đua vô địch kỳ này.