Sản phẩm chủ lực - nền tảng cho phát triển nền nông nghiệp bền vững

Trong xây dựng đề án phát triển sản xuất, việc quy hoạch các sản phẩm chủ lực là hết sức quan trọng, góp phần tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm chủ lực được lựa chọn dựa trên những tiêu chí nào, cơ chế, chính sách cho định hướng và phát triển sản phẩm chủ lực ra sao… đang là vấn đề được quan tâm, bàn thảo, nhằm đưa ra được tiếng nói chung và hành động thiết thực.

Với 477.000 ha, chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, những năm qua, nông nghiệp Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu đã có những bước tiến khá nhanh và vững chắc theo hướng sản xuất hàng hóa; các sản phẩm cây trồng vật nuôi ngày càng đa dạng và có giá trị kinh tế cao…

Chăn nuôi lợn là một trong những loại hình sản xuất được chọn làm sản phẩm chủ lực hàng đầu của tỉnh

Tuy nhiên nhìn chung, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp còn chậm; sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn với thị trường; chất lượng nông sản hàng hóa thấp; chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ…

Trong giai đoạn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, yêu cầu quan trọng hàng đầu, đó là phải triển khai thực hiện thành công đề án phát triển sản xuất. Vì vậy phải khắc phục được cơ bản những hạn chế nêu trên, trong đó cần quy hoạch được những sản phẩm chủ lực trên quy mô toàn tỉnh để chỉ đạo phát triển đúng hướng, đạt hiệu quả cao.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã chủ trì xây dựng Báo cáo xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực và giải pháp phát triển đến năm 2020. Căn cứ vào các tiêu chí đặt ra, Báo cáo nêu rõ một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, theo đó đối với ngành trồng trọt có: cây lúa, lạc, đậu xanh, bưởi Phúc Trạch, cam, rau củ quả; đối với chăn nuôi có: lợn, trâu, bò, gia cầm và hươu; ngành lâm nghiệp gồm: cao su, nguyên liệu gỗ rừng trồng; ngành thủy sản có: tôm thẻ chân trắng và mực.

Báo cáo xác định sản phẩm chủ lực của ngành chuyên môn được xây dựng dựa trên cơ sở những kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn từ các địa phương trong nhiều năm qua; sự khảo sát nghiêm túc, sàng lọc kỹ lưỡng từ điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng, hệ sinh thái và dựa trên những tiêu chí đã được bình xét, thẩm định.

Tuy nhiên, khi đưa ra bàn thảo trước đầy đủ thành phần từ các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành và nhà khoa học, với nhiều ý kiến, phản biện sâu sắc, trách nhiệm, đã bộc lộ nhiều yếu tố chưa hợp lý, đồng thời hé mở những giải pháp, định hướng phù hợp để bổ sung, sửa đổi và tiếp tục triển khai xây dựng được một danh mục những sản phẩm thực sự là chủ lực cho nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Cùng với cây lúa, cây lạc được chọn làm sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt

Theo ông Nguyễn Huy Lâm, Giám đốc Sở KH&CN, thì trước tiên, việc lựa chọn các loại sản phẩm chủ lực cần phải có sự chắt lọc kỹ lưỡng; không nên bố trí một cách dàn trải với quá nhiều chủng loại sản phẩm, đặc biệt đối với địa bàn Hà Tĩnh, vốn có điều kiện sản xuất rất khó khăn. Theo đó, sản phẩm chủ lực phải tính đến những yếu tố cần và đủ như: đảm bảo có vùng nguyên liệu ổn định lâu dài; đảm bảo yếu tố thị trường và phải có khả năng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tính đến sự đầu tư, hỗ trợ hợp lý cho việc hình thành, xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực từng bước có thương hiệu vững chắc trên thương trường. Như vậy, nhiều sản phẩm được lựa chọn và đưa ra trong Báo cáo không thể coi là sản phẩm chủ lực, mặc dù các sản phẩm đó đã và đang đóng góp quan trọng trong cơ cấu thu nhập của người nông dân.

Bên cạnh nhiều ý kiến thống nhất với Giám đốc Nguyễn Huy Lâm, một số ý kiến cho rằng, sản phẩm chủ lực phải thực sự mang trong nó hình ảnh và là biểu tượng của địa phương. Vì vậy, xây dựng các sản phẩm chủ lực cần tính đến sự hài hòa giữa yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Trần Sáng - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê đề xuất: Cần có sự phân cấp trong việc lựa chọn các sản phẩm chủ lực. Theo đó, tiến hành xác định sản phẩm chủ lực từ cấp xã trước. Các xã, phường, thị trấn lựa chọn một số sản phẩm chủ lực cho mình. Dựa trên những sản phẩm của xã, các huyện xây dựng các sản phẩm chủ lực của huyện và cuối cùng, tỉnh xác định các sản phẩm chủ lực từ kết quả lựa chọn của các huyện…

Về phía lãnh đạo tỉnh, việc lựa chọn và xác định các sản phẩm chủ lực cho ngành nông nghiệp được coi là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà trọng tâm là việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Vì vậy, cần phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn thì, để có được những sản phẩm thực sự là chủ lực của địa phương, trước tiên phải xác định được một hệ thống tiêu chí phù hợp, đảm bảo đúng trọng tâm nhưng cũng không quá khắt khe. Trong đó định hướng một số tiêu chí có tính nền tảng, đó là phải có tiềm năng, lợi thế về tài nguyên và thị trường; phải là sản phẩm đồng loại, có quy mô lớn, có khả năng xuất khẩu; là sản phẩm có tính chất liên vùng, có thể kết nối được với các địa phương khác trên phạm vi cả nước…

Phong trào trồng rừng phát triển mạnh trong thời gian qua là động lực để sản phẩm chế biến từ rừng trồng được tỉnh chọn làm sản phẩm chủ lực

Trên cơ sở những tiêu chí đó, việc lựa chọn các sản phẩm chủ lực của tỉnh cần chú trọng trước hết là ngành chăn nuôi. Đối với chăn nuôi, chỉ nên cơ cấu các loại vật nuôi như: lợn, bò và hươu. Đối với trồng trọt, chỉ bố trí cây lúa (ở một số địa phương trọng điểm lúa) và cây lạc. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, xác định sản phẩm chế biến gỗ từ rừng trồng. Tuy nhiên các địa phương vẫn tiếp tục xác định và phát triển các sản phẩm chủ lực nội tiêu của mình.

Về giải pháp cho xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, cùng với việc xác định sản phẩm, cần khảo sát và tổ chức quy hoạch các sản phẩm đó vào những vùng, những địa bàn phù hợp. Đồng thời triển khai tổ chức sản xuất và đưa KHKT vào sản xuất, chế biến gắn với thị trường; đề ra các chính sách và thu hút các dự án, các nhà đầu tư vào sản xuất, nhằm sớm hiện thực hóa chủ trương của tỉnh, đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện và vững chắc trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói